(Tổ Quốc) - Trong khi kết quả của vụ kiện giữa Grab với Viansun còn chưa ngã ngũ, chủ nhân của hợp đồng vận tải điện tử này đã có công văn để “cầu cứu” tới Thủ tướng Chính phủ. Chưa dừng lại ở đó, Grab cũng đã nhanh chân phát triển “chân rết”.
Grab liên tục có những động thái để thể hiện quyết tâm phát triển kinh doanh tại Việt Nam
Cụ thể ngày 27/10, tại thành phố Bạc Liêu, Công ty trách nhiệm hữu hạn Grab (Grab) và Công ty Cổ phần Taxi Mekong (Mekong) ký hợp tác triển khai dịch vụ GrabTaxi tại Bạc Liêu.
Grab cho hay, việc hợp tác này tiếp tục khẳng định cam kết hợp tác lâu dài của Grab với các công ty taxi trong nước nhằm mục tiêu tăng hiệu quả hoạt động taxi và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động giao thông vận tải.
Grab cam kết thông qua dịch vụ GrabTaxi sẽ đảm bảo cho tài xế taxi truyền thống hoạt động hiệu quả hơn nhờ tăng hiệu suất sử dụng xe, giảm bớt việc chạy xe lòng vòng đón khách và giảm thời gian xe rỗng chạy trên đường, nâng cao thu nhập.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đây là bước đi rất nhanh nhạy của Grab, đồng thời cũng thể hiện sự "quết tâm" trong việc khai thác, kinh doanh tại thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam hiện. Bởi trước đó, Grab cũng đã có một động thái rất nhanh là gửi công văn "cầu cứu" Thủ tướng, khi chỉ mới "nghe tin" có nguy cơ mất quyền "sở hữu" hợp đồng vận tải điện tử.
Tại công văn này, Grab cũng đã không quên khẳng định những "đóng góp" của mình đối với ngành vận tải Việt Nam, đặc biệt là trong việc tiên phong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đưa ngành vận tải Việt Nam bắt kịp với làn sóng công nghiệp 4.0.
Grab khẳng định mình đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, xã hội trong việc đảm bảo quyền lợi khi tham gia giao thông vận tải… cũng như nền kinh tế Việt Nam.
Trong khi đó, căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ, loại hình xe taxi công nghệ như Grab, Uber chính là loại hình taxi. Đối tượng này phải chịu sự quản lý như taxi, do đó không thể gọi bằng cụm từ xe hợp đồng điện tử để lách luật, trốn thuế, né được nhiều chi phí và hưởng ưu đãi hơn so với taxi truyền thống.
Thực tế cho thấy Grab, Uber đã thực hiện và tham gia thực hiện một số công đoạn như điều hành phương tiện, lái xe, quyết định giá cước vận tải, sử dụng các loại xe dưới 9 chỗ ngồi, cách tính cước dựa vào km…
Trước đó, tại phiên xử Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đòi Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gần 42 tỷ, đại diện VKS TP HCM cho rằng, tòa cùng cấp hoàn toàn có thẩm quyền giải quyết vụ kiện, bởi đây là vụ tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại và Đề án 24 không phải là đối tượng khởi kiện.
VKS cho rằng Grab trực tiếp vận hành, điều xe, quy định giá cước, mức chiết khấu và quy định xử phạt đối với tài xế. Ngoài ra, Grab còn đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mãi trong đó có "chuyến xe 0 đồng". Đây là căn cứ cho thấy bị đơn không đơn thuần là đơn vị cung cấp công nghệ mà thực chất là công ty kinh doanh vận tải taxi.
VKS nêu quan điểm, việc Vinasun yêu cầu bồi thường thiệt hại do lợi nhuận giảm là hoàn toàn có cơ sở. Bởi Grab đã không trung thực khi kê khai ngành nghề và có hành vi khuyến mãi không đúng quy định…/.