• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhật Bản - Australia nhắm tới an ninh tại thượng đỉnh lớn ở Perth

Thế giới 18/10/2022 16:09

(Tổ Quốc) - Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Australia Anthony Albanese sẽ hướng đến ký một tuyên bố song phương mới về hợp tác an ninh trong cuộc họp ở Perth vào tuần này, theo dự đoán của tờ Nikkei Asia.

Động thái này được cho là sẽ làm mới lại một thỏa thuận 15 năm qua giữa hai bên trong bối cảnh sức ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng.

"Chúng tôi sẽ ngồi đối mặt và thảo luận về các vấn đề song phương cấp bách như an ninh, năng lượng và lương thực", Thủ tướng Kishida cho biết hôm thứ Hai trong cuộc họp với các thành viên hàng đầu của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền Nhật Bản. Ông Kishida nói: "Chúng tôi sẽ hợp tác để thúc đẩy chiến lược an ninh và kinh tế của cả hai".

Tín hiệu mạnh mẽ giữa Nhật và Australia

Chuyến thăm Australia kéo dài hai ngày bắt đầu từ thứ Sáu tuần này (ngày 21/10) của Thủ tướng Nhật Bản sẽ đánh dấu cuộc gặp song phương thứ ba giữa hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Australia kể từ khi ông Albanese nhậm chức vào tháng Năm vừa qua.

Cuộc gặp lần này cũng diễn ra chưa đầy một tháng sau khi ông Albanese tới Nhật Bản để dự lễ tang cấp nhà nước của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, sự kiện cũng có sự tham dự của ba cựu thủ tướng Australia.

Một nguồn tin thân cận với ông Kishida cho biết: "Chuyến thăm này cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ Nhật-Australia và nó đã phát triển đến mức nào".

Nhật Bản - Australia nhắm tới an ninh tại thượng đỉnh lớn tại Perth - Ảnh 1.

Quan hệ Nhật Bản - Australia liên tục có nhiều tín hiệu tích cực. Ảnh: JIJI.

An ninh sẽ dẫn đầu chương trình nghị sự, trong bối cảnh lo ngại rằng cuộc xung đột Nga – Ukraine sẽ tạo ra ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cả sự ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc. Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận hợp tác an ninh vào tháng 4 năm nay với Quần đảo Solomon, một trung tâm hàng hải quan trọng chiến lược tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và động thái này khiến Tokyo và Canberra cũng như Mỹ lo ngại.

Phù hợp với mục tiêu này, hai nước dự kiến sẽ ký tuyên bố song phương mới, dự kiến sẽ bao gồm nội dung nhấn mạnh hợp tác về an ninh quốc phòng và kinh tế để hiện thực hóa một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở." Văn bản sẽ thay thế một văn kiện được hai nước ký vào năm 2007, lúc đó chưa đề cập gì đến Trung Quốc, và nội dung tài liệu mới phản ánh nhiều thay đổi trong những năm qua.

An ninh và năng lượng được quan tâm

Mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã xuống dốc nhanh chóng kể từ tháng 4 năm 2020, khi Thủ tướng Australia lúc bấy giờ là Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus corona – loại virus làm lây đại dịch COVID-19. Bắc Kinh đã đáp trả bằng việc áp đặt các mức thuế quá nặng đối với lúa mạch và rượu của Australia.

Mặc dù Đảng Lao động Australia trung tả của ông Albanese có truyền thống thân thiện với Trung Quốc, nhưng có rất ít dấu hiệu về sự tan băng dưới chính quyền của ông.

Trong bối cảnh đó, Nhật Bản và Australia đã và đang xây dựng mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn, coi nhau là "đồng minh". Vào tháng 1 năm nay, hai bên đã ký một thỏa thuận tiếp cận có đi có lại để giúp Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Australia huấn luyện cùng nhau dễ dàng hơn.

Ông Kishida và ông Albanese cũng sẽ đồng ý tăng cường hơn nữa liên kết an ninh Quad, nhóm cũng bao gồm Mỹ và Ấn Độ. Tokyo cũng đang tìm cách hợp tác chặt chẽ hơn với Five Eyes, một mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo bao gồm các nền dân chủ Anglophone lớn, bao gồm Australia và Mỹ.

Hai bên dự kiến cũng sẽ khẳng định tầm quan trọng của tài nguyên và năng lượng – coi đây là nền tảng cho mối quan hệ an ninh của họ. Vùng Tây Australia, nơi thành phố Perth là thủ phủ, là nơi sản xuất chính quặng sắt và khí đốt tự nhiên hóa lỏng.

Nhật Bản phụ thuộc vào Australia khoảng 70% lượng than nhập khẩu. Australia cũng là nhà cung cấp LNG và quặng sắt lớn nhất, lần lượt chiếm khoảng 40% và 60% nhập khẩu của Tokyo. Sau khi xung đột ở Ukraine làm rung chuyển thị trường năng lượng toàn cầu, Tokyo đang tìm đến Canberra để đảm bảo nguồn cung ổn định.

Nhật Bản và Australia cũng sẽ thảo luận về hợp tác về các vấn đề môi trường, bao gồm phát triển công nghệ để giải quyết biến đổi khí hậu, chẳng hạn như thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon cũng như năng lượng amoniac và hydro. Ông Kishida đặt mục tiêu tạo ra một "Cộng đồng Châu Á Không phát thải" để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế.

Tháng 11 tới dự kiến cũng sẽ mang đến một chuỗi các hội nghị thượng đỉnh quốc tế cho các nhóm bao gồm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Nhóm G20 và diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương. Bên lề sự kiện này có thể cũng có các cuộc họp thượng đỉnh song phương Trung -Mỹ hoặc Trung-Nhật.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ