• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngân sách “khủng” chống Nga, Ngoại trưởng Mỹ không tiêu nổi một đồng

Thế giới 05/03/2018 14:58

(Tổ Quốc) - Báo Mỹ tiết lộ, Bộ Ngoại giao Mỹ không thể quyết định làm gì với khoản ngân sách hàng trăm triệu USD dành cho việc đối phó với Nga.

Tờ New York Times đưa tin, kể từ cuối năm 2016 đến nay, Bộ Ngoại giao (BNG)  Mỹ vẫn chưa tiêu một đồng nào trong khoản tiền 120 triệu USD mà cơ quan này được giao cho nhiệm vụ ngăn chặn sự can thiệp của Nga vào các cuộc bầu cử và nỗ lực phá hoại nền dân chủ nước Mỹ.

Không tiếc tiền nhưng Mỹ vẫn “thụ động” trong ngăn chặn Nga?

Kết quả là, không một người nào trong số 23 nhà phân tích thuộc Trung tâm phối hợp toàn cầu của BNG Mỹ được giao nhiệm vụ đối phó với chiến dịch làm sai lệch thông tin của Moscow - có thể nói tiếng Nga. Ngoài ra, Trung tâm này cũng chưa thuê được các chuyên gia máy tính có đủ khả năng theo dõi các hacker đến từ châu Âu.

New York Times nhận định, sự trì hoãn trên cho thấy những phản ứng thụ động của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc chống lại can thiệp từ phía Nga. Nó cũng chứng tỏ sự thiếu tự tin của Ngoại trưởng Rex Tillerson trước các nhiệm vụ và chi tiêu ngân sách của BNG Mỹ.  

Chính ông Tillerson từng tỏ ra nghi ngờ về khả năng nước Mỹ có thể làm bất kỳ điều gì trước những đe dọa đến từ Nga.

“Nếu dự định của họ là can thiệp, họ sẽ tìm được mọi cách để làm điều đó,” ông Tillerson nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Hai với Fox News. “Và chúng ta có thể làm những gì mà chúng ta có thể, nhưng một khi họ [người Nga] đã quyết định, rất khó để đón đầu”.

Giới chuyên gia chỉ ra, vai trò của Trung tâm phối hợp toàn cầu (GEC) là đánh giá những hoạt động của Nga, sau đó đưa ra các giải pháp để đối phó, như thiết lập một mạng lưới chống tuyên truyền ở quy mô toàn cầu… Mỹ đã chi hàng tỷ USD cho các vũ khí bí mật trực tuyến, nhưng dường như chúng đều trở nên vô dụng trước những hoạt động của Nga trên Facebook, Twitter…

Theo Richard Stengel, một quan chức về ngoại giao dưới thời Tổng thống Obama từng giám sát hoạt động của GEC, các chiến dịch làm rõ vai trò của các “xưởng” tạo tin tức giả của Nga hoặc đội lính đánh thuê của Nga tại Ukraine và Syria – có thể đem lại ảnh hưởng to lớn.

Vào cuối thời kỳ Obama, Quốc hội Mỹ đã yêu cầu Lầu Năm góc cung cấp 60 triệu USD cho BNG Mỹ để điều phối những nỗ lực liên ngành, nhằm đối phó với các chiến dịch tuyên truyền của Nga và Trung Quốc.

Ngoại trưởng Tillerson đã mất 7 tháng để suy nghĩ xem sẽ tiêu số tiền trên như thế nào. New York Times tiết lộ, ngày 18/9 năm ngoái khi chỉ còn vài ngày nữa là năm tài khóa kết thúc, BNG Mỹ rốt cuộc đã gửi đơn yêu cầu Bộ Quốc phòng (BQP) Mỹ gửi tiền; tuy nhiên, các quan chức Lầu Năm góc lại quyết định ông Tillerson và đồng nghiệp đã mất cơ hội sở hữu khoản tiền này.

Với 60 triệu USD khác dành cho năm tài khóa tiếp theo, hai Bộ đã tranh cãi trong suốt 5 tháng sau đó về việc BNG có thể nhận được bao nhiêu tiền. Cho đến tận hôm 26/2 vừa rồi, BNG Mỹ mới ra thông báo rằng, Lầu Năm góc đã đồng ý chuyển khoản 40 triệu USD – chỉ bằng 1/3 của tổng số 120 triệu USD mà ông Tillerson có thể sở hữu.

Tuy nhiên, hôm 28/2, Mark E. Mitchell, một quan chức cấp cao của BQP Mỹ cho biết, sẽ còn rất nhiều thủ tục cần thực hiện trước khi số tiền 40 triệu USD đến tay BNG. “Chúng ta còn một quãng đường dài phải đi,” ông Mitchell nói.

 Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tỏ ra không tin tưởng vào khả năng Mỹ có thể "đón đầu" các hành động của Nga (ảnh: NYT).

Ngoại trưởng Mỹ chỉ tập trung “tinh giảm” Bộ Ngoại giao?

Trong khi chờ đợi Lầu Năm góc, GEC – hiện đang có khoảng 60 nhân viên, bao gồm 23 nhà phân tích làm việc theo hợp đồng, sẽ tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ ban đầu: đối phó với các tay súng  và chính sách cực đoan của chủ nghĩa Hồi giáo.

Hầu hết các nhà lãnh đạo GEC đều được giao nhiệm vụ theo chế độ tạm thời. Còn các nhà phân tích tại đây chia thành năm nhóm, làm việc theo bốn ngôn ngữ: Arab, Urdu, Pháp và Somali. Trong một cuộc phỏng vấn, những người này cho biết họ đã đạt được một số thắng lợi đáng chú ý, như “giải mã” đoạn video chứng tỏ IS đã phá hủy nhà thờ Al Nuri tại Mosul, Iraq, và một bức tranh hoạt hình bằng tiếng Pháp miêu tả cuộc sống đau khổ của một tay súng IS…

Tuy nhiên, những thành tích đó chỉ là một phần nhỏ trong những gì mà Quốc hội Mỹ mong đợi. Một báo cáo nội bộ năm 2015 cho thấy, hoạt động của IS trên mạng xã hội quy mô hơn rất nhiều so với Mỹ. Tháng 5/2017, Quốc hội Mỹ đã tăng thêm 19 triệu USD – nhiều hơn gấp đôi khoản ngân sách 14 triệu USD hiện tại của trung tâm này. Tuy nhiên, theo ông Goldstein, cho đến ngày 1/1/2018, Bộ Ngoại giao Mỹ mới chỉ tiêu vỏn vẹn 3,6 triệu USD trong khoản tiền trên.

James K. Glassman, một quan chức ngoại giao dưới thời Tổng thống G.W.Bush nhận định, ngân sách không chắc chắn và sự lãnh đạo tạm thời của GEC phản ánh sự thiếu quan tâm của chính phủ Mỹ trong việc đối phó với cả chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và tuyên truyền từ Nga.

“Họ có phương tiện để hoạt động trung tâm,” ông Glassman nói. “Cái họ thiếu là một ngài Bộ trưởng hoặc một vị Tổng thống muốn làm điều này”.

New York Times chỉ ra, dường như nhiệt tình của Ngoại trưởng Tillerson đều dành vào việc “tinh giảm” BNG Mỹ - khiến một phần lớn ngân sách không được sử dụng đến và hàng trăm quyết định quan trọng không được đưa ra.

Theo một thống kê của Văn phòng Quản lý và Ngân sách, năm 2017, BNG nước này chỉ tiêu hết 79% số tiền Quốc hội Mỹ chỉ định  cho các hoạt động đối ngoại – mức thấp nhất trong 15 năm trở lại đây. Còn một nhà ngoại giao cấp cao hiện không còn làm việc tiết lộ, do việc tuyển dụng và thăng chức bị tạm dừng khiến ngân sách không được sử dụng hết, cũng như ông Tillerson từ chối đưa ra các chỉ đạo chi tiêu, vào cuối năm ngoái, số lượng các yêu cầu chính thức chờ Ngoại trưởng Mỹ quyết định, hiện bị dồn ứ, đã lên tới 1.400 văn bản.

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ