• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngành công nghiệp vũ khí của Hàn Quốc vươn ra toàn cầu

Thế giới 21/02/2024 15:15

(Tổ Quốc) - Đầu tiên là sự lan tỏa của K-pop, sau đó là K-drama nổi tiếng toàn cầu và giờ đây, theo Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, đã đến lúc thúc đẩy một thương hiệu K khác cho Hàn Quốc trong kỷ nguyên mới, cụ thể ngành công nghiệp vũ khí.

Mục tiêu phát triển K-defense

"Tôi ủng hộ những thách thức mới trong K-Defense," Tổng thống Yoon viết trong sổ khách trong chuyến thăm tháng 12 tới văn phòng của Hanwha Aerospace, một trong những công ty nổi bật trong ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển của Hàn Quốc.

Ngành công nghiệp vũ khí của Hàn Quốc vươn ra toàn cầu - Ảnh 1.

Nhà sản xuất vũ khí lớn nhất Hàn Quốc Hanwha Aerospace, trưng bày các mô hình xe quân sự tại gian hàng của Triển lãm Quốc phòng và Hàng không Vũ trụ Quốc tế Seoul 2023 ở Seongnam, Hàn Quốc, vào ngày 16/10/2023. Ảnh: Reuters

Khu công nghiệp sáng bóng bên ngoài thủ đô Seoul là Thung lũng Pangyo Techno và cũng là nơi đặt trụ sở của những gã khổng lồ công nghệ Naver và Kakao, được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Hàn Quốc.

"Một số người thường có ý kiến tiêu cực về ngành công nghiệp quốc phòng. Trên thực tế, ngành công nghiệp quốc phòng là một ngành chia sẻ các giá trị của chúng ta trong hệ thống an ninh toàn cầu đồng thời đảm bảo an toàn cho các đồng minh của chúng ta và những người tôn trọng trật tự quốc tế", Tổng thống Yoon nhấn mạnh khi nhắc đến kế hoạch K-Defense.

Ngày nay, hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi chất bán dẫn, ô tô và các nhóm nhạc nổi tiếng. Nhưng trong những năm gần đây, các công ty quốc phòng của nước này, vốn đã được mài giũa kỹ năng trong 7 thập kỷ qua, đã nâng cao vị thế toàn cầu bằng việc ký kết các thỏa thuận mang tính bước ngoặt.

Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên, Seoul có lẽ đang tìm được chỗ đứng để lấp đầy tình trạng thiếu vũ khí toàn cầu, trong đó là tham vọng thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí của Hàn Quốc (K-defense).

Tại một sự kiện của tập đoàn Hanwha ở Hàn Quốc, Tổng thống Yoon cho biết ngành công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ có thể đóng góp cho cả an ninh quốc gia và nền kinh tế của Hàn Quốc thông qua tạo việc làm. Sự hiện diện của Tổng thống Yoon tại sự kiện này - một phiên họp hoạch định chiến lược xuất khẩu quốc phòng với sự tham dự của các quan chức chính phủ, quân đội và khu vực tư nhân - đã chứng tỏ tầm quan trọng ngày càng tăng của K-Defense cũng như sự liên kết chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp trong việc đưa các sản phẩm của ngành này ra nước ngoài.

Vốn là cường quốc về công nghệ như chip và pin, Hàn Quốc hiện là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 9 thế giới, với khối lượng xuất khẩu tăng 74% trong 5 năm từ 2018 đến 2022. Năm 2022, Tổng thống Yoon đã tuyên bố Hàn Quốc đã đặt mục tiêu chiếm lĩnh vị trí thứ tư thế giới vào năm 2027.

Những ảnh hưởng địa chính trị

Ở trong nước, ngành công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc bắt nguồn từ giải pháp đề phòng Triều Tiên được trang bị vũ khí hạng nặng. Dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong Un, Triều Tiên còn thử nghiệm các loại vũ khí hiện đại mới và tinh vi hơn bao giờ hết. Năm ngoái Triều Tiên đã đưa vệ tinh trinh sát đầu tiên vào quỹ đạo. Triều Tiên hồi tháng 1/2024 tuyên bố cũng đã phóng thử thành công một tên lửa tầm trung nhiên liệu rắn mới có đầu đạn siêu thanh và thử nghiệm hệ thống máy bay không người lái dưới nước có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Xuất phát một phần từ những căng thẳng leo thang ở bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc đã phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất vũ khí khổng lồ, ngày càng tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở nước ngoài và tạo dựng danh tiếng về khả năng đáp ứng các đơn đặt hàng một cách nhanh chóng.

Thêm vào đó, khi leo thang căng thẳng ở Ukraine, các công ty Hàn Quốc đã nhận thấy các đơn đặt hàng tăng lên để thay thế hàng tồn kho được vận chuyển đến Kiev.

"Các công ty Hàn Quốc đã tạo ra một thị trường ngách nơi họ cung cấp những nguyên liệu không nhất thiết phải có công nghệ cao cấp nhất nhưng với mức giá phải chăng hơn. Hàn Quốc có cơ sở hạ tầng công nghiệp, nhờ đó có thể nhanh chóng cung cấp vũ khí cho các quốc gia cần. Vì vậy, việc mua vũ khí từ Hàn Quốc là một chính sách tốt xét từ góc độ giá trị đồng tiền", Euan Graham, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, nói với Nikkei Asia nói.

Mới đây, công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng Hàn Quốc Korea Aerospace Industries đã ký một thỏa thuận trị giá hơn 1 tỷ USD để cung cấp máy bay trực thăng tấn công cho quân đội Hàn Quốc. Công ty cũng đang nỗ lực bắt đầu sản xuất máy bay chiến đấu KF-21 trong năm nay, như một phần của dự án phát triển 10 năm trị giá khoảng 178 triệu USD.

Hay LIG Nex1, một công ty quốc phòng lớn khác sẽ xuất khẩu tên lửa đất đối không tầm trung (M-SAM II) sang Ả Rập Saudi như một phần của thỏa thuận trị giá 3,2 tỷ USD được công bố hồi đầu tháng này. LIG Nex1 gần đây đã công bố thỏa thuận với Hyundai Rotem, một công ty nội địa khác, để chia sẻ dữ liệu hướng tới mục tiêu giành được nhiều hợp đồng hơn ở Trung Đông.

Những công ty này hợp tác chặt chẽ với chính phủ, trong đó Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thường công bố chi tiết các giao dịch ở nước ngoài./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ