(Tổ Quốc) - “Sóng gió” về việc Ba Lan muốn Mỹ mở căn cứ quân sự thường trực tại nước này một lần nữa cho thấy chiến lược quân sự toàn cầu của Nga và Mỹ.
Ba Lan đang sẵn sàng chi khoảng 2 tỷ USD để đảm bảo sự hiện diện quân sự vĩnh viễn của Mỹ tại nước này – điều một số chính trị gia ở Warsaw đã nhiều lần thảo luận trong bối cảnh Nga tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực này.
Mỹ cho đến nay vẫn phản đối việc sẽ sự hiện diện thường trực ở các đồng minh Đông Âu. Tuy nhiên, khả năng này đang dấy lên một cuộc tranh luận rằng, Nga sẽ phản ứng với một động thái như vậy bằng cách xây dựng một căn cứ ở nước láng giềng phương Tây Belarus.
Tình huống trên phản ánh một chủ đề lặp đi lặp lại về tầm nhìn toàn cầu của cả quân đội Mỹ và Nga.
Tương quan số lượng căn cứ nước ngoài
Các cơ sở quân sự ở nước ngoài của Mỹ được ước tính có số lượng lớn hơn rất nhiều so với Nga khi vị thế của Moscow giảm mạnh từ thời điểm Liên Xô tan rã. Các nước như Ba Lan không còn tham gia vào liên minh quân sự do Điện Kremlin lãnh đạo, thay vào đó đón quân đội Mỹ và NATO tới trú đóng. Trong một số trường hợp, chính phủ Nga cũng đã tự đóng cửa một số căn cứ để tiết kiệm chi phí.
Hiện tại, Nga đang vận hành ít nhất 21 cơ sở quân sự quan trọng ở nước ngoài, theo tờ nhật báo Izvestiya trích dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga và dữ liệu Liên hợp quốc. Những tài sản này bao gồm các sư đoàn súng trường ở Armenia và Tajikistan; căn cứ radar ở Belarus và Kazakhstan - nơi Nga cũng có một bãi thử nghiệm tên lửa, sân bay quân sự ở Kyrgyzstan, Syria và Armenia hay các cảng ở Syria.
Tổng thống Nga Putin dành nhiều sự chú ý cho chiến lược quân sự tại Syria. |
Mặc dù con số này bao gồm các cơ sở hạ tầng gây tranh cãi ở Moldova và Gruzia, nơi Nga đang ủng hộ các lực lượng ly khai, nhưng không có Crimea – nơi Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.
Trước khi sát nhập Crimea, quân đội Nga đã thuê cảng Sevastopol tại đây làm căn cứ hải quân cho hạm đội Biển Đen. Từ năm 2014, Moscow đã tăng cường mạnh mẽ lực lượng tại bán đảo này.
Hiện tại, theo báo cáo thường niên về cơ cấu căn cứ của quân đội Mỹ, họ hiện có từ 600 - 900 cơ sở quân sự tại nước ngoài. Còn theo dữ liệu từ năm 2009, được đăng tải trên trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ, họ liệt kê 716 cơ sở quân sự ở nước ngoài, 13 trong số đó được phân loại là "lớn", trong khi 19 căn cứ được phân loại là "trung bình".
Danh sách đầy đủ bao gồm nhiều cơ sở loại nhỏ, tuy nhiên, trong số 620 cơ sở nhỏ này cũng có những căn cứ “ghê gớm”. Tiêu biểu như cơ sở Coleman Barracks ở Mannheim, Đức, với hơn 1.000 binh lính Mỹ và một kho vũ khí thiết bị gồm 20.000 bộ phận, bao gồm cả xe tăng. Tại Nhật Bản, căn cứ hải quân Futenma là nơi có hơn 3.000 binh sĩ Mỹ trú đóng.
Dù vậy, "cơ sở" quân sự duy nhất của Mỹ tại tại Iceland là một máy phát hàng hải ở thị trấn đánh cá Grindavik, không có nhân viên quân sự hoặc dân sự Mỹ nào phụ trách nó. 56 trong số 148 quốc gia được coi là nơi có các cơ sở quân sự Mỹ trú đóng có chưa tới 10 nhân viên hoạt động từ năm 2010.
Khi xét về mặt số lượng, các con số trên vẽ ra một bức tranh cho thấy vị thế “áp đảo” của Mỹ về các căn cứ ở nước ngoài với hàng trăm cơ sở, trong khi Nga ở thế yếu hơn, chỉ bằng 1/10 Mỹ.
Evelyn Farkas, nguyên Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề Nga, Ukraine và Eurasia, nói rằng những con số này không cho chúng ta biết toàn bộ câu chuyện về cách quân đội hai bên hành xử như thế nào.
Chiến lược quân sự hiệu quả của ông Putin
"Hoa Kỳ vẫn là cường quốc quân sự số một trên toàn cầu," bà nói. "Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là người Nga không thể tạo ra mức độ ảnh hưởng rất mạnh ở một số nơi trên thế giới."
“Người Nga không thể có đủ loại cơ sở hạ tầng quân sự mà chúng tôi có trên toàn cầu, điều đó là đúng. Họ không phải là Liên Xô nữa”, bà nói, lưu ý rằng về mặt tài chính và hậu cần, quân đội Nga chưa tương xứng với Mỹ. Cần một bước nhảy vọt để họ cạnh tranh về khối lượng. Dù vậy, điều đó không có nghĩa là họ không thể cạnh tranh với chúng tôi về sự hiện diện đầy chất lượng của họ”.
Nga đã thành công sáp nhập Crimea mà không cần huy động một lực lượng quân sự lớn. Tại Syria, chính phủ Nga đã trở thành một lực lượng trung tâm trên bàn đàm phán, sau khi triển khai chính thức và hiệu quả một lực lượng không nhiều tới Syria vào năm 2015.
"Điện Kremlin dưới thời ông Putin về tổng thể rất giỏi về cách khai thác lực lượng quân sự một cách đầy kinh tế, càng sử dụng ít lực lượng để đạt được các mục tiêu của họ thì càng tốt", Farkas nhận định. “Những gì Nga đưa vào Syria, ví dụ, là những gì nước này xác định họ cần phải làm ở mức chi phí thấp nhất. Họ không cần phải có sự triển khai lớn và giám sát chặt chẽ (các căn cứ) miễn là họ vẫn có thể kiểm soát được”.
Các nhiệm vụ đào tạo liên tục với các quốc gia Mỹ Latinh như Nicaragua hay một nhiệm vụ giữ hòa bình ở Serbia là những ví dụ về hoạt động của Nga dưới ngưỡng một cơ sở ở nước ngoài. Trong cả hai trường hợp, những hoạt động này cho phép nhân viên Nga tiếp xúc gần gũi hơn với Hoa Kỳ và các đồng minh của nó.
Farkas nói: “Nếu họ có con đường riêng và họ có được nguồn lực, tôi nghĩ họ vẫn muốn thực hiện cách tiếp cận (quân sự) thông thường mà chúng tôi đang làm và những cơ hội mà các căn cứ quân sự truyền thống mang lại. Nhưng hiện tại họ đang làm những gì họ có thể với khả năng sẵn có."