(Tổ Quốc) - Nghệ thuật thế giới có một tuần bận rộn với kế hoạch khủng của Ngải Vị Vị, bảo tàng Pháp đóng cửa, số phận “Fearless Girl”…
Cùng điểm qua một số hoạt động đáng chú ý của nghệ thuật thế giới trong tuần từ 26/3 – 01/4.
Nghệ thuật đương đại tiếp tục chiếm ưu thế trong năm 2016
Tạp chí Art Newspaper vừa công bố những thống kê về tình hình khách tham quan triển lãm và bảo tàng trong năm 2016, phân loại theo hình thức và địa điểm, với các chỉ số về tổng lượng người xem và lượng người xem mỗi ngày. Theo đó, tác phẩm trình diễn “Floating Piers” của nghệ sỹ Christo – công trình cho phép người xem “đi trên nước” tại hồ Iseo (Italy) – đã thu hút được tổng số 1,2 triệu người xem (75.000 người xem/ngày).
Tác phẩm sắp đặt “Floating Piers” thu hút nhiều người xem nhất năm 2016 (ảnh: the guardian) |
Bản báo cáo cũng cho biết, tại 29 bảo tàng lớn nhất nước Mỹ, các cuộc triển lãm nghệ thuật đương đại chiếm ưu thế rõ rệt. Có đến 44% trên tổng số 2.300 sự kiện tổ chức trong khoảng 2007 – 2015 tại các bảo tàng trên, là dành cho các tác giả sinh sau năm 1970. Mặc dù không còn là một xu thế mới, nhưng sức hấp dẫn của nghệ thuật đương đại vẫn ngày càng lớn mạnh. Năm 1997, trong danh sách các triển lãm thu hút người xem nhiều nhất nước Mỹ, không hề có một sự kiện nghệ thuật đương đại nào.
Ngải Vị Vị mở triển lãm “khủng” tại New York
Dự định bắt đầu vào tháng Mười, triển lãm của nghệ sỹ Trung Quốc Ngải Vị Vị sẽ diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau trên khắp thành phố New York. Triển lãm mang tựa đề “Good Fences Make Good Neighbors” (Hàng rào tốt tạo ra hàng xóm tốt) và được lấy cảm hứng từ cuộc khủng hoảng người nhập cư, cũng như những căng thẳng liên quan đến vấn đề biên giới tại nước Mỹ và toàn thế giới. Ngải Vị Vị sẽ lắp đặt một số hàng rào tại một số nơi như công viên, quảng trường, trạm xe buýt, tầng thượng, ngõ hẻm…
Nghệ sỹ Trung Quốc Ngải Vị Vị (ảnh: Tate) |
Một triển lãm lấy chủ đề về người nhập cư của Ngải Vị Vị (ảnh: Artsy) |
“Thành phố New York từ lâu đã là một cửa ngõ của nước Mỹ đối với hàng triệu người nhập cư, cùng hy vọng có được cuộc sống tốt hơn,” Thị trưởng New York Bill de Blasio phát biểu. “Đặt mục đích khám sự tự do và năng lực tự biểu đạt, dự án nghệ thuật cộng đồng đồ sộ này là một biểu tượng hoàn hảo, và có ý nghĩa đối với tất cả chúng ta, đặc biệt trong thời điểm chính trị nhạy cảm này.” Lần đầu đặt chân đến New York vào năm 1983 và từng sinh sống tại thành phố này cho đến năm 1993, Ngải Vị Vị là một trong những tên tuổi nổi tiếng nhất của nghệ thuật đương đại Trung Quốc và thế giới. Trong những năm gần đây, các sáng tạo của ông thường tập trung vào đề tài nhập cư toàn cầu.
Pompidou đóng cửa cả tuần vì nhân viên biểu tình
Nguyên nhân chính dẫn đến cuộc đình công tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Pompidou (Paris) được cho là phản ứng trước bộ luật lao động mới, theo đó, nguồn nhân lực cho bảo tàng sẽ tương đương với công – viên chức, thay vì lao động thông thường. Bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng Tư, những quy định mới có thể sẽ khiến mức lương bị giảm đi đến 20%. Cuộc đình công tại Pompidou đã khiến trung tâm này phải hủy bỏ một bữa tiếc tối, đồng thời ngừng hoạt động 5 ngày liên tiếp. Theo số liệu của Pompidou, có khoảng 60 đến 100 nhân viên của trung tâm tham gia cuộc đình công này; tuy nhiên, con số của tổ chức Lực lượng lao động Pháp đưa ra là khoảng 300 đến 400 người.
Trung tâm nghệ thuật đương đại Pompidou (ảnh: artnet) |
Quyết định số phận của bức tượng gây tranh cãi “Fearless Girl”
Bức tượng một cô bé đối mặt với tác phẩm điêu khắc con bò tót nổi tiếng của Arturo Di Modica tại Phố Wall (New York), sẽ tiếp tục được trưng bày ít nhất cho đến tháng Hai năm sau. Được công ty quản lý đầu tư State Street đặt hàng, “Fearless Girl” là một sáng tạo của nghệ sỹ Kristen Visbal và theo dự định ban đầu, sẽ được trưng bày chỉ trong một tuần. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn ngủi đó, theo thị trưởng New York Bill de Blasio, tác phẩm này đã kịp “châm ngòi cho nhiều cuộc thảo luận về vai trò của nữ giới trong lãnh đạo và trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều người.” Chính vì vậy cơ quan Cấp phép hoạt động đường phố của New York đã tiếp tục mở rộng thời hạn trưng bày “Fearless Girl” đến tận tháng 2/2018.
Bức tượng "Fearless Girl" đối mặt với bức tượng bò tót nổi tiếng trên phố Wall (ảnh: artnet) |
Thị trưởng New York bên cạnh tác phẩm "Fearless Girl" (ảnh: artsy) |
Mặc dù vậy, bức tượng tiếp tục trở thành tâm điểm của những tranh cãi. Nghệ sỹ Di Modica gọi “Fearless Girl” thật ra là “một chiêu quảng cáo trá hình”, trong khi một số người khác cho rằng, thông điệp nữ quyền của tác phẩm chỉ là đạo đức giả nếu nhìn vào sự chênh lệch giới tính ngay trong hàng ngũ nhân viên của State Street.
Cảnh báo tình trạng “tụt dốc” của giáo dục nghệ thuật tại Anh
Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Anh kiêm giám đốc Bảo tàng nghệ thuật đương đại Tate vừa công bố quyết định thành lập một ủy ban chuyên nghiên cứu mối quan hệ giữa giáo dục nghệ thuật và sự phát triển của trẻ em tại nước Anh. Trong thập kỷ qua, các môn học sáng tạo nghệ thuật tại Anh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Một báo cáo của Học viện nghệ thuật Hoàng gia cho thấy, kể từ năm 2010, số lượng học sinh tham gia các lớp nghệ thuật đã giảm 13%. Nền giáo dục hiện tại của Anh không yêu cầu học sinh phải chọn các môn học sáng tạo nghệ thuật là điều kiện bắt buộc. Nếu thành công, kết quả của nghiên cứu trên có thể sẽ trở thành tiền đề để đưa nghệ thuật trở thành một phần bắt buộc trong hệ thống giáo dục Anh. Hồi đầu tháng Ba, hơn 100 nhân vật hàng đầu trong giới nghệ thuật Anh, bao gồm cả nhạc trưởng nổi tiếng Simon Rattle và giám đốc sắp tới của bảo tàng Tate Maria Balshaw – đã cùng ký tên trong một bức thư gửi Thủ tướng Anh Theresa May, trong đó kêu gọi Chính phủ lưu ý đến tình trạng đang tụt dốc của giáo dục nghệ thuật trong các trường học tại Anh.
(Theo Artsy)