• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngoại giao trực tuyến Mỹ tỏ ý tập trung vào sức mạnh Trung Quốc

Thế giới 12/05/2020 19:44

(Tổ Quốc) - Theo tờ Hindustan Times, cách Trung Quốc xử lí đại dịch virus corona đã cho thấy sự cấp bách cần có một cái nhìn cứng rắn về sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Trong cuộc điện đàm qua video dài 75 phút do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chủ trì, ngoại trưởng của 7 quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Israel và Hàn Quốc vào thứ Hai đã thảo luận về đại dịch virus corona, sự suy sụp trong kinh tế toàn cầu và con đường phát triển phía trước.

Thúc đẩy ngoại giao trực tuyến thực nghiệm?

Hội nghị qua video này, được khắc họa là "ngoại giao trực tuyến thực nghiệm", cũng thảo luận về khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng, cách vận dụng ngoại giao trước sự phụ thuộc vào nguồn cung từ một quốc gia, trong trường hợp này là Trung Quốc.

Ngoại giao trực tuyến Mỹ tỏ ý tập trung vào sức mạnh Trung Quốc - Ảnh 1.

Ngoại trưởng 7 nước xúc tiến hợp tác đối phó với dịch bệnh và con đường phục hồi kinh tế phía trước. Ảnh: Hindustan Times/ Twitter.

Chính quyền Trump đã nói về kế hoạch di chuyển chuỗi cung ứng công nghiệp ra khỏi Trung Quốc trong một khoảng thời gian.

Theo tờ Hindustan Times, cách Bắc Kinh giải quyết vụ dịch Covid-19 và các phản ứng sau đó dường như đã khuếch đại sự cấp bách này. Như một quan chức Mỹ gần đây đã mô tả về điều đó, đại dịch đã trở thành "cơn bão hoàn hảo" kết tinh những lo lắng từ các nước phải phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trong cuộc họp video hôm thứ Hai, ông Pompeo cũng nhắc tới việc chính phủ Mỹ đang hợp tác với nhiều nước như Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu đi về phía trước và tìm cách tái cấu trúc "chuỗi cung ứng để ngăn chặn một điều gì đó tương tự như thế này xảy ra một lần nữa".

Hội nghị video hôm thứ Hai được coi là bước tiến lớn đầu tiên, có sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S Jaishankar, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne, Bộ trưởng Ngoại giao Israel Yisrael Katz, người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono, người đồng cấp Brazil Ernesto Araújo và Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha. Theo Hindustan Times, hội nghị video này không phải là một sáng kiến nghị sự đơn lẻ.

Jaishankar đã tweet rằng cuộc trò chuyện của họ là về phản ứng với đại dịch, quản lý y tế toàn cầu, hợp tác y tế, phục hồi kinh tế và các chỉ tiêu du lịch. "Hi vọng tiếp tục có chương trình đối thoại hợp tác như vậy", ông nói.

Những nguồn thạo tin về vấn đề này nói với Hindustan Times rằng các quốc gia thân thiện hơn dự kiến sẽ tham gia các chương trình kết nối tương tự trong tương lai.

Tại hội nghị hôm thứ Hai, họ cho biết mỗi quốc gia đã chia sẻ kinh nghiệm xử lý ổ dịch và cách họ có thể hỗ trợ giải quyết vấn đề này. Chẳng hạn, Israel đã nói về loại vắc xin mà họ tin là nằm trong tầm tay của mình, còn ông Pompeo nói về sự phục hồi kinh tế.

Xu hướng thảo luận là việc phục hồi sau đại dịch này - không giống như các đợt bùng phát virus trước đây chỉ giới hạn ở một số nơi trên thế giới - sẽ cần một thời gian dài. Các quốc gia nên chuẩn bị cho các giải pháp lâu dài và sự hợp tác giữa các quốc gia thân thiện sẽ là nền tảng của bất kỳ kế hoạch phục hồi nào.

Trung Quốc là chủ đề định kỳ?

Nhưng tờ Hindustan Times cũng thông tin rằng Trung Quốc và phản ứng của họ đối với đại dịch lần này có thể là một chủ đề định kỳ trong các cuộc đối thoại như vậy.

Một bản ghi cuộc hội thoại video này của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết các bộ trưởng ngoại giao đã thảo luận về tầm quan trọng của sự hợp tác quốc tế, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quá trình đấu tranh với đại dịch Covid-19 và giải quyết các vấn đề gốc rễ của nó".

Hoa Kỳ đã cáo buộc Bắc Kinh giấu đi một số thông tin ban đầu về sự bùng phát của virus corona, lần đầu tiên được phát hiện tại thành phố Vũ Hán và hạ thấp rủi ro của nó. Tháng trước, Tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố rằng Washington sẽ giữ lại khoản tài trợ trị giá 400 triệu USD cho Tổ chức Y tế Thế giới với cáo buộc cơ quan này hỗ trợ cho các lập trường chống dịch của Bắc Kinh.

Quyết định của Hoa Kỳ về việc giữ lại tiền - bên đã tài trợ 15% cho ngân sách của WHO - đã thu hút sự chú ý vào vai trò của người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus và dấy lên nhiều lời kêu gọi từ các quốc gia khác về sự minh bạch và chịu trách nhiệm trong đại dịch lần này.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết bảy nhà lãnh đạo cũng thảo luận về việc hợp tác nhằm ngăn chặn các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu trong tương lai và tái khẳng định tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

"Quy tắc của pháp luật, tính minh bạch và trách nhiệm sẽ là chìa khóa cho thành công chung của chúng tôi", ông Pompeo cho biết trong một tweet sau đó. Văn phòng Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne cũng đưa ra quan điểm tương tự về tính minh bạch, nhấn mạnh rằng "việc học được các bài học về đại dịch này là rất quan trọng để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu trong tương lai.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ