• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những dang dở trong tham vọng đường sắt cao tốc của Anh

Thế giới 06/10/2023 11:03

(Tổ Quốc) - Vào năm 1825, chuyến tàu chở khách đầu tiên trên thế giới đi vào hoạt động ở miền bắc nước Anh. Chuyến đi báo trước sự khởi đầu của thời đại đường sắt, giúp chuyển đổi nền kinh tế đất nước bằng cách cắt giảm thời gian hành trình, thúc đẩy các tuyến thương mại và kết nối với các thành phố lớn.

Mạng lưới đường sắt cao tốc HS2

Từng được xem là "cuộc cách mạng", mạng lưới đường sắt cao tốc HS2 ngày càng bị cắt giảm quy mô vì đội vốn, chậm tiến độ.

Tham vọng đường sắt cao tốc dang dở của Anh phản ánh thực tế kinh tế nghiệt ngã - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt cao tốc mới từ London sẽ kết thúc ở Birmingham sau khi Chính phủ Anh hủy bỏ kế hoạch kéo dài tuyến đến Manchester. Ảnh: CNN

Khi hai thế kỷ trôi qua nhanh chóng, Vương quốc Anh mới đây tuyên bố sẽ từ bỏ dự án này, dù đã được thực hiện trong 15 năm.

Động thái này đặt Vương quốc Anh vào thế bất lợi nghiêm trọng so với hầu hết các nền kinh tế tiên tiến khác trên thế giới. Bởi trong thời gian dài, những nền kinh tế này từng được hưởng rất nhiều lợi ích - tài chính và môi trường - của đường sắt cao tốc.

Quyết định tạm dừng mạng lưới đường sắt cao tốc (gọi tắt là HS2) của Thủ tướng Rishi Sunak diễn ra trong bối cảnh chi phí tăng mạnh và được xem là tín hiệu mới nhất về sự suy thoái kinh tế của Anh. Các nhà quan sát cho rằng đây được xem như một sự xác nhận cho thực tế nghiệt ngã rằng Vương quốc Anh dường như không thể chi nhiều cho loại dự án mà Đức, Pháp và Italia vẫn có thể thực hiện.

Trước đó, do tình trạng chi phí quá cao với dự án này, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson năm 2021 đã bỏ tuyến phía đông kết nối Leeds và Sheffield, nhằm hoàn thành phần còn lại của dự án. Và trong đợt cắt giảm mới này, Vương quốc Anh dự kiến bỏ hoặc trì hoãn chặng phía tây, nối Birmingham và Manchester.

Trước diễn biến mới này, một số khoản bồi thường cho các thị trấn và thành phố phía bắc đất nước sẽ bị ảnh hưởng, chẳng hạn như việc làm cho người dân. Ngoài ra, các khoản đầu tư kinh doanh liên quan đến việc di chuyển bằng tàu chở khách và hàng hóa nhanh cũng bị tác động qua quyết định này.

Thủ tướng Anh Sunak cho biết khoản tiết kiệm 36 tỷ bảng Anh (43,7 tỷ USD) sẽ được chuyển sang các dự án giao thông mới ở vùng trung du nước Anh, phía bắc Vương quốc Anh và các nơi khác.

"Kế hoạch của chúng tôi sẽ thúc đẩy tăng trưởng và cơ hội ở phía bắc nhiều hơn so với việc có một chuyến tàu nhanh hơn tới London từng có", ông Sunak nói thêm.

Kế hoạch đảo ngược

Đây là kế hoạch đảo ngược mới nhất của Thủ tướng Anh Sunak về sáng kiến chiến lược. Cách đây một năm, ông Sunak từng cam kết với mạng lưới đường sắt cao tốc HS2 sẽ thúc đẩy sự đoàn kết giữa các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, liên đoàn lao động và một số đồng minh chính trị (bao gồm cả các cựu thủ tướng Đảng Bảo thủ) để lên án quyết định này. Các tuyên bố trước đó từng cho rằng việc làm này sẽ làm mất uy tín với các nhà đầu tư.

"Đây là sự thay đổi lớn nhất và gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử cơ sở hạ tầng của Vương quốc Anh. Mọi quốc gia lớn khác ở châu Âu đều đã cố gắng xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc và nhận thấy đây là một phần quan trọng của nền kinh tế và xã hội hiện đại trong nhiều năm tới. Chúng tôi đã luôn muốn nghĩ rằng nước Anh cũng có thể làm được", đại diện cho các công ty như Siemens, Hitachi và Bombardier thuộc Tập đoàn Đường sắt Cao tốc của Anh (High Speed Rail Group) cho biết trong một tuyên bố.

Các nhà sản xuất Anh lo ngại động thái này sẽ mất đi thu nhập mà lẽ ra họ có thể kiếm được từ dự án cũng như các cơ hội kinh doanh trong tương lai.

Ông Stephen Phipson, Giám đốc điều hành của Make UK, đại diện cho các công ty sản xuất nhận định quyết định này gửi đi một thông điệp "cực kỳ đáng thất vọng" về cam kết của chúng tôi trong việc hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Vương quốc Anh.

Ông Mark Allen, Giám đốc điều hành của Tập đoàn bất động sản Landsec khẳng định gốc rễ của vấn đề là "ít chi tiết cụ thể về những gì HS2 có hoặc không mang lại cho nền kinh tế". Điều đó nói lên nhiều hơn về khả năng hoặc sự thiếu khả năng của chúng ta với tư cách là một quốc gia trong việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Sau đại dịch Covid-19, Vương quốc Anh đã tăng cường hỗ trợ tài chính các doanh nghiệp và hộ gia đình vượt qua đại dịch và khủng hoảng năng lượng. Kể từ khi đại dịch xảy ra vào tháng 3/2020, nợ chính phủ Anh đã tăng 40% lên gần 2,6 nghìn tỷ bảng Anh (3,3 nghìn tỷ USD), lần đầu tiên vượt quá 100% thu nhập quốc dân kể từ đầu những năm 1960.

Và bản chất của khoản nợ đó đang chồng chất lên nỗi đau, cụ thể gần 1/4 trong số đó gắn liền với lạm phát. Khi giá tăng mạnh vào năm ngoái, các khoản hoàn trả cũng tăng theo.

Chính phủ Anh phải chi nhiều hơn để trả nợ so với bất kỳ nền kinh tế phát triển nào khác tính theo phần trăm doanh thu của chính phủ và chi phí đi vay lại tăng lên.

Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm đạt mức cao nhất trong 20 năm qua vào tuần này. Cơ quan giám sát tài chính của nước này mô tả Vương quốc Anh đang bị mắc kẹt trong "một kỷ nguyên rất rủi ro đối với tài chính công".

Theo các nhà quan sát, có lẽ Vương quốc Anh đang hy vọng thời cơ có thể đảo ngược trong chính sách mới nhất của Thủ tướng Sunak trong hoạt động đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế vào thời gian tới./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ