• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga vươn tay Kuwait: Đón đầu thế lực Mỹ tại vùng Vịnh

Thế giới 10/05/2019 15:54

(Tổ Quốc) - Chủ tịch quốc hội Kuwait Marzouq al-Ghanem đã có một bài phát biểu vào ngày 22 tháng 4 trước các thành viên của thượng viện Nga.

Trong bài phát biểu của mình, Ghanem đã tuyên bố về "mối quan hệ đối tác vững chắc và sâu sắc" giữa Kuwait và Nga, đồng thời hoan nghênh Nga đã phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Cao nguyên Golan là lãnh thổ của Israel.

Theo một bài viết trên al-monitor, những lời ca ngợi của Ghanem về chính sách đối ngoại của Nga rất hấp dẫn khi chúng đến vào thời điểm quan hệ Mỹ-Kuwait cũng đang trở nên mạnh mẽ hơn. Vào tháng 8 năm 2018, quân đội Hoa Kỳ đã mở cảng tiếp tế trên không lớn nhất ở Trung Đông gần Sân bay Quốc tế Kuwait và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã tôn vinh sức mạnh chưa từng có của liên minh Mỹ-Kuwait trong chuyến thăm nước này vào cuối tháng 3. Bất chấp những diễn biến này, Nga hy vọng sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Kuwait trong việc giải quyết xung đột khu vực, vì cả hai nước đều mong muốn gia tăng hình ảnh của mình với tư cách là trọng tài cho các cuộc xung đột và thiết lập một trật tự khu vực không cô lập Iran hay Qatar.

Cách tiếp cận ngoại giao của Nga với Kuwait tập trung vào việc tăng cường hợp tác song phương trong việc chấm dứt các cuộc nội chiến ở Syria và Yemen và thúc đẩy hòa giải trong vùng Vịnh. Các nhà hoạch định chính sách Nga tin rằng cả hai nước có thể hợp tác ở Syria, vì họ chia sẻ những quan điểm tương tự về nhu cầu của chính phủ Bashar al-Assad, để bình thường hóa quan hệ với các nước Ả Rập khác và đầu tư vào quá trình tái thiết do chính phủ Syria lãnh đạo.

Kuwait riêng biệt về Syria, Yemen

Kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu vào năm 2011, Kuwait đã duy trì sự thận trọng hơn Saudi Arabia và Qatar trong việc cô lập chính phủ Assad. Mặc dù Kuwait đã đóng cửa đại sứ quán tại Syria vào năm 2012, nhưng họ đã thể hiện sự khác biệt với phần lớn các đồng minh vùng Vịnh bằng cách duy trì Đại sứ quán Syria mở tại Thành phố Kuwait. Bất chấp những sức ép phản đối từ Hoa Kỳ và Saudi Arabia, Kuwait vẫn ủng hộ Nga trong nỗ lực bình thường hóa mối quan hệ của Syria với các nước Ả Rập khác. Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov hồi tháng 3, Bộ trưởng Ngoại giao Kuwait, ông Sheikh Sabah Al-Khalid Al-Sabah tuyên bố ông sẽ rất vui khi đưa Syria quay về với gia đình Arab và mô tả Syria là một quốc gia quan trọng trong khu vực."

Nga vươn tay Kuwait: Đón đầu thế lực Mỹ tại vùng Vịnh - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tháng 3 có chuyến thăm vùng Vịnh. (Nguồn: TASS/Getty)

Kuwait cũng tách biệt với nhiều đối tác vùng Vịnh bằng cách bày tỏ mong muốn tham gia vào các sáng kiến tái thiết do chính phủ Syria dẫn đầu – điều được Nga ủng hộ. Trong Hội chợ Quốc tế Damascus tháng 9 năm 2018, các doanh nghiệp Kuwait đã cùng với các đối tác Nga của họ mở cửa thị trường Kuwait cho các sản phẩm nông nghiệp của Syria. Vào tháng 10 cùng năm, ông Assad đã công khai hoan nghênh việc Tiểu vương Kuwait Sheikh Sabah Al Ahmad Al Sabah tổ chức thượng đỉnh gây quỹ quốc tế cho Syria trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Kuwait Al-Shahed. Mặc dù việc Kuwait từ chối mở lại đại sứ quán tại Damascus cho đến khi Liên đoàn Ả Rập tái công nhận Syria và bắt giữ doanh nhân thân Assad Mazen al-Tarazi có thể gây ra xích mích với Moscow, Nga hy vọng rằng những ý tưởng chung mà họ chia sẻ với Kuwait về giải quyết xung đột sẽ dẫn đến sự lâu dài hợp tác ở Syria.

Nga cũng coi Kuwait là một đối tác hữu ích tiềm năng ở Yemen, khi Moscow tìm cách củng cố danh tiếng của mình như một người hỗ trợ đối thoại giữa các phe phái xung đột ở Yemen. Giống như Nga, các nhà ngoại giao Kuwait đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến Yemen và tạo điều kiện cho phe nổi dậy Houthis đến đàm phán hòa bình ở Stockholm. Sự hội tụ về quan điểm này đã được nhấn mạnh bởi Thứ trưởng Ngoại giao Kuwait Khalid Al-Jarallahors tại Diễn đàn Ả Rập-Nga tại Moscow vào tháng trước. Trong hội nghị này, Jarallah kêu gọi Nga hợp tác với Kuwait để tạo điều kiện cho việc thực thi Nghị quyết 2216 của Liên Hợp Quốc, kêu gọi ngừng bắn ở Yemen.

Lối đi riêng về Iran và hòa giải khu vực

Nga và Kuwait cũng không đồng tình với những nỗ lực của Mỹ trong việc coi Iran là tác nhân hàng đầu gây mất ổn định ở Yemen. Vào tháng 2 năm 2018, đại diện của Kuwait tại LHQ Mansour Ayyad al-Otaibi đã lên án các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Houthis nhằm vào Saudi Arabia, nhưng đã theo bước Nga trong việc đã từ chối đổ lỗi cho Iran về cung cấp công nghệ tên lửa cho Houthis. Vào tháng 12 năm 2018, Nga và Kuwait đã chặn việc thông qua dự thảo nghị quyết của Anh trong Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó có bày tỏ quan ngại của chính phủ Hoa Kỳ về sự hỗ trợ quân sự của Iran đối với người Houthis.

Nga cũng coi sự hòa giải trong vùng Vịnh là một lĩnh vực hợp tác với Kuwait, vì Moscow luôn ủng hộ các nỗ lực hòa giải của Kuwait kể từ khi Bộ tứ chống khủng bố (ATQ) do Saudi Arabia dẫn đầu áp đặt phong tỏa đối với Qatar vào tháng 6 năm 2017. Vào tháng 8 năm 2017, ông Lavrov đã đi đến Kuwait để nêu bật sự ủng hộ của Moscow đối với các nỗ lực hòa giải của Kuwait ở vùng Vịnh và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết vùng Vịnh. Trong chuyến đi này, ông Lavrov tuyên bố sẽ dẫn dắt một nỗ lực hòa giải nội vùng do Moscow đi đầu để hỗ trợ cho quá trình trung gian của Kuwait, nếu đề xuất này đạt được sự đồng thuận rộng rãi trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Mặc dù ông Lavrov đã không lặp lại lời đề nghị này trong chuyến đi gần đây nhất tới Kuwait, Andrei Baklanov, đại sứ Nga tại Saudi từ năm 2000 đến 2005, nói với Al-Monitor rằng Nga vẫn sẽ sẵn sàng tiếp tục vai trò này nếu họ cảm thấy họ là "một sức mạnh thứ ba" được mong muốn ở vùng Vịnh.

Triển vọng tăng cường hợp tác Nga-Kuwait về hòa giải nội vùng Vịnh đã được tiết lộ bởi lời kêu gọi của ông Lavrov về việc tái lập diễn đàn Nga-GCC và xem xét các nhượng bộ tiềm năng từ cả hai bên trong chuyến đi tới đây vào tháng 3. Dù vậy, những nỗ lực này chưa nhận được nhiều sự hưởng ứng và khó có thể giúp Nga chứng minh cho các nhà hoạch định chính sách Kuwait rằng các nỗ lực trọng tài của họ có thể cạnh tranh với các sáng kiến hòa giải trong vùng Vịnh của Hoa Kỳ.

Mặc dù liên minh Mỹ-Kuwait vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết, các nhà hoạch định chính sách Nga đang tham gia đối thoại với các đối tác Kuwait với tần suất cao hơn, vì Moscow muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Kuwait trong giải quyết khủng hoảng an ninh khu vực. Những ý tưởng chung được Nga và Kuwait chia sẻ về chấm dứt xung đột ở Syria và Yemen và thúc đẩy hòa giải nội vùng Vịnh có thể khiến cả hai phối hợp chặt chẽ hơn trong giải quyết xung đột trong những tháng tới.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ