• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga và NATO: “Nóng” cuộc đua vũ trang tên lửa tại châu Âu

Thế giới 18/12/2017 20:40

(Tổ Quốc) - Liên minh NATO đang thúc giục Moscow quay trở lại với thỏa thuận song phương Mỹ-Nga năm 1987.

Liên minh NATO đang thúc giục Moscow quay trở lại với thỏa thuận song phương Mỹ-Nga năm 1987 - Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF), theo đó cấm các tên lửa trên mặt đất có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.

"Các đồng minh đã xác định được một hệ thống tên lửa của Nga gây ra những lo ngại nghiêm trọng", National Interest (NI) trích một tuyên bố của liên minh này. "NATO kêu gọi Nga giải quyết những mối quan ngại này một cách thực tế và rõ ràng, cũng như tích cực tham gia vào một cuộc đối thoại về mặt kỹ thuật với Hoa Kỳ".

Liên minh này hoan nghênh "những nỗ lực liên tục của Mỹ trong việc tìm kiếm sự hợp tác với Nga trong các định dạng song phương và đa phương, bao gồm một Ủy ban Thanh tra Đặc biệt, nhằm giải quyết các lo ngại về việc Nga tuân thủ hay không Hiệp ước INF".

Vấn đề về INF đang trở thành một tâm điểm trong quan hệ Nga - Mỹ.

NATO “sốt sắng” tên lửa mới từ Nga

Liên minh NATO- nơi các thành viên châu Âu sẽ triển khai bất cứ loại vũ khí mới nào của Mỹ thuộc lớp INF –xem những cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước INF là một vấn đề nghiêm trọng.

"Các đồng minh nhấn mạnh rằng, trong một tình huống khi Hoa Kỳ và các bên khác đang tuân thủ hiệp ước còn Nga thì không- sẽ là một mối quan ngại nghiêm trọng và cấp bách", NATO cho biết trong một tuyên bố. "Liên minh nhất trí về đánh giá rằng hiệp định kiểm soát vũ khí hiệu quả vẫn là một yếu tố cần thiết đối với sự ổn định chiến lược và an ninh tập thể".

Các quốc gia thành viên NATO đang có những hành động để thúc đẩy Nga quay trở lại tuân thủ hiệp định này. "Theo tinh thần trên, hành động của chúng ta, bao gồm các biện pháp ở cấp quốc gia do một số đồng minh thực hiện, tìm cách bảo vệ Hiệp ước INF, đang củng cố liên minh và thúc đẩy Nga tham gia vào thỏa thuận này với tinh thần tích cực", theo tuyên bố của NATO.

Tuy nhiên, tuyên bố của NATO không nêu rõ những biện pháp mà liên minh này đang làm để đưa Nga quay trở lại tuân thủ hiệp ước 30 năm nay. Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp kinh tế và quân sự nhằm buộc Nga phải tuân thủ thỏa thuận INF, theo nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert. Những biện pháp này bao gồm việc phát triển một tên lửa hành trình mới của Mỹ, nằm trong phạm vi bị cấm bởi hiệp ước INF, theo National Interest.

Thực hư tên lửa Novator 9M729

Vấn đề là Nga đang phát triển tên lửa hành trình mặt đất  Novator 9M729, có khả năng là một sự phát triển của tên lửa hành trình trên biển Kalibr-NK. Mặc dù Hoa Kỳ đã cáo buộc người Nga vi phạm hiệp ước INF từ năm 2014, nhưng cho đến cuối năm nay, Washington mới công khai nêu tên loại vũ khí mới của Điện Kremlin là vấn đề.

Phát biểu tại Trung tâm Wilson vào ngày 29/11, quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia - Christopher Ford đã tiết lộ về Novator 9M729 được NATO gọi là SSC-8. Tên lửa hành trình mặt đất này được cho là có tầm bắn từ 500 đến 5.500km, và do đó là bất hợp pháp theo các điều khoản của hiệp ước INF.

Nhiều nhà phân tích như Jeff Lewis từ lâu đã nghi ngờ rằng loại vũ khí Nga nằm trong diện thu hồi của INF đang bị đặt câu hỏi là 9M729, tuy nhiên, chưa có câu trả lời chính thức từ chính phủ Hoa Kỳ cho đến tháng này.

Theo National Interest, tại thời điểm này, hiệp ước INF về cơ bản đã chết. Rất khó có thể đưa Điện Kremlin quay trở lại tuân thủ các thỏa thuận đó sớm. Trên thực tế, theo nhiều cách, hiệp ước này đã lỗi thời và nhược điểm hiển nhiên nhất, đây là một hiệp định song phương.

"Hiệp ước INF là một thỏa thuận song phương, mặc dù nó liên quan đến, một cách gián tiếp, một số quốc gia Châu Âu – nơi Hoa Kỳ và Liên Xô triển khai các tên lửa tầm trung", như cựu thương thuyết về kiểm soát vũ khí Nikolai Sokov, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, viết cho NI.

"Vào thời điểm đó, điều này có ý nghĩa không chỉ bởi vì hai nước là hai nhân vật chính của Chiến tranh Lạnh, mà cũng vì có ít quốc gia trên thế giới có hoặc có thể có tên lửa trong tầm bắn như vậy. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi – hiện tại rất nhiều quốc gia ở châu Á- châu Âu có những tên lửa như vậy - Triều Tiên, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel, Iran, ... Đây đã là mối quan ngại nghiêm trọng của Nga trong một thời gian dài".

Có lẽ lựa chọn tốt nhất là thương lượng một hiệp ước mới bao gồm các bên khác như Trung Quốc. Sokov cho hay: "Thay vì để hiệp ước này im lặng chết dần, chúng ta có thể thương lượng một thỏa thuận mới - một thỏa thuận loại bỏ vũ khí hạt nhân thay vì chỉ tập trung vào các phương tiện vận chuyển và phải thêm một hiệp ước bao gồm các quốc gia hạt nhân khác. "Thêm một lựa chọn nữa là để lại hy vọng rằng số phận buồn của hiệp ước INF sẽ là một bài học chứ không phải là một ví dụ."

(Theo NI)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ