• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người cao tuổi làm 2,3 việc một lúc: Xu hướng đang phổ biến tại Hàn Quốc

Thế giới 23/03/2022 16:46

(Tổ Quốc) - Theo số liệu của tổ chức OECD về tỷ lệ việc làm tạm thời cho những người từ 65 tuổi trở lên, 69% người già ở Hàn Quốc đang làm các công việc này.

Ở tuổi 69, bà Kim Jung-mi có ba công việc. Bà dành ba giờ để chở một đứa trẻ hai tuổi về nhà mỗi ngày trong tuần với giá 9 USD/h, sau đó rửa rau tại một cửa hàng bán kim chi. Thỉnh thoảng, bà dắt chó của nhà hàng xóm đi dạo.

Xu hướng làm việc của người cao tuổi

Những công việc nhỏ dành cho người cao tuổi như vậy đã giúp tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc được duy trì ở mức thấp. Tính đến tháng 2 vừa qua, con số này ở mức 2,7% - một tỷ lệ thấp kỷ lục.

Mặc dù xu hướng chuyển sang làm việc bán thời gian và nhận tiền theo từng công việc, thậm chí theo từng giờ, từng buổi làm việc là một hiện tượng toàn cầu, nhưng xu hướng này đang trở nên quá phổ biến tại Hàn Quốc, đặc biệt đối với người già. Trong thang khảo sát của tổ chức OECD về tỷ lệ việc làm tạm thời cho những người từ 65 tuổi trở lên, 69% số người già ở Hàn Quốc đang làm việc, cao hơn nhiều so với 38,1% ở Nhật Bản và tỷ lệ trung bình 13,2% của các nước thuộc tổ chức này.

Người già làm 2,3 việc một lúc: Xu hướng đang phổ biến tại Hàn Quốc - Ảnh 1.

Một người dân đang theo dõi các thông tin tuyển dụng tại Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Các chuyên gia nhận định, việc tập trung nhiều việc làm ở nhóm dân số cao tuổi cho thấy nền kinh tế Hàn Quốc không hề bền vững.

"Tôi biết mình bị trả lương thấp hơn so với một số người trẻ hơn làm cùng công việc này, nhưng tôi sẽ đi đâu khác nếu không nắm lấy cơ hội này?" bà Kim cho biết và thể hiện niềm vui với công việc hiện tại, sau nhiều công việc vất vả khác như dọn dẹp vệ sinh.

Cho đến thời điểm hiện tại, không có công việc nào của bà Kim nhận được bất kỳ hỗ trợ phúc lợi an sinh xã hội nào hoặc có khả năng tăng lương theo thâm niên. Và những công việc như vậy cũng không giúp thúc đẩy tiêu dùng, vì nhiều người trong độ tuổi của bà Kim vẫn đang làm việc để thoát nghèo.

Tình hình này cũng cho thấy một vấn đề đã tồn tại từ lâu trong nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, nơi Liên hợp quốc ước tính rằng tỷ lệ người cao tuổi sẽ đứng đầu thế giới vào năm 2050.

Người cao tuổi Hàn Quốc đối mặt nhiều nguy cơ

Người cao tuổi của Hàn Quốc cũng đang đối mặt với nguy cơ tự tử và tỷ lệ nghèo cao, được cho là mức cao nhất trong OECD. Khoảng 45% người cao tuổi nước này đang sinh hoạt với mức thu nhập chỉ bằng 50% mức thu nhập trung bình.

Tiền lương cũng hầu như không tăng. Dữ liệu thống kê Hàn Quốc cho thấy, tăng trưởng tiền lương cho người làm công ăn lương của Hàn Quốc là 1,7% vào năm ngoái.

Yoon Jee-ho, một nhà kinh tế học tại Seoul, nói rằng tỷ lệ nghèo đói cao cho thấy sự yếu kém trong cơ cấu kinh tế.

Ông Yoon nói: "Những người trên 65 tuổi của Hàn Quốc có xu hướng nghèo cao hơn so với các nền kinh tế lớn khác, một phần do hệ thống lương hưu hiện tại chưa được đầy đủ cũng như họ không có đủ tiền tiết kiệm cá nhân".

Nhân khẩu học cũng không phải là duy nhất đối với các nước giàu có ở châu Á.

Tại Nhật Bản, người cao tuổi ngày càng trở thành một phần quan trọng trong nguồn lao động của nước này, khi khoảng 13% lực lượng lao động là những người từ 65 tuổi trở lên, tăng từ 9% vào năm 2012. Hơn 3/4 những người cao tuổi này làm các công việc bán thời gian, đảm nhận các vai trò như làm người dọn dẹp, tài xế taxi và nhân viên cửa hàng.

James Cho, Giám đốc điều hành của nền tảng điện tử Hàn Quốc "Pleasehelp," ứng dụng kết nối những người tìm việc với những người tìm sự hỗ trợ cho các công việc lặt vặt, cho biết: Nhiều người sắp nghỉ hưu cũng bận rộn như những người ở độ tuổi 20 và 30 về tìm kiếm việc làm.

"Không có ranh giới về tuổi tác. Miễn là người đó có thể sử dụng điện thoại thông minh thì người già cũng có thể kiếm tiền", ông Cho nói và cho biết thêm rằng hiện tại có đủ mọi loại công việc bán thời gian như bắt gián, dàn dựng một cuộc đánh nhau và giao hàng.

Tổng thống Hàn Quốc mới đắc cử của đảng Bảo thủ Yoon Suk-yeol, người đưa ra cam kết tranh cử là sẽ mang lại tăng trưởng việc làm ổn định và đưa khu vực tư nhân lên vị thế dẫn đầu, đang thừa hưởng một nền kinh tế phát triển vào năm 2021 đã đạt tốc độ nhanh nhất trong 11 năm qua, với mức lương tối thiểu cao hơn 42% so với 5 năm trước kia.

Tuy nhiên, tỷ lệ dân số người cao tuổi tăng nhanh cũng gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với tài chính công, vì ngày càng có nhiều người cần phúc lợi xã hội vào thời điểm nguồn thu từ thuế giảm cùng với lực lượng lao động ngày càng thu hẹp.

"Nghỉ hưu? Tôi không chắc liệu mình có thể làm được điều đó hay không; tôi có thể sẽ làm việc lâu nhất có thể", bà Kim nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ