(Tổ Quốc) - Có thể thấy được những tác động của căng thẳng ngoại giao Vùng Vịnh đến những “ông lớn” kinh tế - tài chính toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao leo thang giữa Qatar và các nước Vùng Vịnh đã bắt đầu có những ảnh hưởng rõ rệt tới kinh tế và tài chính. Theo thống kê của Arqaam Capital Ltd., 20% giá trị nhập khẩu và gần một nửa số khách du lịch của Qatar đến từ các nước láng giếng. Các dự án trị giá hàng tỷ đôla xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho World Cup 2022 cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro.
“Chúng tôi hy vọng việc cắt quan hệ ngoại giao với Qatar sẽ có những tác động đáng kể đến nền kinh tế nước này, nhưng không được ảnh hưởng lớn đến phần còn lại của Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC),” trưởng bộ phận Jaap Meijer của Arqaam cho biết. “Giá cả tiêu dùng tại Qatar sẽ bị tác động đầu tiên, mặc dù tăng trưởng kinh tế và các dự án của chính phủ cũng sẽ bị ảnh hưởng sau đó.”
Giữa “bão tố” Qatar, ai sẽ là “kẻ thắng người thua” trên chốn thương trường?
Ngân hàng
Ai có thể thua?
Tuần trước, giá trị giao dịch của Ngân hàng quốc gia Qatar (QNB) đã xuống đến mức thấp nhất so với các ngân hàng lớn khác trên thế giới kể từ năm 2013. “QNB dựa rất nhiều vào nguồn tiền ngoại tệ và dễ bị tác động bởi các thị trường GCC và Ai Cập,” Aarthi Chandrasekaran, Phó Chủ tịch cơ quan nghiên cứu tại Shuaa Capital PSC nhận định.
Các ngân hàng lớn nhất của UAE là First Abu Dhabi Bank và Emirates NBD có thể sẽ phải “chứng kiến sự chững lại trong các hoạt động kinh doanh với Qatar”, Mena Corp nhận định. “Ảnh hưởng có thể nhận thấy ở các khoản tiền gửi và tiền cho vay, bởi các khách hàng ở Qatar có khả năng rút tiền mặt để tránh các hệ quả bất ngờ nếu chính phủ quyết định đóng băng tài khoản…”
Năng lượng
Ai có thể thắng?
Sanyalak Manibhandu, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của NBAD Securities LLC dự đoán tập đoàn năng lượng Qatar Electricity & Water có thể sẽ là cái tên được các nhà đầu tư tin tưởng có độ an toàn cao hơn so với số đông còn lại.
Phút lặng Qatar (ảnh: Washington Post) |
Khủng hoảng ngoại giao có thể giúp các nhà xuất khẩu khí gas tự nhiên của Mỹ có được vị thế lớn hơn trên thị trường toàn cầu. Các tanker chở khí gas hóa lỏng (LNG) từ Qatar đã phải chuyển hướng di chuyển. Không giống như nhiều nhà vận chuyển LNG khác, các nhà cung cấp của Mỹ không bị hạn chế bởi các hợp đồng đến một số địa điểm cụ thể - điều này khiến các nhà xuất khẩu Mỹ có được nguồn khí gas linh hoạt hơn. Sau khi khủng hoảng leo thang tại Vùng Vịnh, các nhà vận chuyển Mỹ có thể nhận được nhiều đơn hàng hơn.
Ai có thể thua?
Dolphin Energy, tập đoàn năng lượng đến từ Abu Dhabi hiện đang chịu trách nhiệm cung cấp cho UAE và Oman khoảng 56 triệu mét khối khí gas tự nhiên mỗi ngày, dọc theo hệ thống đường ống ngầm dưới biển dài 364 km. Hiện hoạt động này vẫn được duy trì bất chấp các căng thẳng ngoại giao. Tuy nhiên, theo Robin Mills, người đứng đầu công ty tư vấn năng lượng Qamar Energy, nếu hệ thống đường ống trên bị đóng lại, UAE sẽ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng do nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng mạnh trong mùa hè.
Thực phẩm
Ai có thể thắng?
Qatar đang thương lượng với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia khác để đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm và nước sạch. “Những ảnh hưởng đến ngành công nghiệp thực phẩm tùy thuộc vào loại thực phẩm mà họ [Qatar] sẽ nhận được”, Toygun Onaran, phụ trách bộ phận nghiên cứu của Oyak Securities tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) nhận định. “[Các công ty thực phẩm] Banvit, Pinar Et Un và Pinar Sut sẽ bị tác động nếu sản phẩm nhận được là sữa, đồ gia cầm hoặc thịt.”
Ai có thể thua?
Tập đoàn sản xuất đường tinh luyện lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà máy sản xuất đường tinh luyện duy nhất của UAE được đặt tại Dubai. Một báo cáo của ADM Investor Services International cho biết, Arab Saudi và UAE hiện đã dừng xuất khẩu đường trắng đến Qatar. Tuy nhiên, theo Yves El Mallat, CEO công ty Arabian Sugar Co. của Bahrain, Ấn Độ và nước châu Âu sẽ nhanh chóng “lấp đầy” lượng đường trắng mà Qatar cần.
“Ông lớn” các sản phẩm sữa Almarai Co., mặc dù đóng đô tại Riyadh (Arab Saudi) nhưng có hơn ¼ lợi nhuận đến từ các quốc gia láng giềng, bao gồm cả Qatar. Giá cổ phiếu của tập đoàn này cũng đã giảm mức kỷ lục trong 8 tháng, kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.
Giao thông
Ai có thể thắng?
Gulf Air và Singapore Airlines Ltd., hai hãng hàng không cạnh tranh với Qatar Airways sẽ “hưởng lợi”. “Nếu tính cả các tác động tiêu cực tới thương hiệu của tất cả các hãng hàng không trong GCC, bên có lợi ích thực sự sẽ là Singapore Airlines, Lufthansa và các hãng hàng không khác trên các tuyến bay quan trọng như Malaysia Airlines, Philippines Airlines, Thai và Sri Lanka,” Diogenis Papiomytis, một giám đốc của Frost & Sullivan cho biết.
Theo nhà phân tích của Drewry Shipping Consultants Holdings Ltd. Neil Davidson, các cảng biển của Oman và Iran cũng sẽ gặp nhiều thuận lợi. Hiện nay, hầu hết các container thương mại đến Qatar đều đi qua UAE và Arab Saudi. Trong khủng hoảng, các tàu feeder có thể lựa chọn các cảng trung chuyển tại những quốc gia không tham gia chiến dịch tẩy chay Qatar. Các cảng của Kuwait cũng có thể là một sự thay thế, tuy nhiên, nó sẽ khiến quãng đường di chuyển lớn hơn.
Ai có thể thua?
Hãng hàng không thuộc sở hữu Nhà nước Qatar Airways được đánh giá sẽ chịu tác động nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng. Mỗi ngày có hơn 50 chuyến bay của hãng này đến bốn quốc gia Arab. Khoảng 30% lợi nhuận của Qatar Airways sẽ bị ảnh hưởng, theo một đánh giá của Frost & Sullivan.
Trong ngắn hạn, hai hãng hàng không quốc gia của UAE là Etihad Airways và Emirates có thể thu lợi ích từ việc “thay thế” Qatar Airways. Nhưng về lâu dài, lợi ích này sẽ bị che lấp bởi những tác động tiêu cực. Các nước Vùng Vịnh sẽ phải hứng chịu sự sụt giảm trong nhu cầu đi lại của giới kinh doanh. Qatar Airways gần như chắc chắn sẽ tăng cường khuyến mại để đảm bảo nguồn tài chính ổn định, và điều này sẽ ảnh hưởng đến giá vé chung trong khu vực.
Xây dựng và bất động sản
Ai có thể thua?
Nhà thầu Dubai Drake & Scull International có một loạt dự án, trị giá lên tới 500 triệu dirham (khoảng 136 triệu USD) tại Qatar. Công ty này cũng sở hữu hợp đồng 343 triệu dirham xây dựng giai đoạn 1 của tuyến tàu điện ngầm Doha, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Tập đoàn Arabtec Holding của UAE cũng đang có hai dự án liên doanh tại Qatar. “Rất khó có thể định lượng được tác động trực tiếp lên những công ty này, tuy nhiên, đó sẽ không phải là những tác động tích cực trong ngắn hạn,” Majd Dola, chuyên viên phân tích cấp cao của Al Ramz Capital nhận định.
Truyền thông và giải trí
Ai có thể thắng?
Năm ngoái, chỉ 6,6% lợi nhuận của tập đoàn viễn thông do Qatar sở hữu Ooredoo, đến từ các nước Vùng Vịnh. Cổ phiếu Ooredoo giảm 6,1% vào cuối tuần trước, tuy nhiên, Arqaam Capital đánh giá, sẽ không có sự thay đổi đáng kể nào xảy ra trong tương lai gần.
(Theo Bloomberg)