• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhân lực du lịch và khả năng phục hồi điểm đến: “Thừa thầy, thiếu thợ” trong cán cân lao động

Du lịch 20/05/2022 09:14

(Tổ Quốc) - Vài năm trở lại đây, du lịch là ngành đào tạo mũi nhọn của nhiều trường đại học nhưng thực tế lại cho thấy sinh viên tốt nghiệp cử nhân ra trường ngày càng khó xin việc. Trong khi đó, đội ngũ lao động từ các trường nghề, TCCN & CĐ có cơ hội việc làm cao hơn nhưng lại bị bỏ ngỏ...

Nhân lực du lịch và khả năng phục hồi điểm đến: “Thừa thầy, thiếu thợ” trong cán cân lao động - Ảnh 1.

Theo báo cáo từ công cụ phân tích dữ liệu du lịch Google Destination Insights, khách quốc tế tìm kiếm về du lịch Việt Nam nhiều nhất thế giới. Ảnh: Google Destination Insights

Tuyển sinh chỉ bằng 1/2 trước dịch

Theo quy định tại Thông tư số 26/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, cao đẳng và thực tế tuyển sinh, đào tạo tại các trường, hiện nay có khoảng 35 ngành nghề đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng. Song đến tháng 9/2021, số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại 15 cơ sở Giáo dục nghề nghiệp du lịch cho thấy chỉ tiêu tuyển sinh bị sụt giảm 32%; đến hết năm 2021 chỉ tiêu tuyển sinh 2021 chỉ bằng 50% so với năm 2019. Và con số này sẽ giảm đi rất nhiều trong năm 2022.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội) cũng cho rằng không chỉ khối ngành du lịch, 2021 là năm đầu tiên sau nhiều năm giáo dục nghề nghiệp không hoàn thành được mục tiêu tuyển sinh. Năm 2022, kết quả tuyển sinh các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp không đạt mục tiêu đề ra (chỉ đạt 85% kế hoạch năm 2021). Nhiều lĩnh vực ngành, nghề đào tạo gặp khó trong công tác tuyển sinh, trong đó có du lịch, khách sạn, nhà hàng.

Nhân lực du lịch và khả năng phục hồi điểm đến: “Thừa thầy, thiếu thợ” trong cán cân lao động - Ảnh 2.

Các trường ĐH đào tạo uy tín về du lịch có lượng sinh viên theo học luôn đông đảo, với tỷ lệ chọi hàng năm luôn cao. Ảnh: SV Đại học Văn hóa TPHCM đi thực tế.

Đây được xem là một thách thức do những khó khăn hậu đại dịch và cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học ngày càng dễ dàng. Điều này đã được cảnh báo tại hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh, đào tạo năm 2021 do Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp tổ chức ngày 20/8. Theo Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, giai đoạn 2021-2025, tổng kinh phí đầu tư công trung hạn phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp là 31.420,703 tỷ đồng; và giai đoạn 2021-2025 thì tăng gấp 4 lần so với giai đoạn 2016 - 2020.

Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp nhận định bên cạnh khó khăn do tác động bởi đại dịch Covid-19, công tác tuyển sinh của các trường nghề còn gặp khó khi quy mô tuyển sinh đại học ngày một gia tăng (luôn chiếm khoảng 50% số lượng học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm) với nhiều phương thức tuyển sinh đa dạng, dễ dàng đã thu hút một lượng lớn người học vào học đại học.

Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã nhìn nhận tại hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp năm 2022 do Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp tổ chức, dù có những bước tiến trong thời gian qua nhưng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng hiện nay vị thế của giáo dục nghề nghiệp trong xã hội còn thấp. Mặc dù các chỉ số đo lường có thể tăng nhưng chưa thể đạt được kỳ vọng và nhu cầu của xã hội. Thực tế là phương thức đào tạo chủ yếu đổi mới ở các trường có kỹ năng, các trường chất lượng cao nhưng nhìn chung các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của chúng ta vẫn còn đang lạc hậu.

Cần thay đổi tư duy, nhận thức!

Như đã trình bày, hậu Covid-19, du lịch là lĩnh vực thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động có tay nghề để phục hồi. Tuy nhiên, có một nghịch lý đáng buồn là nhu cầu lớn nhưng các trường đào tạo nghề du lịch, nhà hàng, khách sạn lại gặp khó khi tuyển sinh đầu vào, nhiều trường phải đóng cửa, chuyển đổi. Trong khi đó, các trường đại học đào tạo du lịch như ĐH KHXH&NV – ĐHQG HN, ĐH KHXH&NV – ĐHQG HCM, ĐH Văn hóa TPHCM, ĐH Tài chính – Marketing,... vẫn thu hút lượng lớn thí sinh nộp hồ sơ vào với tỷ lệ chọi cao và rất cao.

Đơn cử như Trường Cao đẳng Bách Việt – với khối ngành thế mạnh du lịch, khách sạn và nhà hàng - phải chịu "khai tử" khỏi hệ thống giáo dục dạy nghề, chấp nhận "nhượng" lại cho NovaGroup với tên gọi mới Trường Cao đẳng Nova (Nova College). Nhiều trường khác như Trung cấp Nguyễn Tất Thành, Trung cấp Đại Việt TPHCM , Trung cấp Việt Á, Trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật & Du lịch Bình Dương,... cũng chung cảnh "chế dở, sống dở" vì khó tuyển sinh, thậm chí không tuyển sinh được.

Nhân lực du lịch và khả năng phục hồi điểm đến: “Thừa thầy, thiếu thợ” trong cán cân lao động - Ảnh 3.

PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân cho rằng, tư duy trọng bằng cấp đại học và phải vào đại học bằng mọi giá đã khiến mô hình giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam không được mặn mà.

Về thực tế này, PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Nguồn nhân lực ASEAN, Trường ĐH KHXH &NV TPHCM cho rằng, không chỉ riêng du lịch mà hầu hết các ngành nghề khác đều chung thực trạng. Tất cả đều xuất phát tư duy trọng bằng cấp "ăn sâu" vào máu thịt của người Việt. Phụ huynh nào cũng muốn bằng mọi giá phải cho con mình đỗ vào trường đại học mà không nhìn nhận thực tế năng lực của con mình cũng như nguyện vọng, ước mơ của con. Chính vì thế mà ngày càng có rất nhiều thế hệ sinh viên thất nghiệp, hoặc làm trái ngành sau khi tốt nghiệp đại học.

"Hiện trong cộng đồng ASEAN, nhiều quốc gia du lịch phát triển như Singapore, Thái Lan, Malaysia,... đã thay đổi nhận thức về tư duy bằng cấp. Công tác định hướng, giáo dục, thậm chí khảo sát năng lực, nguyện vọng đã được định lượng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tùy vào năng lực và khả năng của từng em mà có con đường chọn nghề đúng đắn... Chính vì vậy, những năm qua, lượng sinh viên tốt nghiệp các cơ sở đào tạo nghề tại các nước đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp và xã hội. Du lịch các nước này cũng bắt nhịp và phục hồi nhanh chóng sau đại dịch...", PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân nhận định.

Một góc nhìn khác, NCS – Thạc sĩ Võ Hồng Sơn (Trường ĐH Kinh tế - Tài Chính) chia sẻ, ở các nước phương Tây như Anh Quốc, Hà Lan hay New Zealand,... thì mô hình trường nghề, đào tạo là những cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan trọng.

NCS - Thạc sĩ Võ Hồng Sơn viện dẫn ngay tại Anh Quốc, các cuộc cải cách đã tách rời các trường cao đẳng ra khỏi chính quyền địa phương và "doanh nghiệp hóa" thành các đơn vị được nhà nước tài trợ nhưng độc lập, tự chủ, phi lợi nhuận và có tư cách pháp nhân của một doanh nghiệp.

Tại Hà Lan, tính linh hoạt của việc tổ chức các chương trình đào tạo hiện nay đã được mở rộng bao gồm các mô-đun mà học viên có thể tự quản lý tốc độ học của họ. Một tập hợp các mô-đun đã hoàn thành có thể được đổi lấy bằng tốt nghiệp nghề. Nhiều cơ hội để tham gia/rời khỏi chương trình đào tạo một cách linh hoạt, cũng như để người học có thể liên thông giữa các khóa học văn hóa và học nghề, đã được tạo ra. Điều này làm tăng tính linh hoạt và giúp giảm tỷ lệ bỏ học. Hình thức đào tạo thực hành đã được đưa vào khung chương trình giáo dục nghề nghiệp, theo đó mang đến những cơ chế phối hợp mới giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Nhân lực du lịch và khả năng phục hồi điểm đến: “Thừa thầy, thiếu thợ” trong cán cân lao động - Ảnh 4.

Thí sinh đăng ký xét tuyển đại học 2021 khối ngành du lịch, khách sạn vẫn chiếm tỷ lệ cao. Nguồn: Bộ GD & ĐT

Theo NCS - Thạc sĩ Võ Hồng Sơn, điểm qua hệ thống giáo dục nghề nghiệp từ các nước phát triển cho thấy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chúng ta phải chủ động và sáng tạo hơn nữa để đạt được mục tiêu tuyển sinh và các hoạt động đào tạo, giảng dạy. Ngoài ra, các trường cần đẩy mạnh tuyển sinh đối tượng tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp; tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ cao đẳng với người có bằng tốt nghiệp trung cấp và có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT.

NCS - Thạc sĩ Võ Hồng Sơn nhấn mạnh: "Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội và các kênh thông tin trực tuyến; khai thác triệt để ứng dụng 'Chọn nghề' trên thiết bị di động, trang thông tin tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (có địa chỉ tại http://tuyensinh.gdnn.gov.vn); trên webiste của nhà trường; thực hiện việc xét tuyển và thông báo kết quả trúng tuyển trên các website của trường hoặc thông qua các thiết bị di động. Số hóa tài liệu tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh theo hướng chuyên nghiệp; xây dựng các cẩm nang nghề nghiệp điện tử ở những ngành nghề mà trường đào tạo để phát hành trên các nền tảng số để dễ dàng tiếp cận đến các đối tượng, gây được sự quan tâm, chú ý của học sinh, người dân."

(...còn tiếp)

Hà Kiều

NỔI BẬT TRANG CHỦ