(Tổ Quốc) - Trước tình trạng nhiều sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông… bị cơ quan chức năng Việt Nam từ chối cấp phép, yêu cầu gỡ bỏ… vì có "đường lưỡi bò" phi pháp, ông Nguyễn Ngọc Trường, cựu Đại sứ Việt Nam ở Thụy Điển, Mexico và hiện là Cố vấn cao cấp Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quốc tế (CSSD), khẳng định bảo vệ chủ quyền biển đảo là công việc lâu dài, liên quan nhiều ban ngành, trong đó Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (BVHTTDL) liên quan khá nhiều, cần có cơ chế điều hành chung.
Lý do nhiều sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông… xuất hiện "đường lưỡi bò"
Trong khi các ấn phẩm như sách báo, sách giáo khoa, truyện thiếu nhi, ấn phẩm du lịch… từ lâu đã bị cài cắm "đường lưỡi bò" trái phép thì việc ngày càng nhiều các ấn phẩm điện ảnh, truyền thông,… thậm chí có nhiều tác phẩm từ Hollywood xuất hiện hình ảnh phi pháp này đang thu hút nhiều sự chú ý và phẫn nộ của dư luận.
Đánh giá về hiện tượng này, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cho biết Trung Quốc từ lâu đã đầu tư lớn, liên tục và toàn diện để khẳng định tuyên bố của họ về "đường lưỡi bò" trái phép. Đã có nhiều bộ phim do nước này sản xuất như Đạo mộ bút ký, Điệp vụ biển Đỏ, Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta (Put your head on my shoulder), Hướng gió mà đi… ngang nhiên chiếu hình ảnh "đường lưỡi bò" hoặc cài cắm các thông tin liên quan đến tranh chấp Biển Đông.
Bên cạnh đó, việc ngày càng nhiều ấn phẩm phim Hollywood như Uncharted (Thợ săn cổ vật), hoạt hình Abominable hay gần đây là Barbie cũng bị cài cắm hình ảnh bản đồ trái phép cho thấy ngành điện ảnh thế giới đang chịu nhiều sức ép từ việc chiều lòng thị trường tỷ dân Trung Quốc. Trung Quốc hiện là thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới khi tổng doanh thu phòng vé năm 2021 lên tới 47,3 tỉ NDT (khoảng 7,3 tỉ USD), cao gấp đôi so với tổng doanh thu năm 2020.
Cần đầu tư thêm cho công tác an ninh văn hoá
Đánh giá về công tác ứng phó tình hình số lượng tác phẩm bị cài cắm, lan truyền thông tin sai lệch một cách tinh vi và ngày càng nhiều, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cho rằng: "Phía ta cho đến nay vẫn ở vào thế đối phó một cách thụ động, xảy ra trường hợp nào thì "thổi còi" trường hợp ấy nên chưa giải quyết được vấn đề một cách hiệu quả, triệt để và lâu dài".
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cũng khẳng định: "Công tác an ninh văn hóa của chúng ta là một phần của cuộc đấu tranh thuộc về "quyền lực mềm", vừa bảo vệ an ninh của đất nước, vừa giới thiệu Việt Nam với thế giới. Việt Nam nói chung đã tiến hành đảm bảo an ninh văn hóa với nhiều nỗ lực, tương đối tốt và đạt hiệu quả nhất định. Tuy nhiên đầu tư của nước ta vẫn chưa đủ mức để tạo ra hiệu quả mong muốn. Ta cần nhận thức rằng, trong khi biện pháp của đối phương là thiên hình vạn trạng, liên quan nhiều ngành, nhiều mặt, thì việc đấu tranh chống lại các biện pháp này là công việc lâu dài nhằm góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh Tổ quốc và do đó cần được đầu tư tương xứng".
"Đồng thời, cần nhìn nhận vấn đề trên không chỉ nằm trong lĩnh vực an ninh văn hóa mà còn liên quan bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đó là nội dung liên quan an ninh quốc gia. Trên thực tế, tuyên bố "đường lưỡi bò" là sự vi phạm thô bạo luật pháp và tập quán quốc tế, và đã bị Tòa trọng tài PCA ra phán quyết bác bỏ. Ta cần phát huy cơ sở pháp lý quốc tế này", Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường nhấn mạnh.
Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 đã công bố phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc. Phán quyết dài gần 500 trang với điểm nhấn là bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngày 15/7/2023, nhân dịp 7 năm Tòa trọng tài đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: "Chủ trương nhất quán của Việt Nam là các tranh chấp ở Biển Đông giữa các bên liên quan cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đóng góp cho hòa bình và hợp tác ở Biển Đông".
Người phát ngôn Phạm Thu Hằng nói thêm: "Nhân dịp này, Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, và các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác lập phù hợp với UNCLOS".
Phối hợp các giải pháp trong nước và ngoại giao quốc tế
Đề xuất một số giải pháp để chống những vi phạm trên, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường khẳng định: "Ta cần đề xuất với Chính phủ và Quốc hội ban hành các quy phạm có tính rằng buộc, có hiệu lực pháp lý làm cơ sở đối phó với các hành vi vi phạm chủ quyền biển đảo. Không chỉ dừng ở "thổi còi" mà đơn vị, sản phẩm nào cố ý vi phạm thì cần phạt và thậm chí phải phạt nặng để tạo tính răn đe".
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cũng khuyến nghị việc chủ động xây dựng cơ chế ứng phó một cách có hệ thống: "Ta cần tăng cường tính chủ động, cần làm tốt công việc trong nội bộ nước mình. Trước mắt là ban hành quy chế, quy phạm có tính pháp lý để tạo cơ sở xử lý các sai phạm nặng, cùng với xử lý hành chính khách nước ngoài, cũng như các tổ chức trong nước thiếu cảnh giác, chậm phát hiện, hay cố tình dung túng trục lợi".
Đề cập đến vai trò của Bộ VHTTDL, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cho rằng Bộ VHTTDL là cơ quan liên quan nhiều mặt, cần đi đầu trong các đề xuất và trong việc thực thi pháp luật và các quy chế liên quan, đồng thời chuyển từ tư duy "thổi còi" tới tư duy trừng phạt.
Đánh giá về công tác phát huy ngoại giao văn hóa trong thời gian tới để thích ứng với tình hình mới và bảo vệ tốt chủ quyền, lợi ích quốc gia, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường khẳng định công tác ngoại giao văn hóa liên quan chủ quyền biển đảo có liên quan chủ yếu tới một số nước Đông Nam Á giáp Biển Đông, do đó, ngành ngoại giao Việt Nam cần có sự phối hợp với ngoại giao các nước liên quan để hợp tác đấu tranh trong vấn đề này.
Đồng thời ngoại giao nhân dân, ngoại giao văn hoá, ngoại giao của các ban ngành cần phối hợp với các nước, không chỉ ngồi đợi ngoại giao nhà nước. Bảo vệ chủ quyền biển đảo là công việc lâu dài, liên quan nhiều ban ngành, trong đó Bộ VHTTDL liên quan khá nhiều, cần có cơ chế điều hành chung./.