(Tổ Quốc) - Theo CNN, chính quyền thành phố Seoul ngày 11/8 đã ghi nhận 13 người thiệt mạng trong trận lũ lụt do lượng mưa kỷ lục.
Seoul đã tuyên bố sẽ chuyển một số gia đình nghèo nhất của thành phố ra khỏi những căn hộ tầng hầm và bán hầm sau khi ghi nhận 13 người thiệt mạng trong trận lũ lụt do lượng mưa kỷ lục trong tuần.
Trận lũ lụt lịch sử trong tuần qua khiến thành phố Seoul chìm trong biển nước, đặc biệt những hộ gia đình nghèo sống ở những khu vực thấp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong số những người tử vong, có một gia đình bị đuối nước và mắc kẹt dưới lòng đất. Chính quyền thủ đô Seoul đã cam kết sẽ đưa những người dân sinh sống khu vực thấp như những căn hộ tầng hầm hoặc bán hầm tồi tàn ra khỏi khu vực do ảnh hưởng của lũ lụt.
Từ ngày 8/8, Seoul chứng kiến những trận mưa xối xả lớn nhất trong hơn 100 năm qua, gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều khu vực trũng thấp phía nam sông Hàn, cuốn trôi ô tô và buộc hàng trăm người phải sơ tán. Những gia đình nghèo ở Hàn Quốc thường sống trong banjiha, loại căn hộ bán hầm (nửa tầng ngầm dưới đất) thấp hơn hơn so với mặt đường. Trong thị trường nhà ở nổi tiếng đắt đỏ của Seoul, những căn hộ này là một trong những lựa chọn hợp lý với những người trẻ và người có thu nhập thấp.
Những căn hộ banjiha thường nhỏ, tối, nấm mốc trong mùa hè ẩm ướt và từng nổi tiếng khắp thế giới sau khi Hàn Quốc đoạt giải Oscar 2019 về bộ phim "Parasite" (Ký sinh trùng). Loại căn hộ này thể hiện khoảng cách bất bình đẳng giàu - nghèo ngày càng lớn hơn ở một trong số những thành phố giàu có nhất thế giới.
"Trong tương lai, ở Seoul, các tầng hầm và bán hầm sẽ không được sử dụng cho mục đích ở", chính quyền thành phố Seoul cho biết trong một tuyến bố vào ngày 10/8.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những cam kết của chính phủ đang bỏ qua những vấn đề lớn tồn tại bên ngoài sau những bức tường ở tầng hầm. Chi phí sinh hoạt tăng vọt đã khiến những người dễ bị tổn thương nhất phải tìm nơi trú ẩn trong những ngôi nhà không đạt tiêu chuẩn hiện tại, dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và nắng nóng do ảnh hưởng tồi tệ của biến đổi khí hậu.
Theo CNN, những căn banjiha được xây dựng từ những năm 1970 được xem là tầng hầm chống bom đạn trong thời điểm căng thẳng gia tăng với Triều Tiên. Khi Seoul hiện đại hóa trong thập kỷ tiếp theo, thu hút người nhập cư từ các vùng nông thôn lên thành phố thì diện tích sử dụng đất ở Seoul ngày càng trở nên thu hẹp vì đông dân cư, chính phủ Hàn Quốc đã cho phép người dân sử dụng các tầng hầm để ở mặc dù chúng không được xây dựng cho mục đích này.
Theo văn phòng Thống kê quốc gia, tính đến năm 2020, thành phố Seoul có khoảng 200.000 căn hộ banjiha, ước tính chiếm khoảng 5% trong tổng số các hộ gia đình.
Những người nghèo nhất chịu rủi ro nhiều nhất
Ông Choi Tae-young, người đứng đầu Trung tâm Đối phó Thảm họa và An toàn ở thủ đô Seoul, cho biết một gia đình ở Gwanak đã thiệt mạng do không thể ra khỏi căn hộ do nước tích tụ bên ngoài cửa nhà.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã đến thăm khu vực sinh sống của những người thiệt mạng do lũ lụt vào ngày 9/8. Trong một tuyên bố vào ngày 10/8, chính quyền thành phố Seoul cho biết sẽ loại bỏ dần các căn hộ tầng hầm và bán hầm để người dân không bị ảnh hưởng do lũ lụt. Thị trưởng thành phố Seoul Oh Se-hoon cho biết căn hộ banjihas là kiểu nhà lạc hậu và đe dọa đến cuộc sống của những người dễ bị tổn thương về mọi mặt, bao gồm cả sự an toàn và môi trường dân cư. Chính quyền thành phố cho biết trong một tuyên bố, quá trình loại bỏ những căn hộ này sẽ phải mất từ 10 đến 20 năm.
Mưa hiện đã giảm đi ở Seoul nhưng các chuyên gia cảnh báo kiểu thời tiết cực đoan khó đoán sẽ trở nên thường xuyên và dữ dội hơn do biến đổi khí hậu. Ông Park Jung-min, Phó giám đốc Văn phòng báo chí Cục Khí tượng Hàn Quốc cho biết cuộc khủng hoảng khí hậu đang làm gia tăng nhiệt độ của Trái đất và đại dương, gây ra lũ lụt ngày càng gia tăng. Như thường lệ, những người nghèo nhất sẽ là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu.
"Những người gặp khó khăn trong cuộc sống và ốm yếu cũng dễ bị tổn thương hơn trước thiên tai. Chỉ khi họ an toàn thì Hàn Quốc mới được an toàn", Tổng thống Yoon nhấn mạnh trong chuyến thăm đến khu vực nghèo ở Seoul vào ngày 10/8.
Bên cạnh đó, những vấn đề tương tự đã xảy ra ở các nước khác trong những năm gần đây. Ở nhiều khu vực của Ấn Độ, lũ lụt đã nhiều lần phá hủy các khu ổ chuột. Hay ở Bangladesh, nhiều người đã di cư từ các làng mạc đến các khu vực thành thị để tránh lũ lụt thường xuyên hơn. Ngay cả ở Mỹ, nghiên cứu chỉ ra rằng những gia đình có thu nhập thấp thường sinh sống ở những vùng dễ bị lũ lụt hơn.
Bên cạnh những ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế, mưa lũ dự kiến gia tăng trên khắp châu Á sẽ mang theo những mối nguy hiểm khác về sức khỏe, bao gồm nguy cơ cao về bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết và sốt rét. Đây tiếp tục là cú sốc lớn đối với những hộ gia đình vốn đã nghèo khó và không được chăm sóc y tế chu đáo.
Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc cho biết, lũ lụt và hạn hán cũng sẽ gây ra tình trạng đói nghèo gia tăng ở vùng nông thôn và chi phí lương thực đắt đỏ.
"Người dân ở các căn hộ banjiha của Seoul đang đối mặt với nguy cơ kép là lũ lụt và nắng nóng. Những thay đổi do khủng hoảng khí hậu sẽ gây ra tình trạng thảm khốc, đặc biệt với những người dễ bị tổn thương vì không có điều kiện nhà ở tốt nhất để đối phó với tình trạng này", bà Choi Eun-yeong, nhà nghiên cứu môi trường đô thị nói./.