• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Không tưởng” hệ quả khủng hoảng Qatar tới “chảo lửa” Syria

Thế giới 11/06/2017 21:49

(Tổ Quốc) - Những diễn biến mới nhất trên chính trường Syria có thật sự bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar?

Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga cho biết cuộc xung đột Syria hầu như đã ngừng lại. Nhà phân tích chính trị Karine Gevorgyan cho rằng, điều này có thể mở đường cho quá trình hòa bình thực sự tại quốc gia Trung Đông.

Xung đột Syria thực sự đã ngừng lại?

Theo người đứng đầu Cục tác chiến chính thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, cuộc xung đột tại Syria gần như đã dừng lại.

“Tình huống đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn sau khi bản ghi nhớ thành lập các vùng giảm leo thang tại Syria được ký kết vào ngày 04/5/2017 tại Astana. Thực tế là cuộc xung đột tại Syria đã ngừng lại,” Tướng Sergei Rudskoy phát biểu hôm thứ Sáu (09/6).

Theo ông, người dân Syria đang bắt đầu trở về các thành phố và thị trấn đã được giải phóng.

“Cứu trợ nhân đạo đến các khu vực có cư dân sinh sống trong các vùng giảm leo thang đã được khôi phục. Chỉ trong tháng vừa qua, các tổ chức quốc tế đã gửi 14 phái đoàn viện trợ đến những khu vực này, và đã giúp cải thiện đáng kể cuộc sống của dân cư nơi đây,” Tướng Rudskov cho biết thêm.

Tại phía bắc Damascus, có khoảng 2.600 tay súng trước đây, giờ đã trở lại cuộc sống hoà bình nhờ tác động của luật ân xá. Một chiến dịch sơ tán các binh lính ra khỏi Homs cũng đã được hoàn tất. Trong hai tháng, gần 20.000 người đã rời khỏi thành phố này, trong đó số lượng binh lính vào khoảng 7.000 người.

Cuộc chiến Syria đang ngừng do tác động của khủng hoảng ngoại giao Qatar? (ảnh: Sputnik)

 

Tác động không ngờ từ khủng hoảng Qatar?

Nhà phân tích chính trị và chuyên gia về Trung Đông Karine Gevorgyan cho rằng, nếu không có những hành động khiêu khích của các nhóm khủng bố, quá trình tiến tới hoà bình thực sự cho Syria có thể được bắt đầu.

“Xem xét tình hình phức tạp hiện nay tại Trung Đông, khả năng gây hấn hoàn toàn có thể xảy ra và chiến sự có thể trở lại. Các nhóm chống Damascus do Arab Saudi và Qatar hỗ trợ hiện đã ngừng các hoạt động chống lại quân đội chính phủ. Nhưng tôi không thể bỏ qua nguyên nhân rằng đây có thể là hệ quả của cuộc khủng hoảng ngoại giao Saudi – Qatar,”  Gevorgyan nhận định trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Sputnik.

Tuy nhiên, chuyên gia người Nga tỏ ra khá lạc quan trước tuyên bố của Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, và tin tưởng, sự ổn định cho Syria hoàn toàn có thể xảy ra.

“Tuyên bố này rất nghiêm túc. Trong thực tế, nó có ý nghĩa là quá trình tiến tới hoà bình có thể bắt đầu tại Syria,” bà khẳng định.

Gevorgyan cũng đánh giá cao những nỗ lực của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến bản ghi nhớ thành lập vùng giảm leo thang; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của nhóm giám sát lệnh ngừng bắn: “Những nỗ lực của quân đội Nga và các nhà thương lượng cuối cùng đã có kết quả trong thực tế; đó là nhiều nhóm [vũ trang] nhỏ đã hạ vũ khí và tham gia lệnh ngừng bắn. Đây là một thành tựu vô cùng to lớn.”

Sẽ có gì trong vòng đàm phán thứ năm tại Astana?

Kể từ tháng Một đến tháng Năm năm nay, đã có bốn vòng đàm phán về hoà bình Syria được tổ chức tại Astana. Những kết quả chính bao gồm thiết lập một nhóm liên minh giám sát lệnh ngừng bắn, và ký kết một ghi nhớ về các vùng giảm leo thang giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. 

Bốn vùng giảm leo thang bao gồm phía tây bắc tỉnh Idlib và một số phần của tỉnh Latakia, Hama và Aleppo, phía đông bắc của tỉnh miền trung Homs, phía đông của Ghouta, một số phần của hai tỉnh miền nam Deraa và Quneitra. Biên bản ghi nhớ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 06/5.

Thỏa thuận giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã giúp khôi phục lại tình trạng tạm dừng các cuộc không kích và đánh nhau giữa quân đội Syria và các nhóm vũ trang đã – hoặc sẽ tham gia lệnh ngừng bắn.

Theo Tướng Sergei Surovikin, Chỉ huy trưởng các lực lượng quân đội Nga tại Syria, vòng đàm phán thứ năm tại Astana về tình hình Syria sẽ diễn ra việc ký kết một số văn kiện, trong đó đề cập đến vấn đề thiết lập biên giới của các vùng giảm leo thang, và sự giám sát lệnh ngừng bắn tại những vùng này.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar bắt đầu vào ngày 05/6 khi Bahrain, Arab Saudi, Ai Cập và UAE đã đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Các quốc gia này cáo buộc Doha hỗ trợ cho các nhóm khủng bố, đặc biệt là phong trào Anh em Hồi giáo , cũng như can thiệp vào nội bộ các quốc gia khác. Libya sau đó cũng đưa ra quyết định tương tự. Yemen dừng quan hệ ngoại giao với Qatar vì cho rằng nước này có các mối liên hệ với lực lượng Houthis.

Maldives, Mauritius, Jordan và Comoros lần lượt tham gia chiến dịch “tẩy chay” Qatar những ngày tiếp sau đó.

(Theo Sputnik)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ