(Tổ Quốc) - Theo Bloomberg, những ảnh hưởng từ diễn biến mới nhất trong quan hệ giữa Mỹ và Đức đã bắt đầu tác động tới Moscow.
Quyết định của Tổng thống Donald Trump rút hơn ¼ quân lính Mỹ tại Đức về nước, đã đẩy Thủ tướng Angela Merkel vào thế khó khăn trong bối cảnh bà đang đối mặt những lời kêu gọi cần có thái độ cứng rắn hơn trước Nga. Tuy nhiên, động thái của Washington lại nhận được sự hoan nghênh từ Moscow.
"Nó như một cú đánh vào mặt bà Merkel", ông Vladimir Frolov, một cựu nhân viên ngoại giao Nga và hiện đang là nhà phân tích chính trị nói. "Nhưng nó lại có lợi cho chúng tôi".
Hôm thứ 4 (10/6), văn phòng của bà Merkel cho hay, họ nhận được thông tin là đề xuất của ông Trump đang được cân nhắc. Một nhân viên báo chí Nhà Trắng liên tục từ chối bình luận về vụ việc. Mặc dù vậy, theo truyền thông, đây được coi là một dấu hiệu khác cho thấy mối quan hệ xuyên đại tây dương tiếp tục nguội lạnh và sự thay đổi trong ưu tiên của Washington. Nó cũng là minh chứng mới nhất về khả năng của ông Trump khiến các giới lãnh đạo châu Âu "rối ren" bằng những quyết sách ngoài dự đoán.
Hồi đầu năm, khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Italy, Tổng thống Mỹ đã cấm các chuyến bay từ EU mà không thông báo trước với các nhà lãnh đạo châu Âu. Trong quá khứ, ông từng nhiều lần bày tỏ sự nghi ngờ đối với các giá trị tồn tại của NATO.
Một nguồn tin tiết lộ với Bloomberg, cựu Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell từng đôi lần bày tỏ mong muốn Mỹ thu hẹp quy mô hiện diện quân đội tại Đức và có thể chuyển một phần lực lượng sang Ba Lan hoặc thậm chí là trực tiếp cắt giảm. Tuy nhiên, chính báo chí lại mới là bên đầu tiên đưa ra thông tin rằng kế hoạch đã được chính thức hóa.
Hôm thứ 2 (8/6), nghị sĩ Peter Beyer thuộc đảng CDU của bà Merkel nhận xét, ông vẫn không rõ liệu các thông tin có phải là "chiêu thử nghiệm chính sách" hay một mánh khóe cho chiến dịch tranh cử của ông Trump hay không. Nếu tổng thống Mỹ quyết tâm đi tới cùng, điều đó sẽ "làm yếu đi liên minh xuyên đại tây dương", ông Beyer nói. "Nó sẽ không đem lại lợi ích cho NATO và các thành viên, bao gồm cả Mỹ - mà chỉ làm lợi cho Trung Quốc và Nga".
Việc 9.500 binh lính Mỹ rời đi sẽ tạo ra một môi trường địa chính trị không có lợi cho bà Merkel. Ông Trump đang hy vọng tổ chức được một cuộc gặp mặt trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 9 sắp tới; đồng thời gây sức ép để Berlin thực thi một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc – hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Đức. Nga bị loại khỏi nhóm G7 vào năm 2014 sau khi sáp nhập Crimea từ Ukraine.
Trong khi đó, theo ông Frolov, Tổng thống Putin không coi trọng những động thái từ bà Merkel do bà đã tuyên bố không tái tranh cử kỳ sau.
Những nỗ lực từ Thủ tướng Merkel
Bà Merkel từng có không ít nỗ lực để duy trì quan hệ với Điện Kremlin kể từ khi Nga bị EU trừng phạt. Đáng kể nhất trong những cố gắng này là dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2 kết nối Nga, Đức bất chấp sự phản đối từ Washington. Liệu dự án trị giá 15 tỷ USD có hoàn thành hay không hiện vẫn còn là một dấu hỏi, nhất là với những đe dọa trừng phạt của Mỹ lên các công ty tham gia. Giới chức Mỹ cũng bày tỏ sự bất mãn vì hầu như không nhận được sự hỗ trợ gì từ chính quyền Putin.
Giờ đây bà Merkel đang phải đối mặt với những áp lực trong nước vì một loạt lý do, bao gồm cáo buộc cơ quan tình báo quân sự Nga tham gia vào một cuộc tấn công mạng vào Quốc hội Đức năm 2015 và những căng thẳng mới trong đàm phán với Ukraine.
Trong một bài phát biểu về chính sách đối ngoại tháng trước, Thủ tướng Đức nhấn mạnh về sự tuột dốc trong quan hệ giữa Berlin và Moscow.
Nga "ủng hộ cho các chính quyền bù nhìn ở miền đông Ukraine và tấn công các nền dân chủ phương tây, như Đức với các nguồn lực kết hợp", bà Merkel tuyên bố.
Ngày 22/6 tới đây, Nga và Mỹ sẽ bắt đầu quá trình đàm phán để gia hạn hiệp ước START Mới. Chính quyền Trump muốn Nga đồng ý để Trung Quốc tham gia vào quá trình thương lượng nhưng Moscow kiên quyết phản đối.
Vụ việc một người đàn ông bị ám sát hôm 23/8, ngay giữa ban ngày tại công viên Kleiner Tiergarten – cách văn phòng của bà Merkel không xa, đã làm dấy lên một màn đấu khẩu căng thẳng giữa Berlin và Moscow. Sau khi tiến hành điều tra hồi tháng 12, Công tố viên liên bang Đức tiết lộ có những chứng cứ cho thấy chính phủ Nga có liên quan tới vụ tấn công.
Trong khi chờ đợi kết quả điều tra chính thức, Bộ Ngoại giao Đức nói, họ "đang chuẩn bị cho các biện pháp tiếp theo" chống lại Moscow.
Các cuộc thảo luận xung quanh làm giảm chiến sự tại đông Ukraine vẫn chưa đi tới đâu. Các quan chức Đức phàn nàn rằng, Nga muốn coi mình là bên hòa giải chứ không phải là lực lượng trực tiếp tham gia cuộc xung đột. Tuy nhiên, lập trường này sẽ phá hủy tiến trình Minsk vốn đã đề ra một khung làm việc cho quá trình đàm phán.
Cuối năm ngoái trong một hội nghị tại Paris, Thủ tướng Merkel đã đề cập tới vụ ám sát ở Tiergarten và yêu cầu Điện Kremlin cung cấp thêm thông tin. Đáp lại, Tổng thống Putin cho biết, nạn nhân có rất nhiều bí danh và được cho là đã chiến đấu chống lại quân đội Nga ở Chechnya. Đó là một "tay súng và là một người đàn ông rất cứng rắn và khát máu", ông Putin nói. Theo giới chức Đức, sự hỗ trợ từ Nga cho tới giờ vẫn chưa xuất hiện.