(Tổ Quốc) - Reuters đăng tin, nhóm OPEC+ (bao gồm các nước thuộc Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh do Nga dẫn đầu) hôm chủ nhật (12/4) đã đạt được một thỏa thuận đồng ý cắt giảm sản lượng dầu mỏ ở mức kỷ lục.
Các biện pháp để hạn chế mức độ lây lan của COVID-19 đã làm giảm nhu cầu nhiên liệu, đẩy giá dầu giảm mạnh và làm ảnh hưởng tới ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ - vốn dễ bị tổn thương trước giá dầu thấp do chi phí sản xuất cao.
OPEC+ đã thống nhất cắt giảm sản lượng trong tháng 5-6. Quyết định được đưa ra sau 4 ngày đàm phán cũng như áp lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump là phải dừng tình trạng sụt giảm giá dầu.
Mức cắt giảm lần này thậm chí còn cao gấp 4 lần mức giảm kỷ lục hồi năm 2008. Các nhà sản xuất sẽ dần dần gia tăng sản lượng trở lại sau tháng 6, tuy nhiên, tình trạng sản lượng bị cắt giảm sẽ vẫn kéo dài cho tới tháng 4/2020.
"Thoả thuận dầu mỏ lớn với OPEC+ đã hoàn thành. Nó sẽ giúp giữ lại hàng trăm nghìn công việc trong ngành năng lượng tại Mỹ", Tổng thống Trump viết trên Twitter. Ông cũng ngỏ lời cám ơn tới Tổng thống Nga Vladimir Putin và Nhà vua Arab Saudi. "Tôi vừa nói chuyện với bọn họ… thỏa thuận tuyệt vời cho tất cả các bên", ông Trump tuyên bố.
Theo một số nguồn tin của OPEC+, tổng số thùng dầu bị cắt giảm được kỳ vọng chiếm khoảng 20% nguồn cung toàn cầu. Còn Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait tiết lộ, tổng giá trị sản lượng bị cắt giảm có thể lên tới 20 triệu thùng/ngày.
Mặc dù vậy, một số nhà phân tích lại cho rằng, tương lai của dầu mỏ thế giới sẽ không thay đổi nhiều sau ngày 12/4 do thỏa thuận đạt được vẫn chưa đủ.
"Cái mà thỏa thuận này làm được là giúp ngành dầu mỏ toàn cầu, các nền kinh tế quốc gia và nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc khác tránh được một cuộc khủng hoảng rất sâu", Phó Chủ tịch IHSMarkit Daniel Yergin nhận định. "Nó góp phần giảm tình trạng hàng hóa bị tích lại từ đó làm giảm áp lực lên giá cả khi nhịp độ bình thường quay trở lại vào bất kỳ thời điểm nào".
Ngân hàng Morgan Stanley đã nâng mức dự đoán giá dầu quý 2 lên 25 USD cho một thùng dầu Brent và 22,5 USD cho một thùng dầu WTI. Tuy nhiên, họ cũng dự đoán việc cắt giảm sản lượng sẽ không có ảnh hưởng mạnh tới tình trạng kho dầu bị ứ đọng trong những tháng tới và giá dầu sẽ vẫn phải chịu áp lực.
Cũng trong ngày chủ nhật, Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Quốc vương Salman của Arab Saudi đều ủng hộ cho thỏa thuận của OPEC+.
Dưới ảnh hưởng của COVID-19, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu đã giảm khoảng 30%. Tổng giá trị cắt giảm sản lượng dầu mỏ toàn thế giới sẽ bao gồm cả giá trị cắt giảm từ các nước không nằm trong OPEC+ cũng như mức cắt giảm tự nguyện sâu hơn thỏa thuận từ một số thành viên OPEC+ như Saudi, Kuwait và UAE.