• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người dân Anh hoang mang với kế hoạch nới lỏng sau thời gian dài quen với hạn chế

Thế giới 07/07/2021 15:47

(Tổ Quốc) - Trong tuần này, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên tiếng về kế hoạch nới lỏng hạn chế sau thời gian dài áp dụng.

Theo Thủ tướng Boris Johnson, người dân Anh phải tự ý thức bảo vệ sức khỏe bằng việc đeo khẩu trang hay thực hiện giãn cách thay vì các quy định nghiêm ngặt của Chính phủ trong thời gian tới.

Người dân Anh hoang mang với kế hoạch nới lỏng hạn chế sau thời gian dài - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN

"Dịch bệnh chưa thể kết thúc. Sau ngày 19/7, tôi không muốn mọi người nghĩ rằng dịch bệnh ở Anh đã kết thúc. Chưa, còn rất lâu nữa cuộc chiến chống Covid-19 mới có thể chấm dứt", Thủ tướng Johnson lên tiếng trong bối cảnh các ca mắc Covid vẫn tiếp tục gia tăng ở Anh.

Trong khi nhiều người dân vui mừng về kế hoạch mở cửa sắp tới của Chính phủ Anh thì một số khác lại tỏ ra hoang mang với kế hoạch sắp tới.

"Chúng ta đã quen với các hạn chế trong 18 tháng qua và tuân thủ các biện pháp an toàn trong mùa dịch. Bộ não của chúng tôi đã thích nghi với suy nghĩ đó và ắt hẳn nhiều người sẽ căng thẳng trong môi trường không áp dụng hạn chế", nhà tâm lý học Emma Kavanagh lưu ý.

Nhà tâm lý học Emma Kavanagh đã nghiên cứu về các phản ứng thần kinh của con người trước môi trường khắc nghiệt vào tháng Ba năm ngoái- giai đoạn đầu nước Anh bắt đầu thực hiện phong tỏa. Bản thân bà Emma Kavanagh đã xét nghiệm dương tính với Covid-19 và nhận thấy lo lắng áp lực vì mắc bệnh.

"Tôi đã rất cuồng loạn và nghĩ mình không thể sống sót với căn bệnh khủng khiếp này. Tôi không thể tập trung làm việc và cũng giống như nhiều người khác, tôi đã suy sụp", bà Emma Kavanagh khẳng định.

Dịch bệnh Covid kéo dài đã khiến bà Kavanagh phải dùng mạng xã hội để chia sẻ nghiên cứu của mình về các vấn đề liên quan đến tâm lý người dân trong dịch bệnh như tình trạng kiệt sức, hội chứng sương mù não và các triệu chứng khác. Các chủ đề trên Twitter của bà Kavanagh đã thu hút cộng đồng mạng và là trọng tâm trong cuốn sách mới nhất của Kavanagh: How to be Broken (bằng cách nào để đối mặt với sự tan vỡ).

"Nhiều người dân lo sợ trở lại cuộc sống bình thường mới sau dịch bệnh. Hãy cho họ thêm thời gian. Một số người trải qua chấn thương sẽ không chỉ nhìn thấy cơ thể phục hồi mà còn cảm cảm nhận được sự trưởng thành sau giai đoạn chấn thương", bà Kavanagh nhấn mạnh.

Trong khi đó một số nhà tâm lý học khác lại dự đoán một số người dân phải đối mặt với mức độ lo lắng hay bệnh trầm cảm sẽ gia tăng cho dù các hạn chế được nới lỏng.

"Sự căng thẳng chưa từng trải qua và cô lập do đại dịch có thể châm ngòi cho cuộc suy thoái xã hội bởi những tác động sâu sắc và lâu dài đến sức khỏe, hạnh phúc và năng suất lao động của chúng ta", Tiến sỹ, bác sỹ Vivek Murthy cảnh báo.

Giới nghiên cứu bày tỏ lo ngại các hành vi tâm lý gia tăng sau khi nới lỏng hạn chế, chẳng hạn như thói quen bắt buộc phải giữ vệ sinh, sợ không gian công cộng hoặc liên tục kiểm tra xét nghiệm các triệu chứng Covid, sẽ khiến nhiều người khó có thể hòa nhập xã hội.

Một nghiên cứu gần đây do tổ chức từ thiện Anxiety UK của Anh đã báo cáo tỷ lệ người dân mong muốn trở lại cuộc sống bình thường và những người muốn ở nhà đều đạt tỷ lệ bằng nhau là 36% sau khảo sát.

Tổ chức Sức khỏe Tâm thần đã thực hiện một nghiên cứu trên cả nước về tác động của đại dịch đến sức khỏe tâm thần ở Anh. Các nghiên cứu cho biết ít người cảm thấy lo lắng vào giai đoạn phong tỏa lần thứ ba tại Anh, bắt đầu từ tháng Một năm nay, nhưng hầu hết lại bày tỏ về sự cô đơn và suy sụp.

Catherine Seymour, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Tổ chức Sức khỏe Tâm thần cho biết nhóm đối tượng chịu rủi ro cao là người trẻ tuổi, cá nhân thất nghiệp, bố hoặc mẹ đơn thân và những người có bệnh lý nền liên quan đến sức khỏe tâm thần hoặc người khuyết tật.

"Nếu tâm trạng cảm thấy hỗn loạn thì sẽ rất khó khăn để tái hòa nhập cộng đồng. Các hạn chế hoạt động xã hội trong thời gian phong tỏa như đóng cửa trường học đã khiến nhiều thanh thiếu niên tù túng và khó có thế tái hòa nhập. Họ có thể mất đi phần nào sự tự tin nhất định để bước ra ngoài thế giới", bà Catherine Seymour lưu ý.

Sống chung với dịch bệnh

Tuy nhiên, một số nhà khoa học và tâm lý khác lại cho rằng, khó khăn trên lại là cơ hội để người dân vượt qua, kiên cường hơn.

Người dân Anh hoang mang với kế hoạch nới lỏng hạn chế sau thời gian dài - Ảnh 2.

Ảnh: CNN

"Tôi đang phải đấu tranh tư tưởng để cuộc sống có thể quay trở lại bình thường. Nửa đầu đại dịch tôi cảm thấy hoang mang vì bị gò bó, sau đó là thói quen duy trì chống dịch nhưng hiện tại cảm thấy rằng mình cần phải vượt qua và bắt đầu lại", Amy Clement – một quản lý sân khấu đang sống ở London cho biết.

Vào năm ngoái, cuộc sống tưởng chừng như suôn sẻ với Clement nhưng dịch bệnh bùng phát đã khiến cô phải hủy các kế hoạch công tác ở Anh và Ireland để trở về nhà cùng gia đình.

Khi Chính phủ Anh có kế hoạch nới lỏng, áp dụng lại và sau đó là gia hạn các biện pháp hạn chế trong suốt năm qua thì Clement đã từng công nhận rơi vào trạng thái lo lắng về công việc của cô trong tương lai.

"Đó là nỗi sợ hãi liên tục về thời gian, không thể biết khi nào tôi mới có thể trở lại làm việc. Nó giống như một quả bom hẹn giờ vậy", Clement nói.

Hiện tại, với sự giúp đỡ của người thân và bạn trai, cô đã vượt qua nỗi sợ hãi để hòa nhập xã hội, đặt ra các mục tiêu và kế hoạch trong thời gian tới. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận được sự giúp đỡ may mắn như vậy.

Emma Turner, Phó Giám đốc điều hành thuộc tổ chức từ thiện sức khỏe tâm thần Mind ở Croydon – trụ sở nam London cho biết cô đang kỳ vọng nhu cầu dịch vụ sẽ tăng lên trong thời gian tới khi mọi người trở lại cuộc sống bình thường.

"Chúng ta phải lựa chọn sống chung với bệnh Covid-19 cũng như chúng ta đang sống chung với những căn bệnh khác", Thủ tướng Johnson nhấn mạnh khi nhắc đến kế hoạch gia hạn phong tỏa trước đó.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ