• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhật Bản thiếu hụt nhân viên y tế nghiêm trọng

Thế giới 24/10/2022 12:40

(Tổ Quốc) - Tình trạng thiếu hụt lực lượng y tế, tỷ lệ sinh giảm và tỷ lệ dân số già cao đang mang đến áp lực lớn cho chính phủ Nhật Bản.

Theo trang SCMP, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã đe dọa lớn đến khả năng đáp ứng nhu cầu của y tế quốc gia Nhật Bản. Một báo cáo mới đây của chính phủ Nhật Bản cảnh báo ngành y tế nước này sẽ thiếu khoảng 1 triệu nhân viên đến năm 2040.

Nhật Bản thiếu hụt nhân viên y tế nghiêm trọng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Kyodo

Các nhân viên y tế Nhật Bản luôn trong tình trạng kiệt sức, đặc biệt là trong thời gian cao điểm của đại dịch Covid-19 toàn cầu. Nhiều người đã bỏ việc và tìm công việc mới, vì vậy ngành y tế luôn trong tình trạng thiếu nhân lực nhưng không thể tìm người thay thế do điều kiện làm việc quá vất vả: thời gian dài, áp lực, lương thấp và nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Bên cạnh đó, một vấn đề lớn khác hiện nay là tỷ lệ sinh giảm và dân số trẻ tham gia lực lượng lao động ít hơn trong khi dịch vụ cải thiện chăm sóc sức khỏe và thuốc men tốt hơn đã giúp tuổi thọ của người Nhật cao hơn. Theo số liệu của Chính phủ, dân số Nhật Bản sẽ đạt mức 110,9 triệu người vào năm 2040, giảm 12,7% so với tổng dân số là 125,8 triệu người vào năm 2020.

Theo SCMP, tuổi trung bình của người Nhật Bản sẽ tăng 7,5 tuổi lên 54,2 tuổi vào năm 2040 trong khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm xuống 7 điểm phần trăm là 5,39%. Các số liệu ghi nhận những người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 35,3% trong tổng dân số, tăng 8,7 điểm phần trăm so với con số hiện tại.

Trong báo cáo thường niên của Bộ Y tế Nhật Bản vào tháng 9 năm nay, giải pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng mà ngành y tế Nhật Bản đang đối mặt là năng lực thu hút đủ lao động trong lĩnh vực y tế và đây được xem là "một trong số các chương trình nghị sự quan trọng nhất. Nhu cầu về dịch vụ y tế dự kiến sẽ tăng mạnh vào năm 2025.

Giải pháp thu hút nhân viên y tế yêu nghề

Bà Yoko Tsukamoto, Giáo sư ngành điều dưỡng tại Đại học Khoa học Y tế Hokkaido thừa nhận lo ngại khi nhiều người sẽ rời bỏ công việc chăm sóc sức khỏe bởi những áp lực lớn mà họ phải chịu đựng trong các năm qua.

"Đây thực sự là một nghề nghiệp rất áp lực và chắc chắn không dành cho tất cả mọi người. Tỷ lệ bỏ học của sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành chăm sóc sức khỏe là khoảng 20% trước đại dịch", bà nói. Và mặc dù không có số liệu chắc chắn về tỷ lệ bỏ học kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện trong quý đầu tiên năm 2020 nhưng bà Tsukamoto cũng khẳng định tỷ lệ này đang cao hơn đáng kể so với trước đây.

"Những người trẻ hiện nay muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống nhưng điều đó không thể có trong thời dịch bệnh. Các nhân viên y tế thậm chí không thể ra ngoài, gặp gỡ bạn bè vào cuối tuần hay buổi tối. Nhiều người thậm chí không thể về nhà với gia đình sau giờ làm việc theo ca tại khu vực điều trị Covid-19", bà nói.

Theo bà Tsukamoto, vấn đề ngắn hạn này thậm chí sẽ trở nên gay gắt hơn khi tỷ lệ dân số già đang ngày càng cao và thiếu hụt lao động y tế đang ảnh hưởng đến tất cả các ngành.

Đang có 1 số giải pháp là robot và tự động hóa có thể phát huy nhiều hơn ở bệnh viện, đảm nhiệm những công việc đơn giản thay thế cho y tá hay nhân viên trong lĩnh vực này, theo bà Tsukamoto.

Hiện tại, có một số lượng nhất định các y tá hay nhân viên chăm sóc sức khỏe từ Philippines và Indonesia cũng đang tiếp tục làm việc ở Nhật Bản nhưng rào cản ngôn ngữ vẫn là một hạn chế.

Ông Kazuhiro Tateda, Chủ tịch Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Nhật Bản và là thành viên của Ban Cố vấn tư vấn Chính phủ Nhật Bản ứng phó với khủng hoảng Covid-19 cũng đưa ra đánh giá tương tự.

"Chúng ta cần nhiều lao động hơn nữa trong lĩnh vực này ngay bây giờ vì rất nhiều người cao tuổi cần được điều trị và trợ giúp. Tình trạng thiếu hụt lực lượng y tế và chăm sóc sức khỏe sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới", ông nói. "Một lý do khác dẫn đến tình trạng thiếu hụt là mức lương tương đối thấp, khiến nhiều nhân viên y tế từ bỏ công việc. Đại dịch đã đánh thức các nhà chức trách về những gì đang xảy ra". Vì vậy, theo ông Tateda, Chính phủ cần phải có biện pháp thu hút nhân viên yêu nghề và giữ chân họ.

"Mọi người cần điều kiện tốt hơn và mức lương tốt hơn. Đơn giản là như vậy," ông Tateda nói. "Mặt khác, tôi cho rằng họ cũng nên xem công việc là niềm tự hào. Nếu họ cảm thấy được đánh giá cao và được tôn trọng vì những đóng góp thì tôi nghĩ họ sẽ ở lại "./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ