(Tổ Quốc) - Hội nghị Văn hóa toàn quốc là sự kiện lớn đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, trong đó có những người đang làm trong lĩnh vực truyền thông và nghiên cứu khoa học.
- 23.11.2021 Kiều bào Việt Nam gửi gắm nhiều kỳ vọng tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc
- 20.11.2021 Bản tin truyền hình số 204: Hội nghị văn hóa toàn quốc: Văn hóa là hồn cốt dân tộc
- 20.11.2021 Hội nghị văn hóa toàn quốc: Văn hóa là hồn cốt dân tộc
- 18.11.2021 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp tới là một sự kiện mang tính lịch sử”
- 16.11.2021 Khai mạc Triển lãm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc
Sáng nay (24/11), Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Nhiều người dân theo dõi và bày tỏ sự quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị. Ghi nhanh của Báo điện tử Tổ Quốc về nội dung này.
Nhà báo Quách Tiểu Bảo (Biên tập viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam) là một phóng viên và cũng là một người thường xuyên dành sự quan tâm, theo dõi đến lĩnh vực văn hóa, khoa giáo. Cùng với rất nhiều phóng viên, ông Quách Tiểu Bảo cho biết rất vui mừng, phấn khởi trước sự kiện Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, được cử tri và đông đảo dư luận xã hội quan tâm nhằm giải quyết những vấn đề mang hơi thở cuộc sống mà khởi nguồn là từ vấn đề "VĂN HÓA".
Tiếp tục quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa
Ông Quách Tiểu Bảo cho biết, tại hội nghị lần này có ba nội dung mà ông dành sự quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng. Thứ nhất là Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ tiếp tiếp tục dành sự quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực Văn hóa. Mới đây thôi, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi. Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu với thế giới, không gian điện ảnh không dừng ở biên giới địa lý thì việc sửa Luật là cần thiết.
Đây cũng là hành lang pháp lý vững chắc, thay đổi linh hoạt cơ chế kiểm duyệt, giúp nhà sản xuất, phát hành phim… cho đến các thành phần liên quan mạnh dạn có những tác phẩm điện ảnh chất lượng. Có như thế Điện ảnh mới ứng tầm là ngành Công nghiệp không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội mà còn quảng bá văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Thứ hai là về cơ chế đầu tư, ông Quách Tiểu Bảo kỳ vọng Nhà nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo đối với những tác phẩm có chất lượng, thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước và những vấn đề mang hơi thở cuộc sống. Tuy nhiên, sự đầu tư này chỉ nên mang tính chất kích thích, "mồi nhử" để thôi thúc đội ngũ văn nghệ sĩ nâng cao chất lượng sáng tác. Xu thế chung là phải tăng cường xã hội hóa, qua đó giảm bớt gánh nặng ngân sách.
"Trong tình hình mới, theo tôi đội ngũ văn nghệ sĩ, những người làm văn hóa cũng cần nhận thức, xác định lại vai trò, nhiệm vụ của mình để có những đóng góp, cống hiến tương xứng với hình ảnh ngành Văn hóa, đây cũng chính là vấn đề thứ ba mà tôi dành sự quan tâm ở hội nghị lần này", ông Quách Tiểu Bảo chia sẻ.
Phát huy nguồn lực nội sinh văn hoá, con người Việt Nam
Khi được hỏi về Hội nghị Văn hóa toàn quốc đang diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Tuấn (Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế) nhận định, đây là sự kiện lớn, nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Điều đó cho thấy tính thời sự, tầm quan trọng của vấn đề xây dựng văn hóa hiện nay.
Hội nghị diễn ra sẽ góp phần rất quan trọng định hướng cho sự phát triển văn hóa nước nhà trong thời gian tới, thực hiện đúng theo tư tưởng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, theo đúng định hướng nội dung phát triển văn hóa giai đoạn 2021-2030, đó là: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước".
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng mừng về văn hóa. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề tồn tại.
Khẳng định sự đúng đắn của định hướng nội dung phát triển văn hóa, giai đoạn 2021-2030 trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Nguyễn Anh Tuấn đóng góp ý kiến, để xây dựng và phát triển đất nước với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, chúng ta nhất định phải dựa vào, phải phát huy được hết nguồn lực tiềm tàng vốn có - nguồn lực nội sinh văn hoá, con người Việt Nam.
"Trong lịch sử, các tiền nhân đi trước đã đúc kết và có lòng tự hào về văn hóa dân tộc. Đơn cử trong Bình Ngô đại cáo, cụ Nguyễn Trãi có câu: "Như nước Đại Việt ta từ trước/ vốn xưng nền văn hiến đã lâu". Nền văn hóa đó được đúc kết qua nhiều thế hệ dân tộc, trải qua biết bao lần "thanh lọc" để bây giờ còn lưu giữ lại những gì được coi là tinh túy nhất.
Tôi kỳ vọng Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này sẽ một lần nữa xác định và bảo tồn lại những giá trị văn hóa được coi là cô đọng và tinh túy nhất. Qua đó, nhân rộng để tạo thành một nếp sống, cách cư xử chuẩn mực và đúng chuẩn nhất", ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Tại phiên buổi chiều, Hội nghị sẽ bàn bạc về nhiệu nội dung như: Tìm hiểu động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay; Hoàn thiện hệ thống pháp luật Ngành VHTTDL giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Để văn hóa, văn nghệ "soi đường cho quốc dân đi".../.