(Tổ Quốc) - Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần nâng cao, học sinh, sinh viên có cơ hội được thụ hưởng chất lượng cuộc sống tốt, đầy đủ để phát triển cả thể chất và tinh thần; các em năng động, sáng tạo, thông minh hơn; được tiếp cận với văn hóa, tri thức mới, có điều kiện thuận lợi tiếp nhận thông tin từ nhiều hướng…
Song cùng với những tín hiệu tích cực, thì đời sống văn hóa sinh viên, nhất là văn hóa ứng xử, giao tiếp biến đổi theo nhiều chiều hướng, đan xen nhiều yếu tố tiêu cực. Đáng báo động là sự suy thoái chuẩn mực đạo đức, lối sống, ứng xử, giao tiếp... Chưa bao giờ cụm từ "văn hóa ứng xử" được nhắc nhiều, nhắc liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng đến vậy. Không mất nhiều thời gian với công cụ tìm kiếm google, chúng ta đã nhận được kết quả không ngờ…
Chưa bao giờ vấn đề văn hóa ứng xử, đạo đức xã hội "nóng" như hiện nay
Theo TS. Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những năm gần đây, văn hóa ứng xử trong học đường biến đổi theo nhiều chiều hướng, đan xen nhiều yếu tố tích cực và tiêu cực, đã, đang và sẽ tác động rất lớn đến môi trường văn hóa của học sinh, sinh viên. Trước thực trạng trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến văn hóa ứng xử hướng tới là xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Cuốn sách góp thêm tiếng nói trước yêu cầu bức thiết về giáo dục kỹ năng sống và văn hoá ứng xử cho học sinh, sinh viên hiện nay. Nội dung cuốn sách là kết quả từ những trải nghiệm thực tiễn, từ tình yêu thương thế hệ tương lai, từ tâm huyết của một nhà giáo, một nhà nghiên cứu văn hóa. Từng tình huống trong cuốn sách rất giản dị, gần gũi, nhân văn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, góp phần tích cực giáo dục học sinh cấp Tiểu học nâng cao giá trị chân-thiện-mỹ. Đọc cuốn sách mới thấy văn hoá ứng xử không ở đâu xa, không khó thực hiện, mà nó bắt đầu từ cuộc đời, từ tình yêu thương gia đình, bạn bè, làng xóm, đất nước, nhân loại… Cuốn sách đến tay bạn đọc, đến với học sinh, phụ huynh là một món quà quý thấm đẫm chất nhân văn. Từ cuốn sách nhỏ xinh này, tác giả muốn gửi đến nhằm nâng cao kỹ năng sống đẹp, văn hóa giao tiếp ứng xử tích cực, định hình các giá trị bản thân một cách thiết thực, bền vững góp phần vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Trên cương vị Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội, NGND.PGS.TS Nguyễn Đình Thi cho biết, qua những nội dung trong cuốn sách đã mang đến cho học sinh, sinh viên, các bậc phụ huynh những điều kỳ diệu. Đó là thông điệp nhân văn, là kỹ năng sống tích cực giúp con em chúng ta biết tự giáo dục, tự định hình các giá trị bản thân một cách thiết thực, bền vững.
Những tấm gương từ trang sách "Nói lời hay, làm việc tốt"
Từ những câu chuyện dí dỏm, ít lời mà nhiều ý, cuốn sách bao gồm ba phần: Ứng xử văn hóa nơi công cộng (bệnh viện, rạp hát, công viên, tham gia giao thông...); Ứng xử văn hóa trong gia đình; Ứng xử văn hóa trong trường học gồm trên 50 tình huống cụ thể, sinh động. Đây là cuốn sách về kỹ năng sống, giao tiếp, ứng xử có văn hóa; cuốn cẩm nang sống đẹp; cuốn sách gối đầu giường mang ý nghĩa nhân văn cho giáo viên, phụ huynh và đặc biệt các cháu học sinh - thế hệ tương lai của đất nước.
Với lợi thế là nhà văn, nhà giáo, PGS.TS. Lê Thị Bích Hồng đã chọn thể loại văn xuôi làm phương tiện chuyển tải những kỹ năng sống, văn hóa giao tiếp, ứng xử một cách sinh động, sâu sắc. Trong cuốn sách những tình huống cụ thể rất đời và rất người. Bằng trái tim của một nhà giáo, cộng với sự nhạy cảm, sáng tạo của một nhà văn, tác giả đã quan sát, đã gửi gắm vào tình huống những thông điệp vô cùng nhân văn. Cuốn sách được giới thiệu vào thời điểm này sẽ góp phần nâng cao, hỗ trợ, làm phong phú thêm kiến thức về đạo đức, giáo dục công dân của cấp Tiểu học và các cấp học khác. Qua cuốn sách kỹ năng này, tác giả sẽ giúp học sinh tiếp nhận nội dung đạo đức một cách tự nhiên, sâu sắc.