(Tổ Quốc) - Moscow chờ đợi những tín hiệu tích cực trong quan hệ Nga-Mỹ từ bài phát biểu của Tổng thống Mỹ tại Liên hợp quốc.
Trong một bài phỏng vấn với hãng tin AP, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, ông đã nhận thấy những tín hiệu tích cực từ bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Liên hợp quốc, theo đó, nước Mỹ sẽ không áp đặt cách nghĩ của mình lên người khác.
“Tôi nghĩ đó là một bài phát biểu rất đáng được chờ đón mà chúng ta đã không còn nghe được từ một nhà lãnh đạo Mỹ trong một thời gian rất dài,” ông Lavrov nói với phóng viên AP và hãng thông tấn Nga TASS ngay sau cuộc gặp gỡ với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.
Ngoại trưởng Nga Lavrov đổ lỗi cho chính quyền Obama đã tạo ra những đổ vỡ trong quan hệ giữa Moscow và Washington. Mỹ đã khởi động một loạt các động thái có xu hướng đối chọi lại với Nga và giới ngoại giao nước này hồi tháng Mười hai năm ngoái. Trong đó, đáng chú ý nhất là các lệnh trừng phạt mới dành cho Nga và việc trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga nhằm trừng phạt quốc gia châu Âu vì đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ - điều mà Nga kiên quyết phủ nhận. Moscow cũng đáp trả bằng cách giới hạn số nhân viên ngoại giao Mỹ tại Nga.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc mới đây, Tổng thống Donald Trump nói: “Chúng tôi không tìm kiếm việc áp dụng cách sống của mình lên bất kỳ ai, mà chọn để nó tự tỏa sáng như một ví dụ để mọi người có thể quan sát.” Ông cũng tuyên bố: “Các nước có chủ quyền lớn mạnh giúp các quốc gia với những khác biệt về giá trị, văn hóa - không chỉ cùng tồn tại, mà còn hợp tác với nhau dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau.”
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ám chỉ tình trạng giằng co của giới ngoại giao hai nước đã kết thúc (ảnh: CNBC) |
Ông Lavrov, một mặt đề cập đến những tuyên bố trên, mặt khác thừa nhận mối quan hệ Nga và Mỹ đang ở trong một thời điểm rất căng thẳng. Tuy nhiên, theo ông, những gì ông Trump đã nói trong chiến dịch bầu cử và những gì ông tiếp tục theo đuổi, chính là muốn có một mối quan hệ tốt với Moscow.
“Những gì tôi cảm thấy, sau khi nói chuyện với Ngoại trưởng Rex Tillerson, đó là đây là lập trường của chính quyền Mỹ rằng, họ không hài lòng với tình trạng quan hệ hiện tại của hai quốc gia, và chúng tôi đều không hài lòng chút nào cả.”
Ngoại trưởng Nga nhận định, việc Tổng thống Trump và người đồng cấp nước Nga, Vladimir Putin có thể tái ngộ vào tháng Mười một này bên lề Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng (Việt Nam) – là một ý tưởng tốt, góp phần giúp các nhà lãnh đạo xem xét lại những tiến triển trong mối quan hệ hai bên. Ông tiết lộ, các cuộc đàm phán vẫn đang được tiến hành ở mức độ các quan chức cấp thấp, bao gồm cả các cơ quan quân sự và an ninh. “Đối thoại vẫn tiếp diễn, nhưng không hề dễ dàng,” ông Lavrov nói.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra tại Hamburg (Đức) hồi tháng Bảy, ông Putin và ông Trump đã có những cuộc gặp gỡ đầu tiên.
Kênh CNBC nhận xét, dường như ông Lavrov ám chỉ, tình trạng giằng co của giới ngoại giao hai nước đã kết thúc. “Chúng tôi đã đợi rất lâu với đòn trả miếng, đáp lại [chính quyền] Obama,” Ngoại trưởng Nga nói. “Là những người nghiêm túc và có trách nhiệm, và tôi cảm thấy ông Rex Tillerson là một trong những người như vậy, tôi hy vọng chúng tôi có thể có được kết luận được chúng tôi đang ở vị trí, và hiểu được chúng tôi muốn đi đến đâu.”
Ông Lavrov khẳng định, cả Nga và Mỹ phải cân nhắc tình hình theo đúng những gì đang xảy ra, đồng thời, cư xử như “những người có trách nhiệm” để giải quyết vấn đề quan hệ song phương cũng như các vấn đề quan trọng khác của quốc tế.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga không phê phán lời đe dọa của ông Trump là sẽ “phá hủy hoàn toàn” Triều Tiên nếu Mỹ buộc phải tự bảo vệ mình trước Bình Nhưỡng. Ông cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ nói như vậy. “Chúng tôi không nghi ngờ rằng nước Mỹ có khả năng làm những điều rất kinh khủng,” ông Lavrov nói.
Tổng thống Trump cùng những nỗ lực để hàn gắn quan hệ Nga và Mỹ, đã luôn phải đối mặt với khó khăn, ngay từ những ngày đầu ông chính thức nhậm chức. Các nhà điều tra Liên bang và Quốc hội Mỹ không ngừng tiến hành tìm kiếm các bằng chứng về việc chiến dịch tranh cử của ông Trump và phía Nga. Moscow cũng bị cáo buộc là đã tiến hành tấn công mạng vào hệ thống email của Đảng Dân chủ và sử dụng tin tức giả trên mạng xã hội để tuyên truyền hướng tới cử tri Mỹ.
Ủy ban tình báo Thượng viện là một trong nhiều cơ quan Quốc hội Mỹ tiến hành điều tra về sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ. Hiện tại, công tố viên đặc biệt Robert Mueller và nhóm của mình vẫn đang thực hiện một loạt các hoạt động điều tra liên quan đến vấn đề này.
(Theo CNBC)