(Tổ Quốc) - Mua sắm và tham quan mệt mỏi, du khách có thể đến trung tâm Seoul để tìm thấy sự nghỉ ngơi và tĩnh lặng tại một ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng ở quận Jongno-gu phía Bắc của sông Hàn.
Theo trang SCMP, là biểu tượng Phật giáo ở Hàn Quốc, ngôi chùa Jogyesa nằm giữa các cung điện từ thời Joseon, vương quốc cuối cùng của Hàn Quốc và là ngôi nhà hanhok truyền thống.
Ra đời vào năm 1920, Jogyesa là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên được xây dựng trong các bức tường thành của Seoul - một cột mốc quan trọng đối với Phật giáo. Ngôi chùa có nhiều tên: từng được gọi là Kakhwangsa trong 28 năm đầu tiên, và sau đó là Taegosa cho đến năm 1954.
Chính điện (daeungjeon) là một công trình kiến trúc bằng gỗ đầy màu sắc được xây dựng vào những năm 1920 theo nguyên tắc kiến trúc thời Joseon, chẳng hạn như gongpo trang trí lộng lẫy, các giá đỡ nhiều lớp phức tạp giữa tường và mái. Một cây khổng lồ với khoảng 500 năm tuổi đứng bên ngoài hội trường và được trang trí bằng đèn lồng trong các lễ hội lớn, chẳng hạn như Lễ Phật Đản. Ngôi chùa cổ được làm bằng gỗ. Đặc biệt, mọi chi tiết trong chùa Jogyesa Hàn Quốc đều rất tinh tế. Chùa Jogyesa được thiết kế với lối kiến trúc mang đậm nét đặc trưng của Phật giáo. Từ cách thiết kế tổng thể cho tới việc chạm trổ các đường nét đều vô cùng tinh tế.
Theo Joseon Bulgyo Tongsa, cuốn sách viết trong thế kỷ 19 đã ghi lại lịch sử Phật giáo ở Hàn Quốc có một món quà của một Phật tử Sri Lanka đến thăm vào năm 1913. Ngôi chùa thờ một sari (xá lợi) của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni do nhà sư người Sri Lanka mang đến chùa Jogyesa vào năm 1913.
Jogyesa là một trong những ngôi chùa quan trọng nhất của đất nước và đóng vai trò là trụ sở của dòng Phật giáo lớn nhất ở Hàn Quốc. Thường mở cửa cho du khách 24 giờ một ngày, ngôi chùa được xem là công trình kiến trúc hoàng gia mang tính biểu tượng nhất của triều đại Joseo. Nơi đây được nhiều người dân Hàn Quốc lui tới, là chốn cầu bình an và may mắn. Đặc biệt, đến dịp tết, người dân Hàn Quốc thường ghé thăm để tĩnh tâm và xin lễ cho gia đình, cho nên khoảng thời gian này tại chùa Jogyesa khá đông đúc, hương khói nghi ngút khắp khuôn viên chùa.
Theo bài báo, các phật tử thường có mặt tại đây để cầu nguyện, thành tâm nhất là lạy 108 lần trước bức tượng Phật lớn. Xung quanh ngôi chùa là các tòa nhà văn phòng, ngôi chùa tổ chức các buổi thiền định trong giờ trưa, phổ biến với người lao động làm văn phòng. Dân công sở thường đi dạo ở khuôn viên chùa và mang theo những ly cà phê chiêm nghiệm ở không gian yên bình và tĩnh lặng.
Và bên kia đường là Trung tâm thông tin Templestay giúp du khách có thể lấy thông tin và đặt chỗ ở tại chùa. Trải nghiệm tại ngôi chùa giúp du khách có cơ hội tham quan theo hướng dẫn viên và nghỉ lại một đêm tại chùa để du khách nghỉ ngơi trên tấm nệm dày trên sàn nhà. Lựa chọn du lịch hòa mình vào cuộc sống, tham gia trải nghiệm lối sống bình yên – bao gồm thiền định và ăn uống chánh niệm sẽ mất phí khoảng 47USD/ đêm ở đây.
Điểm đến khám phá nhiều hoạt động
Ở trung tâm thông tin, du khách sẽ đăng ký để có cơ hội trò chuyện tại chùa, thường theo nhóm 4 người hoặc ít hơn cùng với một nhà sư và thưởng trà. Trí tuệ trong đạo Phật là một khái niệm phổ biến ở Hàn Quốc, ví như liều thuốc giải độc cho những tai ương hiện đại, và nhiều nhà sư đã trở thành tác giả viết sách dựa theo những lời khuyên bắt nguồn từ triết lý Phật giáo.
Cuốn sách "Non possession" (Không sở hữu) đã trở thành cuốn sách thuyết giảng về tầm quan trọng của việc không sở hữu hoặc chạy theo những gì không cần thiết - đã trở thành một tác phẩm kinh điển bán chạy kể từ khi nó được xuất bản vào năm 1976.
Vào thứ Bảy hàng tuần từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa tại Trung tâm ẩm thực chùa Hàn Quốc, một nhà sư sẽ dạy du khách cách chuẩn bị thức ăn trong chùa. Đồ ăn ở chùa Hàn Quốc là món chay và được chế biến từ các nguyên liệu theo mùa. Không sử dụng hương liệu nhân tạo; các thành phần như tảo bẹ, nấm, hạt mè hoang dã và bột đậu nành thô được sử dụng làm hương liệu. Các món ăn được các nhà sư dạy bao gồm súp rong biển hạt tía tô và salad rễ hoa chuông với mầm kalopanax; bánh bao của người chăn cừu với rau diếp biển khô đã tẩm gia vị.
Ngoài ra, các phật tử không chỉ đeo tràng hạt cầu nguyện mà còn đếm hoặc nắm chặt chúng khi họ thiền định hoặc cầu nguyện. Tại trung tâm thông tin, du khách có thể tự làm vòng tay cầu nguyện và thỏa sức sáng tạo với màu sắc tùy thích. Những chiếc đèn lồng có hình hoa sen là một yếu tố quan trọng khác của truyền thống Phật giáo.
Là trụ sở chính của Phật giáo Hàn Quốc, chùa Jogyesa là nơi tổ chức nhiều sự kiện trong suốt cả năm, giúp du khách trong và ngoài nước có cơ hội đến đây tham gia trải nghiệm biểu tượng phật giáo lớn nhất Hàn Quốc./.