• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những tin tức kinh tế gây chú ý trong tuần

Kinh tế 20/10/2018 15:35

(Tổ Quốc) - Nợ khó đòi của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vượt 14 ngàn tỷ trong 2017; Bị khởi kiện, Bầu Đức đã quá mệt mỏi vẫn phải hầu tòa… là những tin tức kinh tế đáng chú ý trong tuần qua.

Bầu Đức quá mệt mỏi vẫn phải hầu tòa

Những tin tức kinh tế gây chú ý trong tuần - Ảnh 1.

Ông Đoàn Nguyên Đức (Nguôn: Nhadautu.vn)

Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa có công văn giải trình lên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) về vụ việc Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư FPT (FPT Capital) khởi kiện ông Đoàn Nguyên Đức và công ty.

Cụ thể, HAGL cho biết ngày 19/12/2011, FPT Capital và Công ty cao su Hoàng Anh Gia Lai nay chuyển đổi thành Công ty Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) đã ký hợp đồng góp vốn cổ phần với tổng giá trị 76,5 tỉ đồng. FPT Capital mua vào 1,5 triệu cổ phiếu với mức giá 51.000 đồng/cổ phiếu. Đến tháng 6/2015, HNG phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, qua đó lượng cổ phiếu của FPT Capital tăng lên hơn 2,2 triệu cổ phiếu.

Ngày 3/9/2015, FPT Capital có gửi thông báo đề nghị công ty và ông Đoàn Nguyên Đức mua lại toàn bộ số cổ phiếu này với tổng giá trị gần 113 tỉ đồng. Đây cũng là quy định trong hợp đồng trước đó rằng, trong vòng 6 tháng kể từ ngày HNG niêm yết, thì HNG cam kết mua lại lượng cổ phiếu này, với giá mua bằng tổng giá trị vốn FPT Capital đã góp cộng với IRR là 10%.

Tuy nhiên, HAGL cho rằng giá trị cổ phiếu HNG mà FPT Capital yêu cầu mua lại theo cách tính toán của FPT Capital là chưa hợp lý, trong khi hợp đồng đang có một số vấn đề pháp lý chưa phù hợp với quy định của pháp luật nên công ty chưa chấp nhận.

Do 2 bên chưa tìm được tiếng nói chung nên FPT Capital khởi kiện ra tòa án. Vụ việc đang được tòa án xem xét giải quyết chưa có phán quyết cuối cùng.

Nợ khó đòi của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vượt 14 ngàn tỷ

Theo báo cáo vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2017, có 526 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp nhà nước).

Tổng tài sản của khối này là 3.015.478 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2016. Vốn chủ sở hữu là 1.371.561 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2016.

Tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước đạt 1.605.050 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2016.

Lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 167.579 tỷ đồng, tăng 26% so với năm trước..

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp/vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) bình quân chung của các doanh nghiệp nhà nước năm 2017 là 10,2% (năm 2016 là 7,6%). Tỷ suất lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp/tổng tài sản (ROA) bình quân chung năm 2017 là 7,4% (năm 2016 là 5,7%).

Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước là 219.469 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện 2016.

Theo kết quả tổng hợp nêu trên thì các chỉ tiêu về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 của các doanh nghiệp nhà nước đều có xu hướng tăng lên so với năm 2016.

Phần báo cáo riêng về 83 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con cho thấy tổng tài sản của khối này tăng 2%, lên 2.776.384 tỷ đồng.

Báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty có tổng các khoản phải thu là 409.074 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện năm 2016. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 14.114 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2016, chiếm 3,8% tổng số nợ phải thu. Các tập đoàn, tổng công ty có tổng số nợ phải trả là 1.530.667 tỷ đồng, tăng 1,3% so với thực hiện năm 2016, chiếm 56,5% tổng nguồn vốn.

Về cơ bản, theo báo cáo của các tập đoàn, tổng công ty thì phần lớn các công ty mẹ đều bảo toàn được vốn chủ sở hữu (trừ một số doanh nghiệp có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh bị lỗ)

Grab tiếp tục đề nghị hoãn phiên tòa


Những tin tức kinh tế gây chú ý trong tuần - Ảnh 3.

(Nguồn: VTV.vn)

Ngày 19/10, tòa kinh tế - TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun và bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam.

Tại phiên tòa Vinasun dẫn ra kết quả khảo sát của một đơn vị truyền thông, cho biết có đến hơn 90% người dân xem Grab là taxi. Nguyên đơn cũng chỉ ra báo cáo 4 năm (2014-2017) của Grab cho thấy doanh nghiệp này báo lỗ 1.726 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ 20 tỷ. Từ đó, nguyên đơn đề nghị Grab giải thích lý do tại sao báo lỗ nhưng vẫn hoạt động.

Không nhận là taxi, đại diện Garb khẳng định là công ty công nghệ, cung cấp ứng dụng kết nối người dùng và đối tác vận tải. Đối với việc quản lý lái xe, khách hàng, giá cước, hóa đơn... Grab cho biết cùng hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hợp tác xã để quản lý.

Grab cũng từ chối trả lời về số tiền hoạt động vì cho rằng vượt quá phạm vi vụ kiện và đây là "bí mật kinh doanh".

Tiếp tục cho rằng Grab là nguyên nhân gây thiệt hại cho Vinasun, phía nguyên đơn cho biết, doanh thu của công ty tăng trưởng tốt khi Grab chưa xuất hiện tại Việt Nam. Đến năm 2015-2016, Grab tác động thị trường ở TPHCM nên công ty bị thiệt hại dù vẫn nỗ lực đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Ngoài ra, nguyên đơn còn cho rằng, việc tăng số lượng xe đột ngột của Grab đã gây ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Grab có 170.000 lái xe nhưng lại không ký hợp đồng, không đóng bảo hiểm xã hội cho họ cũng như các tài xế không được hưởng các quyền lợi khác...

Đại diện Grab giữ nguyên quan điểm "tòa án không có thẩm quyền" giải quyết vụ kiện này, đề nghị HĐXX dừng phiên xử để triệu tập Công ty Cửu Long nhằm làm rõ các vấn đề liên quan đến kết quả giám định thiệt hại của Vinasun.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ