• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị bị thi hành kỷ luật thời gian qua?

Thời sự 26/06/2018 10:14

(Tổ Quốc) -Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng cho hay, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Trong đó có 9 cán bộ là Ủy viên Trung ương, nguyên là Ủy viên Trung ương, khai trừ đảng 1 Ủy viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị.

Từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và hơn 58.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 2.720 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức, chuyển công tác và đã nghỉ hưu.

Báo điện tử Tổ Quốc điểm lại những vụ việc nổi cộm.

Trịnh Xuân Thanh: từ chiếc xe Lexus biển xanh

Năm 2016, bắt đầu từ dòng thông tin: chiếc Lexus 570 mang biển xanh chạy trên đường Hậu Giang, dư luận đã đặt dấu hỏi về việc, tại sao một quan chức cấp phó Chủ tịch UBND tỉnh như Trịnh Xuân Thanh lại được trang bị chiếc xe có giá trị tới 5 tỷ đồng và là xe công vụ?

Từ thông tin đó, không ai nghĩ rằng, sau đó, các cơ quan chức năng đã phanh phui ra cả một vụ án kinh tế nghiêm trọng diễn ra trong nhiều năm liền trước đó, khi Trịnh Xuân Thanh còn là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

 Trịnh Xuân Thanh bị dẫn giải tại phiên tòa. Ảnh: Thái Linh

Trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVC, mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế.

Nhiều dấu hiệu vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh khi còn là Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (nhiệm kỳ 2011-2016) đã được đưa ra ánh sáng. Với sai phạm này, ông Trịnh Xuân Thanh đã bị khai trừ Đảng, trốn khỏi Việt Nam và về đầu thú.

Mới đây, Trịnh Xuân Thanh bị tòa tuyên 2 án tù chung thân trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC; vụ Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).

Liên quan tới Trịnh Xuân Thanh việc bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng cán bộ của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ, ông Vũ Huy Hoàng - nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã bị cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011 - 2016; xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương. Mới đây, báo chí còn đưa ra thông tin, trong 4 năm (từ 2012 đến 2016), chỉ riêng Bộ Công Thương trong giai đoạn này đã cử hơn 7.500 đoàn với khoảng 24.800 lượt cán bộ xuất ngoại. Trong đó, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, chỉ trong một năm (năm 2015) đi nước ngoài 163 ngày.

Cùng trong bộ này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã thông báo kết luận bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp; kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ... Bà Hồ Thị Kim Thoa đã bị cảnh cáo và miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng.

Quan chức cấp Bộ, ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bị cảnh cáo; 2 nguyên Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến và Nguyễn Thái Lai bị cách chức Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2011-2016 do liên quan tới Công ty TNHH Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.

PVN: ông Đinh La Thăng và nhiều lãnh đạo ngành dầu khí đối mặt với nhiều bản án

Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009 - 2015 đã bị kỷ luật khi buông lỏng quản lý, để mất hàng trăm tỉ đồng tiền vốn cùng nhiều khoản đầu tư khó thu hồi khác. Với tư cách là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV PVN giai đoạn 2009 - 2011, ông Đinh La Thăng chịu mức kỷ luật cảnh cáo, cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII.

Tới thời điểm này, ông Đinh La Thăng đã bị tuyên án 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVN và PVC liên quan đến dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình.

Trong một vụ án khác: PVN mất 800 tỉ đồng đầu tư vào Oceanbank, ông Đinh La Thăng đã bị tòa sơ thẩm tuyên án 18 năm tù, buộc bồi thường 600 tỉ đồng.

Liên quan tới PVN và PVC, không chỉ Trịnh Xuân Thanh bị tuyên án, các nhân sự cấp cao của PVN như ông Phùng Đình Thực cũng đã bị cách chức Bí thư Đảng ủy PVN nhiệm kỳ 2010-2015; bị tòa phúc thẩm tuyên án 6 năm tù. Ông Đỗ Văn Hậu bị cách chức Phó bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN…

Một loạt quan chức cấp cao về hưu hay đương chức ở địa phương cũng bị kỷ luật, mất chức

Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2017 đã quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020; và cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.

Ông Huỳnh Đức Thơ - Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020, chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo…

Đầu năm 2018, Ban Bí thư đã xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, về việc đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016).

Với cương vị người đứng đầu, ông Thanh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2010-2015) và Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.

Ông Thanh cũng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm con trai là ông Lê Phước Hoài Bảo giữ các chức vụ (Trưởng phòng của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Phó Giám đốc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục; để UBND tỉnh quyết định cử ông Lê Phước Hoài Bảo đi học Thạc sỹ tại nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước không đúng quy định.

Ông Lê Phước Thanh sau đó bị xử lý bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2010-2015). Con trai ông cũng đã bị đình chỉ công tác, xóa tên Đảng.

Ngoài ra, ở các địa phương khác, một loạt sai phạm cũng đã được các cơ quan Trung ương chỉ ra: bà Phan Thị Mỹ Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai bị cảnh cáo; ông Nguyễn Văn Thiện - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định; ông Phạm Thế Dũng-  nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng bị kỷ luật cảnh cáo…

Trong số các quan chức giữ “ghế nóng” ở các địa phương, không thể không nhắc tới ông Võ Kim Cự đã bị cách chức Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005-2010 và nhiệm kỳ 2010-2015 do liên quan tới thảm họa môi trường Formosa./.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ