(Tổ Quốc) - Bất kể ai thay thế bà Liz Truss, Thủ tướng tiếp theo của Anh sẽ phải đối mặt với một nền kinh tế bị tổn hại trước mắt bởi lãi suất vay tăng, hóa đơn năng lượng tăng cao, thuế cao và chưa có chiến lược nào về cách phục hồi tăng trưởng.
Cuộc đua vào vị trí này đang được tiến hành để tìm người thay thế bà Truss, người rời khỏi Phố Downing sau khi những nỗ lực của bà nhằm phục hồi tăng trưởng thông qua việc cắt giảm thuế đã không mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, cũng giống như bà Truss, thủ tướng sắp tới của nước Anh cũng sẽ phải vật lộn để đưa ra một kế hoạch giải cứu đất nước khỏi nguy cơ suy thoái.
Lạm phát đang ở mức hai con số lần đầu tiên sau bốn thập kỷ và có thể tiếp tục tăng cao vào mùa đông năm nay. Nguy cơ này sẽ buộc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) phải tiếp tục đẩy cao lãi suất. Trong bối cảnh hiện tại, Bộ Tài chính Anh đang phải vật lộn với thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng trong khi các nhà đầu tư đang ủng hộ việc kiềm chế tình hình hiện tại.
Ông Jonathan Portes, giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học King's College London, cho biết: "Rất khó để Đảng Bảo thủ hiện tại có khả năng đưa ra bất cứ thay đổi chính sách gì quan trọng. Về thuế và chi tiêu, tất cả những gì họ có thể làm là tránh khiến uy tín của chính phủ sụt giảm một lần nữa. Họ sẽ phải đưa ra các chiến lược an toàn".
Kinh tế hỗn loạn
Bà Truss nhậm chức cách đây hơn một tháng, hứa hẹn sẽ vực dậy nền kinh tế bằng các đợt cắt giảm thuế sâu và dường như bỏ qua tình trạng lạm phát. Kế hoạch kinh tế do chính phủ của bà đưa ra sau đó đã khiến thị trường hoảng loạn và buộc bà phải hủy bỏ kế hoạch cũ. Hiện gánh nặng thuế với người dân Anh đã trở lại mức cao nhất kể từ Thế chiến thứ hai.
Hầu hết các nhà dự báo đều dự đoán một cuộc suy thoái kéo dài và sẽ trở nên trầm trọng hơn khi Bộ Tài chính thay đổi chiến lược từ tập trung vào tăng trưởng sang tập trung lấp khoảng trống 25 tỷ bảng Anh lỗ trong tài chính công. Các hộ gia đình cũng đang phải vật lộn với tình trạng thắt chặt chi phí sinh hoạt khi chi phí hàng hóa và dịch vụ đang tăng nhanh hơn so với tiền lương. Và như vậy, kinh tế Anh sẽ không có sự tăng trưởng đáng kể nào cho đến nửa cuối năm 2023, thời điểm chỉ còn 1 năm nữa là tới cuộc tổng tuyển cử tiếp theo.
Bà Shevaun Haviland, Tổng giám đốc Phòng Thương mại Anh, cho biết: "Những thách thức đang đặt ra trước mắt chúng tôi đang ngày một tăng lên. Hai phần ba doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng giá hàng hóa của họ và lạm phát là mối quan tâm hàng đầu. Lãi suất dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa vào tháng 11 và các hóa đơn năng lượng sẽ tăng vọt đối với nhiều người vào tháng 4 năm tới. Tình hình hiện tại không hề ổn định".
Không có lối thoát dễ dàng
Ngay cả trong triển vọng ngắn hạn, một thực tế đau lòng là các yếu tố thúc đẩy nước Anh trong ba thập kỷ qua - hàng hóa rẻ, lao động, nguồn vốn và năng lượng dồi dào - đều đang diễn biến ngược lại.
Nền kinh tế của Anh phát triển mạnh trong suốt những năm 1990 và đầu những năm 2000, cùng với sự gia tăng thương mại với Liên minh châu Âu và châu Á, đã giúp giảm chi phí hàng hóa và dịch vụ. Cùng với giá dầu và khí đốt tự nhiên giảm và dòng lao động tự do từ EU, đã giúp chỉ số lạm phát tại Anh có xu hướng giảm cho đến trước đại dịch và lãi suất tại nước này còn có thể giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Hiện tại, tất cả những diễn biến này đều đảo ngược. Căng thẳng thương mại với EU và Trung Quốc, cùng với sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đã làm tăng giá hàng hóa. Xung đột giữa Nga và Ukraine đã cắt đứt dòng khí đốt tự nhiên càng khiến giá cả tăng vọt.
Trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 48 năm, ít nhất 300.000 công nhân đã bỏ việc kể từ khi đại dịch xảy ra và khiến các công ty tốn kém hơn trong việc thuê nhân lực và mở rộng quy mô. Một triệu việc làm vẫn chưa tìm được người trong khi những người lớn tuổi bỏ lực lượng lao động hàng loạt còn những người trẻ hơn vẫn tiếp tục đi học.
Giá cả hàng hóa và năng lượng tăng lên làm cho chúng ta trở nên khó khăn hơn, Phó Thống đốc BoE Ben Broadbent cho biết trong một bài phát biểu vài giờ trước khi bà Truss từ chức.
Các đòn bẩy để tạo ra một số tăng trưởng - bao gồm gia tăng số lượng nhập cư và quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với châu Âu - đều không phải là các chính sách phù hợp đối với đảng Tory đang bị chia rẽ trong khi họ cũng không thể tổ chức tổng tuyển cử sớm trước thời hạn tháng 1/2025.
Nước Anh cũng đang thiếu những nhân tố thay đổi cuộc chơi đã giúp nước này thoát khỏi những đợt tụt dốc trước đó.
Bà Margaret Thatcher có dầu Biển Bắc để khai thác và bãi bỏ nhiều quy định để giải phóng khu tài chính của Thành phố London. Ông John Major và ông Tony Blair đã thu hút các nhà sản xuất và đầu tư ô tô, bao gồm Nissan Motor và BMW, đồng thời mở rộng cửa cho lao động nước ngoài.
Những thay đổi kiến tạo đó đã giải cứu nước Anh khỏi cú sốc năng lượng những năm 1970 và sự sụp đổ của đồng bảng Anh vào năm 1992. Nhưng giờ đây, thay vì xây dựng các ngành công nghiệp mới, Anh đã cắt đứt quan hệ với đối tác thương mại lớn của mình, cắt giảm liên kết với Trung Quốc và không có khả năng đạt được thỏa thuận thương mại sớm với Mỹ.
Ông Johan Goltermann, nhà kinh tế thị trường cấp cao tại Capital Economics, cho biết: "Triển vọng vẫn còn bấp bênh. Các nhà hoạch định chính sách của Vương quốc Anh phải đối mặt với một loạt khó khăn."