• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà thơ Trần Lê Khánh: Một tinh thần khác, một tư duy khác

Văn hoá 26/09/2019 11:21

(Tổ Quốc) - Trần Lê Khánh vừa tham gia giao lưu và toạ đàm giới thiệu về tập thơ sắp ra mắt của mình với tên gọi Xứ. Trần Lê Khánh góp một tư duy làm thơ lạ, một tinh thần lạ trong dòng thơ đương đại Việt Nam.

Nhà thơ Trần Lê Khánh sinh năm 1971. Hiện sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trần Lê Khánh vốn chỉ là người yêu văn chương, không tỏ ra có năng khiếu sáng tác. Nhưng kể từ năm 2015 trở đi thì Trần Lê Khánh tập trung vào việc làm thơ và tham gia vào các hoạt động văn chương nghệ thuật.

Trần Lê Khánh chú trọng vào thơ lục bát và thơ ngắn. Tập thơ Lục Bát Múa trọn bộ là 756 cặp thơ lục bát hai câu, mỗi cặp được xem như một bài thơ ngắn và được kết với nhau thành một trường ca. Về thơ ngắn, tới nay, Trần Lê Khánh đã làm hàng trăm bài thơ ngắn khác nhau và đã được chọn lọc để xuất bản.

7

Các nhà thơ: Nguyễn Quang Thiều, Lê Thiếu Nhơn, Nhà phê bình Văn Giá tham gia giao lưu ra mắt tập thơ Xứ của Trần Lê Khánh

Các tập thơ đã xuất bản (NXB Hội Nhà văn Việt Nam) bao gồm Lục bát múa (2016), Dòng sông không vội (2017), Ngày như chiếc lá (2018), Lục bát múa trọn bộ (2018), Giọt nắng tràn ly (2019) và dự kiến sẽ xuất bản trong năm 2020 tập thơ Xứ. Ngoài ra, một tuyển tập thơ với tên gọi là "Sự bắt đầu của nước" đã được dịch sang tiếng Anh và dự định in ấn và xuất bản tại Mỹ trong thời gian sắp tới.

"Thơ của Trần Lê Khánh là kết tinh của tính chính xác ngôn từ, sự độc đáo của hình ảnh, tính đa tầng của cảm xúc, độ sâu thẳm của tinh thần phương đông…. Thơ Trần Lê Khánh là sự hài hòa của sự rung cảm tột đỉnh và của những triết lý sâu sắc. Bởi thế, khi câu thơ cuối cùng của bài thơ vừa kết thúc thì nó mở ra ngay lập tức vô vàn cánh cửa cho người đọc. Mỗi bài thơ của Trần Lê Khánh luôn chứa trong nó một bài thơ khác và cứ thế mở ra và mở ra mãi.

Tôi luôn nghĩ đến những bài thơ của Trần Lê Khánh với vẻ đẹp, sự tĩnh lặng, sự bí ẩn và chiều kích vô tận của những hạt cây. Mỗi bài thơ của Trần Lê Khánh tinh kết tựa một cái hạt cây. Đó là sự chặt chẽ của bố cục, tính chính xác của hình ảnh, phép tối giản của ngôn từ, sự nén chặt của cảm xúc…. Và luôn chứa trong đó một cái phôi mầm triết lý. Trong mỗi ''hạt cây thơ'' ấy là toàn bộ hình ảnh, vẻ đẹp và sự sống của cái cây. Sự gợi mở, sức lan tỏa và sự bùng nổ cảm xúc cùng tính đa tầng triết lý của những bài thơ ấy lại đi theo cách mở cánh của bông hoa mà vẻ đẹp và hương thơm của nó là phi biên giới…"- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét.

5 (1)

Làm thơ với Trần Lê Khánh là hành trình đi tìm cái tôi của mình

Tuy nhiên, làm thơ với Trần Lê Khánh là hành trình đi tìm cái tôi của mình. Xuất phát là chuyên gia tài chính, rẽ sang làm thơ, Trần Lê Khánh chia sẻ: "Tôi chỉ muốn những bài thơ khi tôi viết ra có sự đồng cảm và có những tri kỷ. Qua đó mình có thể tìm thấy những mối giao cảm, tương tác. Mình có những danh xưng, mình có những tên gọi nhưng mà nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Cái lớn nhất là cảm xúc của mình, tâm thức của mình khi mình còn ngồi viết được, còn sáng tác được thì có bao nhiêu cái danh xưng, bao nhiêu cái tên gọi thì cũng không thể nào đánh đổi được. Nó chỉ là cái công cụ giao diện của mình để tương tác với xã hội. Còn thật sự khi mình ngồi xuống thì cái chân tình, cái tâm hồn của mình quan trọng lắm. Và người làm nghệ sĩ đích thực phải gạt qua tất cả những danh xưng đó…Tôi cũng không nghĩ mình là một nhà kinh tế hay một nhà thơ mà tôi không là gì cả. Tôi chỉ đang trên hành trình đi tìm cái tôi của tôi thôi".

8 (1)

Một số tập thơ đã xuất bản của Trần Lê Khánh

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng: "…thi sĩ Trần Lê Khánh có thao tác làm thơ độc đáo. Anh thường tìm cách kéo hai sự vật hoặc hai hiện tượng rất xa lại gần nhau. Cứ thế, lửa đặt cạnh nước, trắng đặt cạnh đen, hiện thực đặt cạnh tưởng tượng, mặt đất đặt cạnh thiên đường… để từng sự tương tác chuyển hóa thành thơ, để từng cơn va đập chuyển hóa thành thơ. Bài thơ "Dè sẻn" vỏn vẹn hai câu, nhưng lại mở ra nhiều suy tư: "Dòng sông chỉ có một thân/ Mang theo chiều muộn bao lần hả anh". Dòng sông trước mắt, còn chiều muộn mơ hồ, vậy mà khi dòng sông sánh đôi chiều muộn lại nảy sinh tâm trạng bâng khuâng tiếc nuối "một thân" xen lẫn ngẩn ngơ hoài niệm "bao lần".

Thi sĩ Trần Lê Khánh không hứng thú với những lời thánh thót hay những câu vang vọng. Thơ anh có xu hướng cô đặc lại, như viên sỏi ném xuống mặt hồ ý thức phẳng lặng những xa vắng trùng khơi. Thơ Trần Lê Khánh thực đấy mà hư đấy, gần gũi đấy mà thăm thẳm đấy. Đọc thơ Trần Lê Khánh, không khó hình dung anh đang ngắm chiếc lá la đà cành thấp với màu xanh của bầu trời cao vọi. Thế nhưng, đọc thơ Trần Lê Khánh phải có sự giải mã để có thể tiếp cận đầy đủ giá trị thẩm mỹ mà anh gửi gắm qua từng dòng lơ lửng. Tất nhiên, Trần Lê Khánh không có mục đích đánh đố độc giả, anh chỉ tìm cách ký thác mới mẻ hơn, quyết liệt hơn những ý niệm của mình về cuộc sống, về ân nghĩa, về thị phi…"- nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhấn mạnh./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ