• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghiên cứu: Nhiệt độ đại dương nóng nhất trong thập kỷ qua đe dọa tẩy trắng rạn san hô lớn nhất thế giới

Thế giới 09/08/2024 13:55

(Tổ Quốc) - Theo các nhà nghiên cứu, nhiệt độ đại dương ở rạn san hô Great Barrier đã đạt mức cao nhất trong 400 năm qua và cảnh báo rạn san hô này có thể sẽ không tồn tại được nếu tình trạng nóng lên toàn cầu không ứng phó kịp thời.

Theo hãng AP, từ năm 2016 đến năm 2024, rạn san hô Great Barrier, hệ sinh thái rạn san hô lớn nhất thế giới và là một trong những hệ sinh thái đa dạng sinh học nhất, đã xảy ra hiện tượng san hô bị tẩy trắng hàng loạt.

Nghiên cứu: Nhiệt độ đại dương nóng nhất trong thập kỷ qua đe dọa tẩy trắng rạn san hô lớn nhất thế giới - Ảnh 1.

Rạn san hô Moore thuộc vùng biển Gunggandji ngoài khơi bờ biển Queensland ở miền đông Úc vào ngày 13/11/022. (Ảnh AP/Sam McNeil)

Hiện tượng này xảy ra khi nhiệt độ cực cao làm cạn kiệt chất dinh dưỡng và màu sắc của san hô, đôi khi chết. San hô không thể tồn tại nếu không có sự hỗ trợ của tảo cung cấp chất dinh dưỡng cho san hô.

Thường được ví là "cấu trúc sống lớn nhất thế giới", rạn san hô Great Barrier trải dài 2.300km là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật tuyệt đẹp, bao gồm hơn 600 loại san hô và 1.625 loài cá. Tuy nhiên, các đợt tẩy trắng quy mô lớn lặp đi lặp lại đã đe dọa hệ sinh thái mong manh của rạn san hô.

Là một trong những hệ thống san hô lớn nhất và đa dạng nhất trên hành tinh, Great Barrier thu hút hàng triệu du khách và nhà nghiên cứu ghé thăm mỗi năm.

Theo Cơ quan Công viên Biển Rạn san hô Great Barrier, đầu năm nay, các cuộc khảo sát được thực hiện tại hơn 300 rạn san hô trong hệ thống ngoài khơi bờ biển đông bắc của Úc đã phát hiện ra hiện tượng tẩy trắng ở các vùng nước nông trải dài 2/3 rạn san hô.

Trong một bài báo được công bố hôm 7/8 trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu từ Đại học Melbourne và các trường đại học khác ở Australia đã đưa ra so sánh nhiệt độ đại dương gần đây với nhiệt độ trong quá khứ bằng cách sử dụng các mẫu san hô nghiên cứu từ năm 1618 đến năm 1995.

Các nhà nghiên cứu cho biết nhiệt độ đại dương khá ổn định trước năm 1900 và ấm lên đều đặn từ tháng 1 đến tháng 3 trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến năm 2024.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra hiện tượng san hô bị tẩy trắng 5 đợt trong thập kỷ qua, cụ thể là vào các năm 2016, 2017, 2020, 2022 và 2024, nhiệt độ vào tháng 1 và tháng 3 cao hơn đáng kể so với mức nhiệt độ vào năm 1618.

Các nhà nghiên cứu cũng đã sử dụng mô hình khí hậu để xác định tốc độ ấm lên sau năm 1900 do biến đổi khí hậu. Năm duy nhất khác gần ấm như những năm san hô bị tẩy trắng hàng loạt trong thập kỷ qua là năm 2004.

"Rạn san hô đang gặp nguy hiểm và nếu chúng ta không tiếp cận giải pháp hiệu quả vào thời điểm hiện tại thì thế hệ chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự diệt vong của một trong những kỳ quan thiên nhiên vĩ đại. Nếu bạn tập hợp tất cả các bằng chứng lại với nhau thì nhiệt độ khắc nghiệt sẽ khiến những rạn san hô đó không thể thích nghi và tiến hóa một cách hiệu quả", Benjamin Henley, tác giả chính của nghiên cứu và là giảng viên về quản lý đô thị bền vững tại Đại học Melbourne cho biết.

Trên khắp thế giới, các rạn san hô đóng vai trò quan trọng đối với quá trình sản xuất hải sản và du lịch.

"Mất mát cực độ"

Các nhà khoa học từ lâu đã nói rằng tình trạng mất thêm san hô có thể là nạn nhân của sự nóng lên trong tương lai khi thế giới sắp tiến gần đến ngưỡng 1,5 độ C (2,7 độ F).

Theo các tác giả của nghiên cứu, ngay cả khi sự nóng lên toàn cầu được giữ trong mục tiêu của Thỏa thuận Paris, mà các nhà khoa học cho rằng Trái đất gần như chắc chắn sẽ vượt qua, thì 70% đến 90% san hô trên toàn cầu vẫn có thể bị đe dọa.

Do đó, trong tương lai các rạn san hô có thể sẽ ít đa dạng hơn về loại. Điều này đã xảy ra khi các đại dương trở nên nóng hơn.

Ông Michael McPhaden, nhà khoa học khí hậu cấp cao tại Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia, người không tham gia vào nghiên cứu này, cho biết dù chúng ta đã có một số giải pháp ứng phó hiện tượng tẩy trắng với những rạn san hô trong suốt 1/4 thế kỷ qua như một số tác giả của nghiên cứu đã nêu bật nhưng những rạn san hô khỏe mạnh nhất cũng khó có khả năng chịu được nhiệt độ cao trong điều kiện khí hậu ấm lên khi nồng độ hiệu ứng khí nhà kính trong khí quyển tăng không ngừng", ông Michael McPhaden cho biết.

Rạn san hô Great Barrier đóng vai trò là nguồn tài nguyên kinh tế cho khu vực và bảo vệ chống lại các cơn bão nhiệt đới nghiêm trọng.

Khi nhiều loài san hô chịu nhiệt hơn thay thế các loài ít chịu nhiệt hơn trong "khu rừng cầu vồng" dưới nước đầy màu sắc thì "sự mất mát cực độ" về số lượng loài và sự suy giảm diện tích mà rạn san hô lớn nhất thế giới bao phủ sẽ xảy ra.


Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ