• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngoại trưởng Mỹ “cảnh cáo” Trung Quốc ngay thềm Đại hội Đảng

Thế giới 19/10/2017 11:04

(Tổ Quốc) - Những phát biểu của ông Rex Tillerson trong một thời điểm được cho là khá nhạy cảm, chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh không hài lòng.  

Trước thềm chuyến công du đến Ấn Độ vào tuần tới, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, Washington muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác với Ấn Độ và coi đó là một đối tác chủ chốt nhằm đối phó lại những ảnh hưởng tiêu cực của Trung Quốc tại châu Á. Ông Tillerson cũng tuyên bố, Mỹ đã bắt đầu thảo luận biện pháp thay thế trước việc Trung Quốc cung cấp tài chính cho công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng tại châu Á. Đồng thời, Washington cũng đang xem xét khả năng mời các nước khác, bao gồm cả Australia, tham gia hợp tác an ninh Mỹ - Ấn Độ - Nhật Bản – một viễn cảnh vẫn luôn bị Trung Quốc phản đối.

Mỹ đẩy mạnh quan hệ với Ấn Độ, chỉ trích Trung Quốc

Hãng tin Reuters nhận định, những phát biểu trên của Ngoại trưởng Mỹ, đặc biệt là vào thời điểm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vừa khai mạc hôm quá (18/10), gần như chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh không hài lòng.

“Nước Mỹ tìm kiếm mối quan hệ tích cực với Trung Quốc, nhưng chúng tôi sẽ không chùn bước trước những thách thức đến từ Trung Quốc đối với trật tự thế giới dựa trên nguyên tắc...”, ông Tillerson khẳng định trong một bài phát biểu hôm thứ Tư (18/10) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Theo ngài Ngoại trưởng, Ấn Độ và Mỹ nên cùng hỗ trợ các quốc gia khác bảo vệ chủ quyền của mình, thiết lập được các mối quan hệ rộng lớn hơn, và có tiếng nói có trọng lượng hơn trong khu vực, nhằm giúp họ đạt được lợi ích và phát triển nền kinh tế.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định, những phát biểu của ông Tillerson nhằm vạch ra một chiến lược cho quan hệ Mỹ - Ấn Độ cho thế kỷ tới, trong đó, các quốc gia lớn trong khu vực, bao gồm cả Nhật Bản và Australia sẽ cùng “chung tay” hạn chế sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng và những thách thức đến từ Trung Quốc đối với trật tự thế giới dựa trên nguyên tắc.

Theo hãng tin AP, ông Tillerson còn nhắc đến kế hoạch trợ giúp Ấn Độ tăng cường năng lực quân đội của Mỹ. Mỹ đã đề nghị bán cho quốc gia châu Á các máy bay quan sát không người lái không vũ trang,  công nghệ máy bay vận chuyển và các phi cơ chiến đấu F-18 và F-16…

Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích Trung Quốc trong một thời điểm nhạy cảm

Quan hệ Mỹ - Ấn khiến Pakistan không hài lòng?

Cũng theo quan chức giấu tên trên, quyết định mở rộng quan hệ với Ấn Độ của Mỹ sẽ khiến Pakistan - đối thủ truyền thống của Ấn Độ, phải “nhăn mặt”. Pakistan cũng là một điểm dừng chân trong chuyến công du tới châu Á của ông Tillerson trong tuần tới.

Pakistan là một đồng minh lâu năm của Mỹ tại Nam Á trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Mỹ cáo buộc Pakistan không chịu cắt đứt việc hỗ trợ cho sự trỗi dậy của lực lượng Taliban tại Afghanistan, nơi chính quyền địa phương mong muốn Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn trong công cuộc tái thiết và phát triển nền kinh tế của mình. Trong khi đó, Pakistan kiên quyết phủ nhận mối quan hệ của mình với Taliban.

Nằm trong chiến thuật Nam Á từng được ông Trump hé lộ hồi tháng Tám, ông Tillerson được kỳ vọng sẽ gây áp lực để Islamabad có những hành động mạnh mẽ hơn trước lực lượng cực đoan và các nhóm liên quan. Mỹ cũng mong muốn có thể thuyết phục Pakistan đồng ý ngồi vào bàn thương lượng với Afghanistan.

“Chúng tôi hy vọng Pakistan sẽ có hành động quyết định chống lại các nhóm khủng bố tại đây, hiện đang đe dọa chính người dân của họ và cả một khu vực rộng lớn hơn,” ông Tillerson cho biết.

Phản ứng của Trung Quốc

Trước những e ngại rằng thời điểm ngài Ngoại trưởng đưa ra những chỉ trích đối với Trung Quốc có phần nhạy cảm, một quan chức cấp cao khác của Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích, ông Tillerson cũng nhắc đến mong muốn xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Trung Quốc và Mỹ.

“Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã hỗ trợ cho sự vươn lên của Trung Quốc”, quan chức trên nói. “Chúng tôi cũng giúp đỡ sự phát triển của Ấn Độ, Nhưng hai quốc gia này đã trỗi dậy một cách rất khác biệt.”

Trong một thông cáo phát đi từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh “đóng góp và bảo vệ trật tự thế giới dựa trên nguyên tắc” và luôn nỗ lực để mở rộng hợp tác quốc tế.

“Chúng tôi không bao giờ tìm kiếm sự bá quyền hoặc mở rộng [ảnh hưởng], không bao giờ theo đuổi sự phát triển trả giá bằng lợi ích của người khác,” thông cáo khẳng định.

Ngoại trưởng Tillerson không nói cụ thể mình có ý gì khi nhắc tới mong muốn thiết lập một biện pháp nhằm đối phó với việc Trung Quốc không ngừng “đổ tiền” xây dựng cơ sở hạ tầng tại châu Á. Tuy nhiên, ông tiết lộ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu “một cuộc đối thoại lặng lẽ” với một vài quốc gia đang trỗi dậy ở Đông Á hồi tháng Tám. Ông cũng cảnh báo, các nguồn tài chính khổng lồ của Trung Quốc khiến các nước châu Á phải gánh lấy các khoản nợ “khổng lồ” và không thể tạo ra việc làm cho người dân.

“Chúng tôi nghĩ rằng, việc quan trọng là chúng tôi cần bắt đầu phát triển một số cách đối phó nhằm đem lại các biện pháp tài chính thay thế,” ông Tillerson nói. “Chúng tôi sẽ không thể cạnh tranh được với những điều kiện mà Trung Quốc đưa ra, nhưng các nước cần phải quyết định rằng, họ sẵn lòng trả giá nào để bảo vệ chủ quyền cũng như quyền kiểm soát tương lai đối với nền kinh tế của mình, và chúng tôi cũng đã bắt đầu thảo luận với họ về vấn đề này.”

(Theo Tillerson)

 

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ