(Tổ Quốc) - Quan hệ đối tác chiến lược mới được ký kết giữa hai bên sẽ mở đường cho việc tăng cường quan hệ quân sự và tăng cường tuần tra chung trên vùng biển khu vực, theo Asia Times.
Khi Thủ tướng Australia Anthony Albanese ký kết quan hệ đối tác chiến lược mới với Philippines ngày 8/9 tại Manila, buổi lễ đã đánh dấu thành công của nỗ lực một năm qua nhằm tăng cường quan hệ với các nước phương Tây của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.
Thích ứng với nhiều bất ổn trong khu vực
Ông Albanese mô tả mối quan hệ đối tác mới là "lịch sử" và là "thời điểm bước ngoặt" để "góp phần đóng góp cho một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở, ổn định và thịnh vượng". Ông Marcos Jr cũng cho biết thỏa thuận song phương mới là "cực kỳ quan trọng" trong bối cảnh bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng trong khu vực.
Hiệp ước này nhấn mạnh sự đồng thuận ngày càng tăng giữa hai đồng minh của Mỹ về nhu cầu tăng cường hợp tác an ninh hàng hải trước những tín hiệu không chắc chắn trong vùng biển khu vực. Quan hệ quốc phòng song phương ngày càng trở nên mạnh mẽ trong những năm gần đây thông qua Thỏa thuận về các lực lượng thăm viếng (SOVFA) của hai bên, được ký kết lần đầu tiên vào năm 2007 với mục đích tạo điều kiện cho các cuộc tập trận và huấn luyện chung cũng như cho phép sử dụng tạm thời các căn cứ và cơ sở quân đội của hai bên.
Tại lễ ký kết quan hệ đối tác chiến lược, ông Albanese cam kết sẽ nâng cấp quan hệ song phương "lên một tầm cao hơn nữa" với trọng tâm là tăng cường giao lưu nhân dân cũng như quan hệ thương mại và đầu tư.
Trong khi kí kết quan hệ đối tác chiến lược mới, Autralia cũng kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư với các quốc gia Đông Nam Á theo Chiến lược kinh tế Đông Nam Á mới được đưa ra đến năm 2040.
Thương mại của Ausatralia với Manila tương đối nhỏ so với các quốc gia Đông Nam Á khác như Việt Nam, Thái Lan và Singapore. Thương mại song phương Philippines-Australia (6,2 tỷ USD vào năm 2021) thấp hơn đáng kể so với thương mại của Canberra với các quốc gia có quy mô tương tự ở Đông Nam Á như Thái Lan (25 tỷ USD).
Lịch sử quan hệ đáng chú ý
Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quan hệ song phương tương đối hạn chế. Tuy nhiên, quan hệ Philippines-Australia đã được thúc đẩy sau khi Mỹ giảm sự hiện diện tại các căn cứ Subic và Clark của Philippines vào đầu những năm 1990. Đặc biệt, những tín hiệu không chắc chắn trong vùng biển khu vực cũng thúc đẩy Manila tìm kiếm các mối quan hệ đối tác quốc phòng mới.
Xu hướng này dẫn tới việc ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về các hoạt động hợp tác quốc phòng và Ủy ban hợp tác quốc phòng chung (JDCC) giữa Manila với Canberra. Cả hai cơ chế này đều là khuôn khổ cho hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn. Hai bên sau đó đã đàm phán SOFVA để thể chế hóa hợp tác quân sự. SOFVA cũng có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp hỗ trợ khẩn cấp trong các thảm họa thiên nhiên gần đây ở Philippines, bao gồm cả thảm họa siêu bão Haiyan năm 2013.
Ngay sau đó Australia cũng bắt đầu tham gia các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn giữa Philippines và Mỹ, nổi bật nhất là cuộc tập trận Balikatan thường niên.
Australia cũng dần hỗ trợ viện trợ quốc phòng cho Philippines, trong đó đáng chú ý là việc chuyển giao ba tàu đổ bộ hạng nặng (LCH) lớp Balikpapan từng phục vụ trong Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) cho Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) vào giữa những năm 2010.
Với mong muốn tăng cường mối quan hệ chiến lược của Australia với Đông Nam Á, Thủ tướng Australia khi đó là Malcolm Turnbull đã nhiều lần đến thăm Manila. Năm 2015, ông đã ký Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác toàn diện Australia-Philippines (DCP), đặt nền móng cho việc tăng cường mối quan hệ song phương hơn nữa.
Quan hệ song phương bước vào giai đoạn mới khi Australia đề nghị huấn luyện lực lượng đặc biệt và triển khai máy bay giám sát để hỗ trợ AFP trong cuộc khủng hoảng Marawi ở miền nam Philippines năm 2017, nơi diễn ra cuộc vây hãm thành phố của các nhóm chiến binh cực đoan có liên kết với Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tổng thống Philippines khi đó là Rodrigo Duterte đã công khai cảm ơn Australia vì "thể hiện tinh thần đoàn kết" trong cuộc khủng hoảng ở đảo Mindanao quê hương ông. Ông Duterte cũng đích thân lên thăm tàu HMAS Adelaide trong chuyến thăm thiện chí của Hải quân Hoàng gia Australia tới Manila vào năm 2017.
Hiện tại, người kế nhiệm ông Duterte đang tích cực kết nối với các đồng minh truyền thống. Đầu năm nay, ông Marcos Jr đã quyết định mở rộng Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) của nước này với Mỹ, cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận 5 căn cứ mới của Philippines. Ngay sau đó, các quan chức hàng đầu của Australia cũng đã tới Manila để tăng cường quan hệ đối tác.
Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles đã đến thăm Manila lần thứ hai để quan sát cuộc tập trận đổ bộ và tác chiến trên bộ giữa Philippines và Australia trong khuôn khổ cuộc tập trận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Endeavour 2023 (ALON). Sự kiện này cũng diễn ra cùng lúc với cuộc tuần tra ba bên của Australia, Philippines và Nhật Bản trên biển.
Loạt động thái này và cả thỏa thuận quan hệ mới đều nằm trong chiến lược chung của cả Philippines và Australia nhằm thích ứng với những diễn biến địa chính trị mới trong khu vực.