• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngập lụt nghiêm trọng tại Sydney là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về khí hậu

Thế giới 06/07/2022 16:15

(Tổ Quốc) - Nhiều khu vực tại Sydney, thành phố lớn nhất của Australia đã chìm trong ngập lụt trong 4 trận lũ lớn kể từ tháng 3 năm ngoái.

Nhiều người dân địa phương đang đặt ra câu hỏi họ sẽ phải nỗ lực ra sao để xây dựng lại thành phố và chống chọi với tình hình lũ lụt như vậy trong tương lai.

Các nhà chức trách bang New South Wales đã ban hành cảnh báo lũ lụt mới đối với khu vực phía bắc Sydney và cảnh báo rằng những con sông dâng cao và mưa lớn vẫn gây nguy hiểm cho nhiều nơi của thành phố, dù lượng mưa đã giảm bớt.

Thủ hiến Dominic Perrottet của bang New South Wales phát biểu: "Đợt thiên tai này chưa kết thúc". Ông Dominic Perrottet cũng cho biết chính quyền và cộng đồng dân cư ở đây cần phải thích ứng với tình trạng lũ lụt lớn – hiện tượng đang dần trở nên phổ biến trên toàn bang đông dân nhất của Australia.

"Hãy xem những điều chúng ta đang thấy trên khắp Sydney. Chắc chắn những sự kiện này sẽ còn trở nên phổ biến hơn", ông Perrottet cho biết hôm thứ Hai.

Kể từ khi lũ lụt diễn ra vào cuối tuần qua, các lực lượng khẩn cấp đã ban hành hơn 100 lệnh sơ tán. Tổng cộng 85.000 người đã được thông báo phải rời khỏi nhà ngay lập tức hoặc cần sẵn sàng rời đi để không bị mắc kẹt do nước lũ dâng cao.

Các nhà lãnh đạo cảnh tỉnh về biến đổi khí hậu

Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã đến thăm khu vực bị ảnh hưởng hôm thứ Tư, hứa hẹn sẽ tìm kiếm "các giải pháp lâu dài" sau nhiều thảm họa lũ lụt trên khắp bờ biển phía đông nước này trong 18 tháng qua.

Ngập lụt nghiêm trọng tại Sydney là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về khí hậu - Ảnh 1.

Sydney liên tục diễn ra ngập lụt nghiêm trọng trong thời gian qua. Ảnh: AFP.

Ông Anthony Albanese cũng cho biết trận lũ lụt lớn thứ tư trên khắp Sydney lần này, diễn ra sau nhiều trận cháy rừng tại cùng khu vực vào mùa hè năm 2019-2020, là bằng chứng cho thấy sự cần thiết phải hành động vì khí hậu.

"Điều chúng ta đang thấy là Australia luôn là nạn nhân của lũ lụt, cháy rừng. Và chúng ta cũng biết rằng các bằng chứng khoa học đã cho thấy nếu chúng ta tiếp tục không hành động về biến đổi khí hậu trên toàn cầu, thì… các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ thường xuyên hơn và dữ dội hơn", ông Albanese phát biểu hôm thứ Tư.

Hai hình thái thời tiết La Nina đã gây mưa lớn, cao hơn hẳn mức trung bình trên khắp bờ biển phía đông của Australia vào năm 2021 và năm nay. Hiện tượng La Nina lần thứ hai đã được công bố vào tháng trước, nhưng Cục Khí tượng nước này dự báo rằng mùa đông Sydney năm nay ẩm ướt hơn bình thường và có thể khiến hiện tượng La Nina sẽ còn tiếp tục xuất hiện một lần nữa trong năm nay.

Riêng trong đêm hôm trước, đã có 21 cuộc giải cứu các nạn nhân khỏi lũ lụt trên khắp New South Wales và trong ngày 6/7, hơn 1.000 nhân viên lực lượng khẩn cấp đã có mặt tại hiện trường.

Chính phủ liên bang đã ban bố tình trạng thiên tai tại 23 khu vực bị ngập lụt của bang và thông qua các khoản chi trả cứu trợ cho những người gặp khó khăn.

Vị trí địa lý và dân cư Sydney

Phần lớn mưa tại Sydney chảy vào hệ thống sông ngòi địa phương và hệ thống này đang có nguy cơ quá tải khi chính quyền không có động thái nào để mở rộng hệ thống này. Hãng tin AP cho rằng, các lợi ích về mặt kinh tế đã ngăn cản phần lớn các động thái giảm thiểu lũ lụt tại đây.

Hiện tại, mưa rơi xuống khu vực rộng 22.000 km2 ở rìa phía tây của Sydney và khu vực ngoại ô của thành phố này đang đổ vào hệ thống Hawkesbury-Nepean – nơi đang là tâm chấn của một số trận lũ lụt tồi tệ nhất.

Jamie Pittock, giáo sư môi trường và xã hội của Đại học Quốc gia Australia, cho biết hệ thống sông này đang phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt ở mức cao nhất vì dòng chảy ra biển của hệ thống sông này bị co hẹp lại bởi nhiều hẻm núi lớn. Điều này khiến nước thoát ra biển rất chậm và khi xảy ra mưa lũ với lưu lượng cao, nước chảy tràn trở lại các khu dân cư và gây ngập lụt rất nhanh.

Thung lũng Hawkesbury-Nepean hiện là nơi sinh sống của 134.000 người và số dân này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 khi dân số Sydney và giá bất động sản tăng lên, ông nói.

Ông Pittock nói: "Lợi nhuận kinh tế tiềm năng từ phát triển bất động sản là động lực chính dẫn đến việc thiếu các hành động hiệu quả để giảm thiểu rủi ro lũ lụt".

Chính quyền bang đang muốn tăng độ cao của bức tường đập Warragamba, hồ chứa chính của Sydney, để giảm lũ lụt trong khu vực thung lũng. Tuy nhiên, một số người cho rằng động thái này sẽ chỉ kiểm soát được một nửa lượng nước lũ và sẽ không ngăn được lũ lụt lớn do các con sông khác trong khu vực gây ra, Dale Dominey-Howes, giáo sư khoa học về nguy cơ và rủi ro thiên tai của Đại học Sydney cho biết.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ