• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhìn Nga vội tung kế hoạch thế chân Mỹ tại Trung Đông, Trung Quốc "muốn nhưng còn e"?

Thế giới 20/10/2019 12:18

(Tổ Quốc) - Liệu Bắc Kinh có sẵn sàng đi theo tầm nhìn của Moscow trong một đề xuất hợp tác an ninh mới tại Trung Đông?

Tờ SCMP nhận định, trong khi Nga nhanh chóng tìm cách lấp chỗ trống tại Trung Đông sau quyết định bất ngờ rút quân của Mỹ khỏi Syria thì một nước lớn khác dường như đang chờ đợi các cơ hội có thể xuất hiện từ sự thay đổi cân bằng lớn đang diễn ra trong khu vực.

Mặc dù không ngừng kiến tạo ảnh hưởng tại các quốc gia Vùng Vịnh thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhưng Bắc Kinh tỏ ra chưa sẵn sàng tham gia vào bối cảnh chính trị phức tạp tại Trung Đông.

Các chuyến công du của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Arab Saudi và UAE trong tuần qua dành trọng tâm cho kinh tế với những thỏa thuận đầu tư lớn vào năng lượng, công nghệ cao và y tế - tuy nhiên, theo giới phân tích, chúng cũng khẳng định các mục tiêu địa chính trị của Điện Kremlin.

1de4882c-f0a9-11e9-9f3d-785f2d889e39_image_hires_080128

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Vua Salman của Arab Saudi (ảnh: Reuters)

Hồi đầu tháng, ông Putin đã đề cập tới kế hoạch "an ninh tập thể" cho Trung Đông – từng được đề xuất lên Liên Hợp Quốc vào tháng 7. Trong đề xuất về một tổ chức an ninh và hợp tác mới trong khu vực, Tổng thống Nga nhấn mạnh tới yếu tố chủ chốt là sự tham gia của Trung Quốc và Ấn Độ bên cạnh các cường quốc địa chính trị từ châu Âu và Mỹ.

Bắc Kinh thể hiện sự cởi mở với kế hoạch của Nga. Trung Quốc có lợi ích lớn trong an ninh Vùng Vịnh do phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô cũng như các hiệp định thuộc Vành đai, Con đường mà họ đã ký kết với 8 nước trong khu vực, bao gồm cả Iran.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng từng tuyên bố trong một dịp gần đây rằng, trong khi các thông tin cụ thể cần được kiểm chứng, "Trung Quốc hoan nghênh tất cả các đề xuất và nỗ lực ngoại giao nhằm giảm leo thang tình huống tại Vùng Vịnh".

Trước đó, một người phát ngôn khác của Bộ ngoại giao là bà Hoa Xuân Oánh cũng nói, Trung Quốc "hoan nghênh đề xuất của Nga" và "sẵn sàng thúc đẩy liên hệ và điều phối".

Tuy nhiên, chuyên gia về ngoại giao Trung Đông – Trung Quốc từ Đại học Phục Đán (Thượng Hải) Degang Sung đánh giá, mặc dù quan tâm về các căng thẳng đang gia tăng và tác động của việc Mỹ rút quân, Bắc Kinh sẽ không đi theo tầm nhìn của Nga một cách quá nhanh chóng.

Trung Quốc không muốn lựa chọn bên tại Vịnh Ba tư.

Degan Sung

"Đề xuất an ninh đa phương của Nga có lợi cho Trung Quốc. Nhưng khái niệm về an ninh của Trung Quốc khác với của Nga bởi vì họ [Moscow] vẫn có chính trị liên minh, còn Trung Quốc không muốn lựa chọn bên tại Vịnh Ba tư", ông Sun chỉ ra.

Theo ông, điều đó có nghĩa Bắc Kinh sẽ phải "không chỉ xem xét lời nói mà còn cả hành động của Nga" trước khi tham gia bất kỳ kế hoạch nào, nhằm đảo bảo nó phù hợp với tinh thần đa phương và "an ninh tập thể" đã nêu ra.

"Người Trung Quốc rất thận trọng trước các đề xuất an ninh bởi vì họ muốn có ảnh hưởng địa kinh tế chứ không phải là liên quan địa chính trị", ông Sun phân tích và đặc biệt liên hệ tới trường hợp Trung Đông, "nơi Trung Quốc không được phép lặp lại các sai lầm mà các cường quốc khác đã mắc phải".

Trong khi đó, một số chuyên gia khác cho rằng, sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực thông qua chiến lược Vành đai, Con đường và những lợi ích thương mại khiến quốc gia châu Á khó tránh khỏi phải tham gia vào chiến lược địa chính trị và an ninh.

e6f03694-f0a9-11e9-9f3d-785f2d889e39_1320x770_080128

Nga nhanh chóng muốn lấp chỗ trống Mỹ để lại ở Syria (ảnh: AFP)

Ông Kevjn Lim, một tiến sỹ về khoa học chính trị tại Đại học Tel Aviv nói, "lợi ích chồng lấn" giữa Moscow và Bắc Kinh trong khu vực khiến hợp tác giữa hai nước là gần như chắc chắn, thậm chí bảo gồm cả khả năng trở thành đối tác với các nước khu vực trong vấn đề an ninh.

Tuy nhiên, việc Nga không ngừng tìm kiếm ảnh hưởng trong một khu vực mà Trung Quốc đang đầu tư phát triển quan hệ, cũng có thể tạo ra các mâu thuẫn.

"Nga mạnh hơn về quân sự còn Trung Quốc lại giàu có hơn. Những động thái gia tăng ảnh hưởng đối ngoại của Nga có thể thay đổi cân bằng giữa hai cường quốc".

Còn ông James Dorsey, một học giả về nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nanyang (Singapore) nhận định, các sự kiện gần đây đã "phá hủy chiếc ô phòng hộ của Mỹ" trong khu vực và tạo ra một cơ hội cho Nga đẩy mạnh các tham vọng địa chính trị, đồng thời khiến kế hoạch của Nga trở nên "hấp dẫn" hơn đối với Trung Quốc.


Cùng lúc, Mỹ vẫn quan sát chặt chẽ những động thái của Nga và Trung Quốc tại khu vực.

Trong một bài phát biểu trước một tổ chức tư vấn chính sách hồi đầu năm, một quan chức từ Phòng Các vấn đề Cận đông, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, tầm nhìn của Mỹ tại Trung Đông "nằm ở sự đối lập rõ nét với mối quan hệ giao dịch mà Nga và Trung Quốc đưa ra".

"Cả Nga và Trung Quốc đều không chứng tỏ sự sẵn sàng, chưa kể tới năng lực để tổ chức một nỗ lực tập thể nhằm đánh bại một nguy cơ toàn cầu", ông Schenker nói.

Tuy nhiên, theo trợ lý giáo sư Li-chen Sim tại Đại học Zayed, UAE, việc giành quyền kiểm soát để tự mình đối phó với một nguy cơ toàn cầu nào đó không phải là những gì mà Moscow và Bắc Kinh mong muốn.

"Nga không hề có tham vọng trở thành người bảo trợ duy nhất tại Trung Đông", bà chỉ ra; còn Trung Quốc tìm kiếm các kế hoạch an ninh "bao gồm cả các nước lớn thế giới và khu vực".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ