(Tổ Quốc) - Các chiến hữu của Mỹ ở hai chiến trường bị "rút thảm dưới chân".
Tổng thống Trump vừa chỉ định Patrick Shanahan, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, từ ngày 1/1/2019, thay thế ông Jim Mattis đã đệ đơn từ chức. Ông Trump đã đã đưa ra quyết định trên để ép ông Mattis rời khỏi Lầu Năm Góc trước 2 tháng so với thời hạn mà ông Mattis dự định rời nhiệm sở.
Quyết định mới này được đưa ra đã gây thêm khó khăn cho Bộ Quốc phòng Mỹ trước quyết định bất ngờ của Tổng thống Mỹ rút toàn bộ 2.000 quân khỏi Syria và 7.000 quân, tức một nửa quân số Mỹ trên chiến trường Afghanistan, về Mỹ. Được biết, đơn vị đầu tiên của quân đội Mỹ bắt đầu rời Afghanistan.
Quyết định rút quân bất chấp phản đối
Ông Trump tuyên bố việc rút quân là nhằm thực hiện cam kết tuyển cử năm 2016. Quyết định rút quân được đưa ra trong cuộc gặp giữa tổng thống với ba nhân vật chủ chốt trong chính quyền là bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng quốc phòng và cố vấn an ninh quốc gia; có tin, cả ba nhân vật này đều không ủng hộ hoặc, như trường hợp ông Mattis, là kịch liệt phản đối quyết định của Tổng thống.
Đơn vị đầu tiên của quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan sau 14 năm chiến tranh vô vọng.
Một quyết định quan trọng như vậy hẳn đã được bàn định từ lâu nhưng có lẽ cả phía Tổng thống cũng như các nhân vật trọng yếu về quân sự và an ninh của chính quyền Mỹ đã không dẹp bỏ được bất đồng. Và ông Trump đã phủ quyết các cộng sự của mình và muốn mọi việc được giải quyết trước thềm năm mới 2019, nhằm tập trung giải quyết những vấn đề đối nội và đối phó với Trung Quốc. Tất nhiên, các đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp và các nước NATO khác, càng không được bàn bạc trước đó.
Các cộng sự quan trọng của Tổng thống Trump không tán thành rút quân gấp rút như vậy vì Mỹ tỏ ra không tôn trọng đồng minh, sẽ tạo bất lợi cho các đối tác chiến hữu của Mỹ trên hai chiến trường nói trên, gây xáo trộn về an ninh tại chiến trường, đồng thời tạo thời cơ cho các đối thủ của Mỹ lấp khoảng trống quyền lực.
Trong trường hợp Syria, Mỹ bỏ rơi các lực lượng người Kurd thuộc Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) với 6 vạn chiến binh đã sát cánh chiến đấu bên cạnh quân đội Mỹ chống phiến quân Hồi giáo IS và chính quyền Syria Assad từ năm 2014. SDF sát cánh cùng quân đội Mỹ và đồng minh của Mỹ với hy vọng xây dựng nhà nước tự trị của người Kurd. SDF không khỏi cảm thấy bị "rút thảm dưới chân", bởi vì hồi tháng 9/2018, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton còn nói như "đinh đóng cột" rằng binh lính Mỹ sẽ không rút đi chừng nào quân đội Iran còn có mặt bên ngoài biên giới Iran, bao gồm các lực lượng Iran đánh thay hoặc chiến binh". Như vậy, những tuyên bố của những nhân vật chóp bu trong chính quyền Mỹ đều không còn đáng tin cậy trước sự độc đoán của Tổng thống Mỹ.
Những bên được lợi trong việc Mỹ rút quân khỏi Syria là Iran, chính quyền Assad và Nga. Các lực lượng của chính phủ Assad đã tiến sát những khu vực mà các chiến binh SDF, được cố vấn Mỹ trợ chiến, rút đi, để ngăn chặn việc các tàn binh IS trở lại chiếm đóng.
Tại Afghanistan, cuộc chiến đấu của Mỹ và đồng minh diễn ra 14 năm mà không hề có ánh sáng cuối đường hầm. Cuộc đàm phán được Mỹ ủng hộ giữa chính quyền Kabul với các lực lượng Taliban chưa mang lại kết quả nào. Mỹ chỉ để lại một lực lượng tượng trưng, có lẽ để phòng ngừa Taliban biến Afghanistan thành căn cứ địa của lực lượng khủng bố quốc tế chống lại Mỹ và đồng minh châu Âu. Thực ra, Mỹ đã bỏ mặc cho chính quyền Khabul với số phận chìm nổi của nó.
Trung Quốc, Nga, Iran vội vã lấp chỗ trống
Ngày 15/12, Đặc phái viên của Tổng thống Putin vội vã đến Tehran hội đàm về Syria. Các nhà ngoại giao Nga và Iran muốn thúc đẩy nhanh các cuộc đàm phán Astana về Syria. Ngày 14/12, theo thông báo của Liên hợp quốc, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura sẽ hội đàm với các quan chức cấp cao từ Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là những nước bảo trợ tiến trình hòa bình Syria, tại Geneva vào đầu tuần tới. Các cuộc đàm phán sắp tới sẽ phục vụ việc thành lập Ủy ban soạn thảo hiến pháp mới của Syria và tiến hành các cuộc bầu cử.
Mỹ rút quân khỏi Syria, bỏ lại phía sau những sứ mệnh dang dở và bỏ lại các chiến hữu để họ tự xoay xở với số phận.
Ngày 15/12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã dự Đối thoại Ngoại trưởng ba bên Trung Quốc - Afganistan - Pakistan lần thứ hai tại Thủ đô Kabul, Afganistan. Sau Đối thoại, Ngoại trưởng ba nước đã tổ chức họp báo chung, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết ba bên đã đạt được các nhận thức chung về hàng loạt vấn đề quan trọng.
Trong cuộc tiếp kiến Tổng thống Afganistan Ashraf Ghani, Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc nguyện nỗ lực cùng Afganistan thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược song phương không ngừng phát triển; mở rộng thương mại, đầu tư song phương, giúp Afganistan đẩy nhanh tiến trình tái xây dựng và phát triển; ủng hộ những nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố của Afganistan, tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ Pakistan xây dựng năng lực phòng chống khủng bố; ủng hộ Chính phủ Afganistan áp dụng các biện pháp thúc đẩy tiến trình hòa giải ở nước này.
Việc Mỹ từ bỏ trận địa tại Syria và Afghanistan đang thúc đẩy nhanh những tập hợp lực lượng tại Trung Đông và Tây Á, tạo ra những biến động địa-chính trị đáng kể trong năm 2019./.