(Tổ Quốc) - Nga đề cập đến ý tưởng gắn kết Tuyến đường biển phía Bắc của Nga với Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc
Phát biểu tại hội nghị Vành đai và Con đường lần thứ hai của Trung Quốc tại Bắc Kinh với sự tham gia của 37 nguyên thủ quốc gia, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiết lộ ý định gắn kết Tuyến đường biển phía Bắc của Nga với Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc, theo trang Strategic Culture.
Thông báo này sẽ không gây ngạc nhiên cho bất cứ ai chú ý đến mối quan hệ xích lại giữa hai nước kể từ thông báo năm 2015 về một liên minh giữa Liên minh kinh tế Á-Âu do Nga dẫn đầu và Sáng kiến Vành đai và Con đường. Phần mở rộng này của Con đường tơ lụa trên biển thể hiện một chiến lược mạnh mẽ để thay đổi vùng biên giới chưa được khám phá cuối cùng trên Trái đất, chuyển đổi khu vực Bắc Cực từ một khu vực địa chính trị xung đột sang một mô hình hợp tác và phát triển mới.
Băng tan dần mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển tại vùng Cực. (Wikimedia)
Ông Putin đã có bài phát biểu tại diễn đàn BRI vào ngày 26 tháng 4: "Các khái niệm về Quan hệ đối tác Đại Á Âu và một Vành đai, một Con đường đều bắt nguồn từ các nguyên tắc và giá trị mà mọi người đều hiểu: khát vọng tự nhiên của các quốc gia là sống trong hòa bình và hòa hợp, được hưởng lợi từ việc tiếp cận miễn phí các thành tựu khoa học mới nhất và phát triển đổi mới, trong khi bảo tồn văn hóa và bản sắc tinh thần độc đáo. Nói cách khác, chúng ta đoàn kết bởi các lợi ích chiến lược, lâu dài của chúng ta".
Vài tuần trước bài phát biểu này, Nga đã tiết lộ một kế hoạch mạnh mẽ về sự phát triển của Bắc Cực trong Diễn đàn "Bắc Cực - Lãnh thổ của Đối thoại" vào ngày 9-10 tháng 4. Kế hoạch táo bạo này có quan hệ đến "Quan hệ đối tác Đại Âu Á", không chỉ mở rộng về đường bộ, đường sắt và các thành phố mới tới Viễn Đông, mà còn mở rộng sự phát triển khoa học và văn minh vào một địa hình lâu nay hết sức khó khăn. Tại hội nghị Bắc Cực này, Trung Quốc và Nga đã ký thỏa thuận hợp tác khoa học đầu tiên cùng nhau thành lập Trung tâm nghiên cứu Bắc cực Trung Quốc-Nga, Nga như một phần của Con đường tơ lụa vùng cực.
Thành công của BRI cho đến nay
Sáng kiến Vành đai và Con đường BRI đã tiếp cận được phần lớn châu Phi khi đường sắt, cảng và các cơ sở hạ tầng khác được kết nối với BRI đang mang đến một luồng gió mới cho các quốc gia ở đây. Pakistan và phần lớn Tây Nam Á cũng đang ngày càng tiến sâu vào BRI thông qua Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan đang phát triển. Mười bảy quốc gia Ả Rập cũng nhất trí về 8 dự án cơ sở hạ tầng BRI lớn từ 15-16/4 và phần lớn châu Mỹ Latinh cũng đã tham gia vào BRI trong các dự án cơ sở hạ tầng hàng trăm tỷ đô la. Ý đã nắm lấy khuôn khổ BRI mới này vào ngày 23 tháng 3 và Hy Lạp cũng đã gia nhập các quốc gia Trung và Đông Âu trong liên minh 16 + 1 vào ngày 9 tháng 4. Liên minh kinh tế Á-Âu hiện đang trong những giai đoạn cuối cùng của một hiệp ước kinh tế được lên kế hoạch từ lâu giữa Trung Quốc và khối kinh tế do Nga đứng đầu. Mặc dù Mỹ đã được mời tham gia BRI nhiều lần kể từ khi thành lập năm 2013, nhưng chưa có phản ứng tích cực nào.
Trong khi hoạt động của Trung Quốc tại Bắc Cực chỉ mới đáng kể gần đây, Chiến lược Bắc Cực của họ đã bắt đầu từ nhiều năm trước.
Tầm quan trọng của con đường tơ lụa Bắc cực đối với Trung Quốc
Trung Quốc đã triển khai cuộc thám hiểm nghiên cứu Bắc cực đầu tiên của họ vào năm 1999, sau đó là thành lập trạm nghiên cứu Bắc cực đầu tiên của họ ở Svalbard, Na Uy vào năm 2004. Sau nhiều năm nỗ lực, Trung Quốc đã đạt được một vị trí quan sát viên thường trực tại Hội đồng Bắc Cực vào năm 2011, và bắt đầu nỗ lực xây dựng các tàu phá băng và hướng tới vượt qua Canada và cả Hoa Kỳ - với hai tàu phá băng lỗi thời đã qua thời hạn sử dụng trong nhiều năm.
Khi các khối băng ở Bắc Cực tiếp tục rút đi, Tuyến đường Biển Bắc đã trở thành một trọng tâm chính đối với Trung Quốc. Thời gian vận chuyển từ cảng Đại Liên Trung Quốc đến Rotterdam sẽ bị cắt giảm 10 ngày khiến cho sự thay thế này rất hấp dẫn. Các tàu thuyền đi từ Trung Quốc đến châu Âu hiện phải đi theo một tuyến quá cảnh qua eo biển Malacca và kênh đào Suez dài hơn 5000 hải lý so với tuyến phía bắc. Việc mở ra các nguồn lực tại Bắc cực quan trọng cho triển vọng dài hạn của Trung Quốc cũng là một động lực chính trong sáng kiến này.
Để chuẩn bị cho việc phát triển tài nguyên, Trung Quốc và Nga đã thành lập một Trung tâm nghiên cứu và kỹ thuật vùng cực Trung - Nga vào năm 2016 để nâng cao năng lực phát triển phía bắc như xây dựng trên băng vĩnh cửu, tạo ra các nền tảng chống được băng và tàu phá băng bền hơn. Các công nghệ mới cần thiết cho các cảng được tăng cường và việc vận chuyển trong cái lạnh sâu cũng là một trọng tâm. Ngoài ra, Trung Quốc còn có 30% cổ phần trong Dự án Yamal LNG và đường ống 3000 dặm "Sức mạnh của Siberia" đến Trung Quốc - đã hoàn thành 99% và sẽ sớm trở thành nhà cung cấp chính cho nhu cầu dầu và khí tự nhiên của Trung Quốc.