(Tổ Quốc) - Việc Australia tổ chức cuộc tập trận Malabar trong tuần này mở ra cơ hội hợp tác trên biển sâu sắc hơn, theo nhận định của Nikkei Asia.
Tuần này, Australia sẽ lần đầu tiên đăng cai tổ chức Cuộc tập trận Malabar – loạt hoạt động diễn tập hải quân ban đầu do Ấn Độ triển khai ngoài khơi bờ biển nước này cùng lực lượng Mỹ.
Mặc dù không chính thức là một hoạt động của Đối thoại tứ giác an ninh Quad (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia), nhưng Malabar đã trở thành một hoạt động hợp tác hiệu quả kể từ khi Australia tham gia cuộc tập trận vào năm 2020. Nhật Bản cũng đã tham gia sự kiện này với tư cách là đối tác lâu dài 5 năm trước đó.
Mỹ - Australia định hình hợp tác hải quân đa phương
Từ trọng tâm ban đầu là xây dựng sự kết nối giữa hải quân của các bên tham gia, cuộc tập trận này đã được phát triển hướng đến tập trung vào các hình thức hợp tác hải quân cao cấp ngày càng hiện đại, đặc biệt là nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải và tác chiến chống tàu ngầm.
Đây cũng là cơ hội để Canberra đưa hợp tác hải quân của Quad lên một cấp độ cao hơn nhằm mang lại cho nhóm "sức mạnh lớn hơn" để có thể phát huy hết tiềm năng của mình với tư cách là một tập thể phòng thủ hàng hải trong khu vực.
Hiện tại, cũng đang có một cơ hội chính trị và chiến lược cho bốn quốc gia để tận dụng tiềm năng này.
Về mặt chính trị, hội nghị thượng đỉnh liên tiếp của các nhà lãnh đạo và quy mô ngày càng tăng của các cuộc tập trận Malabar thường niên cho thấy cách thức nhóm Bộ tứ kết nối xung quanh một mục tiêu chiến lược chung, trong đó, việc theo đuổi các lợi ích an ninh hàng hải chung và cân bằng ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc là những yếu tố trung tâm. Về hợp tác an ninh quốc phòng, các thành viên có thể tận dụng quá trình hợp tác hải quân lâu nay như điều phối hoạt động, tiêu chuẩn hóa các thủ tục chia sẻ thông tin và mở thêm các cơ sở quân sự cho nhau nhằm mục đích bảo trì và duy trì.
Việc sắp xếp hiệu quả hơn những hoạt động này sẽ giúp tăng cường các giải pháp hợp tác của 4 quốc gia, cả hợp tác riêng lẻ với nhau và trên bình diện đa phương nhằm cân bằng với sức mạnh của Trung Quốc trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Những bước phát triển mới trong liên minh Mỹ - Australia có thể đóng một vai trò lớn trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự này.
Nhiều cuộc họp chung liên tiếp của các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Australia và Mỹ, theo hình thức thể chế hóa được gọi là AUSMIN, đã cho thấy rằng các sáng kiến bố trí lực lượng, các cuộc tập trận chung và các hoạt động quân sự kết hợp của liên minh đang hỗ trợ cho một chương trình nghị sự phòng thủ tập thể rộng lớn hơn.
Ví dụ, một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp AUSMIN tháng trước đánh dấu việc lập ra một sáng kiến tăng cường nhận thức về hợp tác hàng hải. Theo đó, sẽ có các đợt luân chuyển thường xuyên hơn của máy bay tuần tra biển thuộc Hải quân Mỹ tới các cơ sở của Australia.
Kêu gọi sự chủ động của các đối tác Ấn, Nhật
Việc đưa vào một tài liệu tham khảo quan trọng về "mời các đối tác có cùng chí hướng tham gia" cũng cho thấy rằng các quốc gia như Ấn Độ hoặc Nhật Bản có thể cử máy bay tham gia giám sát hàng hải chung với hoạt động xuất kích từ các căn cứ không quân Australia trong thời gian tới.
Sự tham gia của Ấn Độ trong những bước đi này xứng đáng được chú ý đặc biệt khi nước này đang dẫn đầu các hoạt động giám sát hàng hải tập thể với các đối tác Quad của mình ở Ấn Độ Dương.
Ở đỉnh điểm của căng thẳng biên giới Ấn Độ-Trung Quốc vào tháng 10 năm 2020, một máy bay tuần tra hàng hải của Mỹ đã tiếp nhiên liệu tại Cảng Blair thuộc Quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ. Nhật Bản cũng đang giúp Ấn Độ phát triển hơn nữa các cơ sở tại đó và Lực lượng Phòng vệ Hàng hải của Nhật Bản đang ngày càng có những chuyến thăm thường xuyên.
Trong vòng 18 tháng qua, máy bay tuần tra hàng hải của Ấn Độ và Australia cũng đã thực hiện ít nhất 4 chuyến thăm tới các cơ sở không - hải quân của nhau để tập trận chung và phối hợp tuần tra. Tháng trước, hơn 30.000 binh sĩ từ 13 quốc gia đã đến Australia để tham gia cuộc tập trận quân sự Talisman Sabre hai năm một lần giữa nước này với Mỹ.
Đây là những minh chứng rõ ràng về cách các quốc gia Quad có thể tận dụng vị trí địa chiến lược, cơ sở hạ tầng quân sự và năng lực chung của họ để thực hiện chiến lược răn đe tập thể khi các ưu tiên chính trị và chiến lược của họ phù hợp với nhau.
Cũng cần thấy rằng, tiềm năng của chương trình nghị sự về an ninh hàng hải trong nhóm Quad không phải là vô hạn. Những hạn chế về quy trình, chính trị và nguồn lực giữa bốn quốc gia thành viên sẽ quyết định họ có thể cùng nhau tiến nhanh đến đâu và bao xa.
Nhưng rõ ràng, Quad đang có rất nhiều tiến bộ. Những kết quả từ AUSMIN năm nay cho thấy rằng các nỗ lực song phương và đa phương đang tiếp tục mở ra cơ hội cho sự hợp tác phòng thủ trên biển hữu hình của cả nhóm Quad.