(Tổ Quốc) - Theo hãng CNN, các nhà máy của Mỹ đang hoạt động rầm rộ và tích cực tuyển dụng người lao động với tốc độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.
Báo cáo việc làm trong tháng 9 vào ngày 7/10 cho biết các nhà sản xuất Mỹ đã tuyển dụng thêm 22.000 công nhân trong tháng 9, nâng tổng số lên 500.000 việc làm ở lĩnh vực sản xuất trong suốt 12 tháng qua.
Mỹ hiện sở hữu lực lượng lao động lớn với khoảng 13 triệu công nhân đang làm việc ở các nhà máy kể từ cuộc Đại suy thoái kinh tế xảy ra cách đây hơn chục năm. Từ tháng 4/2022, tỷ lệ việc làm trong lĩnh vực sản xuất ở Mỹ đã tăng 4% hàng năm, tốc độ tăng trưởng bền vững nhanh nhất kể từ năm 1984.
Các nhà tuyển dụng nói rằng họ vẫn đang cố gắng tìm kiếm thêm lao động ở lĩnh vực này. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, lĩnh vực sản xuất có khoảng 800.000 vị trí việc làm vào năm ngoái và việc tuyển dụng vẫn tiếp tục. Sau khi chuỗi cung ứng toàn cầu gặp nhiều biến động trong thời gian qua, nhiều công ty Mỹ phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài đã chuyển trọng tâm sang ưu tiên thị trường gần nhà.
"Chúng ta phải mất nhiều tháng nữa để đáp ứng nhu cầu lao động lớn trong lĩnh vực sản xuất. Và nhiều chủ nhà máy thậm chí đã sẵn sàng chi mạnh để có thể vận hành nhanh hơn", ông Hayden Jennison, Giám đốc sản xuất của tập đoàn Jennison Corporation ở Carnegie, bang Pennsylvania cho biết.
Ông Jennison cũng nói rằng có đủ nhu cầu về hàng hóa cho nhân viên làm việc thêm ở nhà máy. Tuy nhiên, ngay cả khi ông trả từ 20 đến 30 USD/ giờ thì vẫn không thể tìm được số lượng công nhân mà ông cần.
"Việc tuyển dụng công nhân ở các nhà máy đang trở thành vấn đề nan giải kể từ năm 2020. Rất khó để tìm những ứng viên có kinh nghiệm và chuyên môn giỏi", ông nói.
Tình trạng khan hiếm công nhân diễn ra trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giữ mức thấp nhất trong 50 năm qua.
"Chúng tôi phải cạnh tranh quyết liệt để tìm kiếm tài năng. Chúng tôi đang tìm cách thu hút lao động từ những nơi xa xôi đến làm việc", Michael Winn, Giám đốc điều hành Công ty sản xuất thiết bị thủy lực Columbus Hydraulics, cho biết.
"Chưa từng xảy ra"
Ngay cả khi lo ngại về một cuộc suy thoái đang gia tăng hiện nay, các chuyên gia trong ngành cũng chưa từng nghĩ rằng nhu cầu việc làm ở nhà máy lại bùng nổ mạnh như vậy.
"Tôi cho rằng chúng ta giống như đang trong ở một thế giới mới chưa được khám phá. Cho dù nhu cầu tuyển dụng lên tới 100 vị trí việc làm trong lĩnh vực sản xuất nhưng hiện chỉ tìm được 60 người. Sẽ mất khá nhiều thời gian để lấp đầy khoảng trống đó", ông Jay Timmons, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia Mỹ (NAM) cho biết.
Ông Timmons cũng nói thêm rằng mức lương chi trả trong lĩnh vực này đã tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái và khả năng sẽ tiếp tục tăng khi các nhà sản xuất đang mong muốn tìm kiếm lao động có tay nghề cao. Các chuyên gia nhận định một trong những vấn đề lớn nhất mà các nhà sản xuất đang gặp phải trong quá trình thu hút lao động là nhận thức về bản chất công việc.
"Chúng ta chỉ nhìn thấy những hình ảnh về hoạt động sản xuất và cho rằng nó sẽ tồi tàn hoặc cũ kỹ. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của chúng ta ngày nay đã là công nghệ cao", Eric Esoda, Giám đốc điều hành của một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ tư vấn và đào tạo cho các nhà sản xuất quy mô vừa và nhỏ ở Đông Bắc Pennsylvania cho biết.
Theo NAM, các nhà tuyển dụng trong ngành sản xuất hiện đang phải tìm kiếm sự trợ giúp từ nguồn nhân lực là nữ giới. Thông thường, công việc sản xuất tại các nhà máy từ trước tới nay chủ yếu là dành cho nam giới, chỉ 30% là nữ giới làm việc theo giờ ở nhà máy. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ giới làm công việc này đã tăng 27% cách đây hai năm. Viện sản xuất Mỹ, một chi nhanh phát triển giáo dục và nhân lực của NAM đã đa dạng hóa các chương trình nhằm tăng cường lao động nữ trong các nhà máy và đặt mục tiêu lên tới 35% vào năm 2030.
Ngày nay, chỉ khoảng 10% việc làm trong các ngành kinh tế tư nhân rơi vào lĩnh vực sản xuất so với khoảng 40% vào thời điểm kết thúc Chiến tranh thế giới II. Bộ Lao động Mỹ cũng thông báo mức lương trung bình hàng tuần chi trả cho vị trí việc làm trong lĩnh vực sản xuất là 1.250 USD (trung bình hàng năm là 65.000 USD).
Nhiều nhà sản xuất ở Mỹ đang sẵn sàng chi trả tiền hỗ trợ di dời chỗ ở và những khoản hỗ trợ khác cho người lao động có chuyên môn và kinh nghiệm như thợ hàn, kỹ sư và nhân viên lập trình máy móc sản xuất để có thể thu hút họ về làm việc. Ở bối cảnh hiện tại, đây cũng là một ngành chủ lực của nền kinh tế./.