(Tổ Quốc)- Phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc có cơ hội trò chuyện với những nghệ sĩ của dòng nhạc thính phòng vốn rất kén người nghe. Họ vẫn đang đau đáu việc làm thế nào để dòng nhạc hàn lâm ấy đến gần với công chúng hơn, đặc biệt khi có cơ hội thường xuyên diễn ở Nhà hát Lớn.
- 16.08.2016 Nhà hát Lớn Hà Nội rộng cửa đón các đơn vị nghệ thuật: Cú hích cần thiết và đúng thời điểm với nghệ thuật
- 16.08.2016 Khi Nhà hát Lớn rộng cửa đón các đơn vị nghệ thuật: Người dân là đối tượng hưởng lợi nhất
- 18.08.2016 Hòa nhạc Giao hưởng đặc biệt mở đầu chương trình nghệ thuật tại Nhà hát Lớn
- 20.08.2016 Chủ trương của Bộ VHTTDL đã giúp cho nghệ thuật được trình diễn ở nơi xứng tầm
- 20.08.2016 Khi Nhà hát Lớn rộng cửa: Tự tin tăng đầu tư các vở diễn lớn
- 22.08.2016 Nhà hát Lớn: Rộng cửa với các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao
- 23.08.2016 “Nhà hát Lớn rộng cửa: Sự chuyển mình giúp sân khấu trở về thời kỳ “đỉnh cao”
- 23.08.2016 PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái: “Nhà hát Lớn rộng cửa: Chiến lược phát triển sân khấu”
- 24.08.2016 Nhà hát Lớn rộng cửa: Giấc mơ có thật của nghệ sĩ trẻ
- 24.08.2016 Hoà nhạc giao hưởng “đỉnh cao”: Ai cũng có thể nghe, ai cũng có thể hiểu
- 25.08.2016 NSND Trung Kiên: Nhà hát Lớn rộng cửa đã “đánh động vào nền nghệ thuật ngủ im”
Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia- NSƯT Trí Dũng: Sự thay đổi cần có thời gian mới thu được kết quả
NSƯT Trí Dũng: Bộ VHTTDL đưa ra chủ trương không thu phí đơn vị nghệ thuật khi biểu diễn tại đây cũng chính là mục đích đưa các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao vang lên tại Nhà hát Lớn, nơi vốn là di sản quốc gia. |
Với chủ trương mới của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện sẽ có nhiều thay đổi trong hoạt động nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nơi đây, sẽ tổ chức các chương trình âm nhạc, vở diễn có chất lượng cao để gửi đến công chúng, cũng như du khách… Điều đó khiến cho anh em nghệ sĩ rất mừng, vì nơi đây được trở lại đúng là “thánh đường” nghệ thuật.
Chính sách mới sẽ bắt đầu thực hiện 6 tháng cuối năm. Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam vinh dự là đơn vị đầu tiên trong ba đơn vị sẽ biểu diễn tại Nhà hát Lớn. Cụ thể, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ mở màn đầu tiên trong dịp lễ chào mừng Quốc khánh 71 năm nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Tôi nghĩ, Bộ VHTTDL đưa ra chủ trương không thu phí đơn vị nghệ thuật khi biểu diễn tại đây cũng chính là mục đích đưa các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao vang lên tại Nhà hát Lớn, nơi vốn là di sản quốc gia.
Khi được chỉ đạo trực tiếp từ Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Văn phòng Bộ và các ban ngành liên quan triển khai sẽ mở rộng được lượng khán giả. Tôi tin, nghệ thuật hàn lâm sẽ không còn xa lạ đối với công chúng yêu nhạc.
Được diễn mở màn khiến chúng tôi rất hào hứng và đã chọn lọc được chương trình tốt nhất cho đêm diễn. Hy vọng đây chính là chương trình đạt được đúng ý nghĩa chất lượng nghệ thuật đến với người yêu nhạc.
Đây là chương trình chào mừng lễ kỉ niệm, nên ngoài xây dựng những chương trình chuyên môn của Bộ giao cho là dàn dựng và biểu diễn những tác phẩm của các nhà soạn giả nổi tiếng trên thế giới, cũng như Việt Nam, chúng tôi còn biểu diễn những tác phẩm kinh điển mang một tầm lớn, gần gũi với nhạc giao hưởng như bài “Người Hà Nội”, tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Bằng.
Chính sách mới mang lại nhiều thay đổi nhưng để có kết quả tốt sẽ không thể trong một sớm, một chiều. Chúng ta cần thời gian. Ngoài chính sách từ Bộ đưa ra thì chúng ta sẽ phải cùng nhau quảng bá, xây dựng được các tác phẩm chất lượng cao.
Tôi tin, trong tương lai mọi chương trình sẽ đạt được mong muốn của Bộ trưởng cũng những các anh em nghệ sĩ”.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Chúng ta hãy mua vé đừng nên xin vé
Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Đây chính là một chính sách rất kịp thời, có tầm nhìn đúng. |
“Với tư cách là một người làm nghề, tôi cho rằng đây chính là một chính sách rất kịp thời, có tầm nhìn đúng. Các loại hình nghệ thuật không thể biểu diễn tại một chỗ và mỗi một loại hình nghệ thuật sẽ đòi hỏi sân khấu riêng cho mình.
Trong đó, Nhà hát Lớn theo tôi đó là nên diễn ra chương trình long trọng như: Nhà hát Vũ quốc kịch…Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều địa điểm nữa cho giàn nhạc quốc gia.
Đối với cá nhân tôi, đây là một ý tưởng nên chúc mừng. Tuy nhiên, chính sách ra chúng ta phải thực hiện như thế nào để duy trì được dài lâu và có hiệu quả. Nhạc cổ điển muốn xây dựng, muốn làm những đêm diễn phục vụ khán giả nhưng kinh phí có hạn và vẫn phải sử dụng kinh phí của nhà nước.
Trong đêm Hòa nhạc ngày 30/8 tới, tôi không trực tiếp tham gia nhưng được biết đêm diễn sẽ có nghệ sĩ người Nhật, hay nhạc sĩ độc tấu Bùi Công Duy… Đây là một chương trình có tính chất nghệ thuật cao và tôi hy vọng Bộ VHTTDL sẽ tổ chức được nhiều đêm nhạc như vậy.
Gần đây, trong những sự kiện lớn, loại hình nghệ thuật nhạc cổ điển được đưa vào song song cùng với các loại hình nghệ thuật dân tộc khác. Đó là một ý tưởng tốt. Như vậy cũng giúp cho công chúng hiểu thêm âm nhạc cổ điển.
Ở Việt Nam hay có “văn hóa” đi xin vé, cũng có trường hợp muốn đi xem nhưng chưa có điều kiện để mua vé. Nhưng cá nhân tôi và tôi cũng kêu gọi mọi người sẵn sàng mua vé. Đó là sự ủng hộ, động viên cho các bạn đồng nghiệp tôi, ủng hộ cho nghệ thuật.
Đất nước mình đang trong giai đoạn phát triển về kinh tế, chính trị và văn hóa. Nhưng trong văn hoá có âm nhạc cổ điển vẫn chưa có được sự quan tâm từ công chúng và kén người nghe. Do đó, tôi nghĩ chúng ta cần có sự học hỏi, giáo dục tổng thể trong nhân dân thì mọi người mới hiểu được loại hình nghệ thuật này. Bên cạnh đó, cũng mong Bộ VHTDL và Nhà nước quan tâm hơn đến những người làm âm nhạc cổ điển”.
NSƯT Hồng Vy: Cơ hội để âm nhạc hàn lâm đến gần công chúng
NSƯT Hồng Vy: Nếu chính sách này được triển khai tốt thì đây chính là điều làm thay đổi “bộ mặt nghệ thuật”, giúp cho âm nhạc được phát triển một cách chuyên nghiệp. |
“Tôi đã có gần 20 năm trong nghề nên rất hiểu được thực trạng nghệ thuật âm nhạc Việt Nam nói chung và âm nhạc thính phòng tôi đang theo đuổi nói riêng.
Thật ra Nhà nước mình vẫn đầu tư và quan tâm đến các loại hình nghệ thuật âm nhạc, tuy nhiên vẫn chưa hiểu quả. Bởi đó là do một phần ê kíp dàn dựng vẫn chưa biết “chọn mặt gửi vàng”, hay vẫn còn khó khăn từ khâu tổ chức đến nghệ sĩ… Do đó, chủ trương mới của Bộ VHTTDL là điều rất đáng mừng.
Nếu chính sách này được triển khai tốt thì đây chính là điều làm thay đổi “bộ mặt nghệ thuật”, giúp cho âm nhạc được phát triển một cách chuyên nghiệp.
Vốn dĩ nghệ thuật “âm nhạc hàn lâm” đã kén người nghe, và ít người biết đến. Chúng tôi đều là những nghệ sĩ làm việc và cống hiến thầm lặng cho nghệ thuật nên chính sách này chính là điều mà nhiều nghệ sĩ mong muốn.
Tại sao 90 % người dân Việt Nam đều yêu thích dân ca bởi chúng ta ngày từ bé đã được ông bà, cha mẹ hát ru. Lớn lên, lại yêu thích dòng nhạc Pop, Ballad…vì đó là dòng nhạc hợp xu thế, thời đại và lứa tuổi…tất cả đều là do “thói quen” , khi đã nghe thường xuyên chúng ta sẽ ngấm và yêu thích.
Do đó, tôi nghĩ âm nhạc thính phòng đến gần hơn với công chúng thì chúng ta nên bắt đầu bởi sự “định hướng”, giáo dục cho các em nhỏ ngày từ bé. Ngoài ra, những nghệ sĩ hoạt động âm nhạc thính phòng, hay hàn lâm phải xuất hiện nhiều hơn, quảng bá loại hình nghệ thuật này đến gần với công chúng. Khi được làm nghề thường xuyên thì dần dần khán giả sẽ yêu thích.
Nên tôi nghĩ, chính sách mới của Bộ VHTTDL chính là sự cú hích cần thiết ở thời điểm hiện tại. Khi những người làm nghề như chúng tôi có cơ hội được đứng trên sân khấu của Nhà hát Lớn để quảng bá âm nhạc Hàn lâm thì chắc chắn sẽ có sự thu hút của công chúng. Đồng thời, cũng là giúp cho nghệ sĩ có cơ hội được trau dồi để có nhiều tác phẩm hay trên sân khấu gửi đến công chúng. Mong muốn của tôi là được đóng góp tiếng hát cuả mình trong các chương trình nghệ thuật này.
Ngày 30/8, diễn ra đêm nhạc Hòa nhạc giao hưởng đặc biệt 1 – Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, tôi nghĩ đây chính là sự quy tụ được một dàn nhạc có tầm cỡ quốc tế, có những nghệ sĩ giỏi được đào tạo và học bài bản tại nước ngoài. Tôi hy vọng khán giả sẽ đón đợi và đến xem ủng hộ anh chị em nghệ sĩ”.
Ca sĩ Tùng Dương: Hát ở Nhà hát Lớn khó hơn các sân khấu khác
Ca sĩ Tùng Dương: Chúng ta không nên mang nhạc sến, nhạc biểu diễn ở phòng trà... vào diễn ở Nhà hát Lớn một cách dễ dãi, xô bồ. Chúng ta phải giữ được đẳng cấp của Nhà hát Lớn. |
“Tôi ủng hộ chính sách này, cá nhân là một nghệ sĩ tôi luôn mong “thánh đường” Nhà hát Lớn không đóng cửa, tắt đèn.
Chúng ta không nên mang nhạc sến, nhạc biểu diễn ở phòng trà... vào diễn ở Nhà hát Lớn một cách dễ dãi, xô bồ. Chúng ta phải giữ được đẳng cấp của Nhà hát Lớn.
Không mất phí thuê địa điểm là điều rất tốt cho anh em nghệ sĩ, nhưng tôi vẫn nghĩ miễn phí hoàn toàn là không cần thiết. Thay vì đó, chúng ta hãy thu tiền của tư nhân để tu sửa, để Nhà hát Lớn luôn mới mẻ.
Chúng ta tạo điều kiện cho nghệ sĩ thì đó cũng là giúp cho nghệ sĩ có động lực.
Tôi không chỉ là nghệ sĩ biểu diễn mà còn là một khán giả khó tính. Tôi cũng đã tham gia nhiều sự kiện âm nhạc và tôi hiểu không gian Nhà hát Lớn chính là tôn vinh dòng âm nhạc chất lượng, đó cũng chính là điều tôi mong muốn.
Khi biểu diễn ở Nhà hát Lớn sẽ không dễ dàng như hát quán bar, phòng trà…Nhà hát Lớn có không gian khán giả bao bọc xung quanh, trang trọng từ những vật dụng trang trí như trong thánh đường, kích thích người nghệ sĩ rất nhiều để hoàn thành tác phẩm của mình.
Theo tôi, muốn hát hay phải hiểu được nơi mình hát, khán giả ở đó, lần nào diễn ở Nhà hát Lớn thì tôi cũng rất thăng hoa./.
Ngọc Hà Lê (thực hiện)