(Tổ Quốc) - Từ ngày 9-11/7, các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhóm họp tại thủ đô Washington D.C (Mỹ), đánh dấu 75 năm thành lập liên minh quân sự lâu đời nhất thế giới này.
Theo hãng CNN, năm 2024 đánh dấu 75 năm thành lập NATO, liên minh quân sự gồm 32 thành viên do Mỹ dẫn dắt. Liên minh này tiếp tục mở rộng, gần đây nhất là sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển.
Đây cũng là lần thứ ba liên tiếp, không chỉ có lãnh đạo của các nước thành viên NATO mà còn có các quốc gia đối tác cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh.
Vấn đề Ukraine tại thượng đỉnh NATO
Ngày 10/7, các nhà lãnh đạo NATO đã khẳng định "tương lai của Ukraine là ở NATO" và đây là con đường "không thể đảo ngược" với cam kết hỗ trợ lâu dài cho Kiev.
Các nhà lãnh đạo không đưa ra mốc thời gian cụ thể khi nào Ukraine sẽ gia nhập liên minh. Thay vào đó, NATO cho biết họ "có thể đưa ra lời mời với Ukraine để gia nhập Liên minh khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng".
"Chúng tôi hoan nghênh những tiến bộ cụ thể mà Ukraine đã đạt được kể từ Hội nghị thượng đỉnh Vilnius về những cải cách dân chủ, kinh tế và an ninh cần thiết", Tuyên bố chung sau Hội nghị cho biết ngày 10/7.
Mở rộng quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương
Vai trò của NATO từ lâu được hiểu là gắn với an ninh khu vực châu Âu. Tuy nhiên, bối cảnh địa chính trị toàn cầu thay đổi nhanh chóng sẽ đòi hỏi NATO mở rộng tầm nhìn chiến lược ra ngoài khu vực Bắc Đại Tây Dương truyền thống.
Tại thượng đỉnh năm nay, NATO mời lãnh đạo 4 nước Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc tham gia. Điều này cho thấy NATO đang tăng cường liên kết với các đồng minh và đối tác Thái Bình Dương trong cuộc cạnh tranh chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Tuyên bố chung cũng công nhận khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là đối tác "quan trọng đối với NATO".
"Chúng tôi hoan nghênh sự đóng góp liên tục của các đối tác châu Á-Thái Bình Dương cho an ninh châu Âu-Đại Tây Dương. Chúng tôi đang tăng cường đối thoại để giải quyết các thách thức xuyên khu vực và tăng cường hợp tác thực tế thông qua các dự án hàng đầu trong các lĩnh vực hỗ trợ Ukraine, phòng thủ mạng, chống lại thông tin sai lệch và công nghệ", tuyên bố chung nêu rõ.
Ông Michael Carpenter, Giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề châu Âu tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng khẳng định các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của NATO là "cực kỳ quan trọng".
"Chắc chắn chúng ta có nhiều đối tác hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có giá trị lớn đối với liên minh NATO. Và chúng tôi sẽ tìm cách thu hút sự tham gia của các đối tác và sự kiện khác trong tương lai", ông Michael Carpenter nói.
Trang SWI dẫn tin Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles đều tham dự thượng định NATO năm nay. Đây là hội nghị thượng đỉnh NATO thứ ba liên tiếp dành cho các quốc gia, được gọi là Bộ tứ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IP-4).
"Chúng ta sẽ có sự hiện diện của các nhà lãnh đạo từ những đối tác châu Á - Thái Bình Dương là Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh này. Điều này cho thấy vấn đề an ninh của chúng ta không chỉ trong khu vực mà là vấn đề toàn cầu", ông Jens Stoltenberg - Tổng Thư ký NATO nhận định.
NATO công bố trung tâm phòng thủ không gian mạng mới
Các thành viên NATO hôm 10/7 đã đồng ý thành lập trung tâm phòng thủ an ninh mạng mới để tăng cường cảnh báo các mối đe dọa tấn công chống lại liên minh.
"Nhiệm vụ của Trung tâm phòng thủ an ninh mạng mới sẽ chia sẻ thông tin tình báo về các mối đe dọa tới cơ sở hạ tầng tư nhân cần thiết để hỗ trợ các hoạt động quân sự", liên minh cho biết trong một tuyên bố. Trung tâm sẽ được đặt tại trụ sở quân sự của NATO ở Bỉ.
Mạng máy tính của NATO là mục tiêu thường xuyên của các điệp viên cũng như tội phạm tin tặc.
"Trong những ngày gần đây, các chuyên gia mạng của chúng tôi đã phát hiện sự gia tăng đáng kể các hoạt động cố ý tấn công mạng. Những sự kiện tương tự đã xảy ra trong Hội nghị thượng đỉnh năm ngoái nên điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Các mạng lưới mật của NATO vẫn luôn hoạt động", một quan chức NATO lưu ý./.