• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những điểm nóng ở Trung Đông hứng chịu bùng phát dịch bệnh tả

Thế giới 04/11/2022 19:56

(Tổ Quốc) - Theo AP, dịch bệnh tả tràn qua các quốc gia Lebanon, Syria và Iraq trong bối cảnh những nước này đang đối mặt với khó khăn vì những cuộc khủng hoảng khác.

Bà Shadia Admed hoảng sợ khi nước mưa tràn vào lán của gia đình vào một đêm. Những đứa trẻ ướt nhẹp và sáng hôm sau là những cơn sốt kèm nôn, tiêu chảy lần lượt đến. Sau đó, một nhóm viện trợ đã đến và thực hiện các xét nghiệm về bệnh tả ở trại tị nạn thuộc miền bắc Lebanon. Con gái út của bà 4 tuổi đã có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh tả.

Những điểm nóng ở Trung Đông hứng chịu bùng phát dịch tả - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Dịch bệnh tả tràn qua các quốc gia Lebanon, Syria và Iraq trong bối cảnh những nước này đang đối mặt với khó khăn bởi cơ sở hạt tầng bị tàn phá, tình trạng hỗn loạn và nhiều người dân phải chạy trốn khỏi xung đột. Tháng trước, Lebanon đã báo trường hợp đầu tiên mắc bệnh tả trong gần 30 năm qua.

Mức độ lây nhiễm của virus đã xuất hiện trên toàn cầu ở hàng chục các quốc gia trong năm nay. Các đợt bùng phát dịch bệnh diễn ra ở Haiti và khắp vùng sừng châu Phi cũng như Trung Đông. Cùng với đó là hàng loạt các vấn đề khác như xung đột, đói nghèo và biến đổi khí hậu đang là trở ngại lớn đối với nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn dịch bệnh.

"Dịch tả từng phát triển mạnh trong nghèo đói và xung đột nhưng hiện nay đang gia tăng do biến đổi khí hậu. An ninh y tế khu vực và toàn cầu đang gặp nguy hiểm", Inas Hamam, Người phát ngôn khu vực của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết.

Các nỗ lực chống dịch tả tập trung vào tiêm chủng, nước sạch và vệ sinh. Trong tháng trước, WHO đã thông báo tạm ngừng chương trình tiêm chủng hai liều vì sản xuất không thể đáp ứng nhu cầu tăng cao. Các quan chức hiện đang phê duyệt liều đơn để nhiều người hơn có thể được tiêm phòng vaccine nhanh nhất. Nhiễm trùng tả là do thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm vi khuẩn tả. Đáng lo ngại hơn, các trường hợp từ nhẹ đến trung bình, bệnh tả có thể gây tử vong nếu không được điều trị đúng cách.

"Tôi sẽ dành cả đêm để cho con uống thuốc, rửa và khử trùng. Tôi không thể ngủ được và thức cả đêm. Tôi lo lắng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra", bà Ahmed, 33 tuổi nói về Assil, con gái 4 tuổi đang bị mắc bệnh tả.

May mắn, cô con gái Assil cuối cùng đã khỏe hơn và đây là trường hợp duy nhất mắc bệnh tả được xác nhận trong gia đình. Khắp biên giới Syria, các quan chức và Liên hợp quốc đã thông báo đợt bùng phát dịch tả đang lây lan trên cả nước.

"Sự bùng phát xảy ra ở Syria là do người dân uống nước không an toàn từ sông Euphrates và sử dụng nước bị ô nhiễm để tưới trồng cây", Liên hợp quốc và Bộ Y tế Syria cho biết.

Tiến sĩ Abdullah Hemeidi của Hiệp hội Y khoa Mỹ Syria dự đoán sẽ có một đợt tăng đột biến ca mắc bệnh tả vào mùa đông năm nay.

"Hệ thống chăm sóc y tế trong khu vực còn yếu. Các tổ chức y tế và địa phương đang cố gắng khử trùng nguồn nước cũng như tổ chức các hội thảo nhằm nâng cao ý thức của người dân để hạn chế sự lây lan", Tiến sĩ Hemeidi nói.

Bùng phát dịch bệnh tả

Trong khi đó, Iraq cũng đang hứng chịu dịch tả bùng phát trong nhiều năm. Ở Lebanon, căn bệnh này từng hiếm gặp trong nhiều thập kỷ. Cách đây 3 năm, Lebanon rơi vào khủng hoảng kinh tế. Hầu hết người dân Lebanon hiện đều phải lấy nước từ xe tải chở nước của nhà cung cấp tư nhân và các máy phát điện tư nhân để sử dụng điện. Tiện ích không thể mua nhiên liệu và bơm nước vào các hộ gia đình.

Kể từ tháng trước, Lebanon đã báo cáo 2421 trường hợp mắc và 18 trường hợp tử vong vì bệnh tả. Khoảng 1/4 người mắc bệnh này là trẻ em dưới 5 tuổi. Vi khuẩn tả được tìm thấy trong nước uống, hệ thống cống rãnh và nước tưới tiêu. Lebanon đón hơn 1 triệu người tị nạn từ Syria. Bộ Y tế Lebanon cho biết hầu hết các trường hợp mắc bệnh tả đã được phát hiện trong các trại tị nạn.

Ở Bhanine, bà Ahmed và con cái đang ở cùng hàng chục người tị nạn Syria khác. Những gia đình sống trong căn lều gỗ yếu ớt với những bức tường và trần nhà bằng bạt. Giống như hầu hết các hộ gia đình ở Lebanon, những cư dân trong trại mua xe tải chở nước do các nhà cung cấp tư nhân vận chuyển đến.

"Nước đã bị ô nhiễm nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng. Không có nước uống chứ đừng nói đến nước để lau rửa, rửa bát, giặt quần áo hay để tắm", Ali Hamadi, một cư dân chia sẻ.

Các cơ quan viện trợ của Liên hợp quốc cũng triển khai các chương trình cung cấp nước sạch cho trại tị nạn đồng thời khử trùng tường, cửa ra và tổ chức các buổi hướng dẫn thông tin. "Những hỗ trợ của chúng tôi cũng không thể thay thế lưới điện hay dịch vụ của quốc gia. Tuy nhiên, hệ thống này đã không hoạt động hầu hết thời gian", Ettie Higgins, Phó đại diện của Liên hợp quốc tại Lebanon cho biết.

WHO đã làm việc với các cơ quan y tế Iraq để giúp tăng cường đối phó trước bệnh tả, thăm các nhà máy xử lý nước và các phòng thí nghiệm ở Baghdad vào tháng trước. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết phải cần gấp 40,5 triệu USD để tiếp tục công việc ở Lebanon và Syria trong 3 tháng tới./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ