(Tổ Quốc) - Là 1 trong 3 đề cử Việc làm Vì tình yêu Hà Nội của Giải thưởng Bùi Xuân Phái, những nỗ lực của báo chí, các nhà khoa học và người dân Hà Nội trong việc đề nghị giữ lại tên "Bưu điện Hà Nội" thực sự là việc làm của những người yêu Hà Nội.
Cuối tháng 10/2018, Báo điện tử Tổ Quốc là tờ báo đầu tiên có bài phản ánh việc Bưu điện Hà Nội đã bị đổi tên bằng VNPT Hà Nội với title "Bưu điện Hà Nội: Cột mốc số 0 trong lòng người Thủ đô đã bị "khai tử". Sau đó, Báo có loạt bài phản ánh nhiều góc độ về việc thay tên này: từ cái nhìn của các nhà nghiên cứu văn hóa, các cơ quan quản lý văn hóa và người dân Hà Nội. Từ đó, nhiều tờ báo đã cùng lên tiếng, góp phần vào việc phản ánh về một biểu tượng văn hóa của Thủ đô bị thay đổi.
Hình ảnh Bưu điện Hà Nội đã bị thay tên
Từ sự phản ánh mạnh mẽ của dư luận, tháng 11/2018, trong báo cáo gửi lên UBND thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhắc tới đề nghị xem xét đổi lại biển tên "Bưu điện Hà Nội" trên nóc tòa nhà số 75 phố Đinh Tiên Hoàng như trước đây. Như chia sẻ của lãnh đạo Sở, đó là cái tên chưa bao giờ thay đổi, cho dù bản thân công trình nhà Bưu điện này đã được tu sửa và mở rộng nhiều lần trong lịch sử.
Trước báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, rất đông chuyên gia, cũng như những người dân thành phố, đã cùng lên tiếng về vấn đề này. Như quan điểm chung, việc "thay tên" ấy không sai về mặt pháp luật – nhưng lại chưa hợp lý, nếu xét ở góc độ lịch sử và văn hóa của thành phố.
Trên mặt báo cũng như các diễn đàn, những ý kiến ấy tiếp tục kéo dài. Để rồi, tới tháng 12/2018, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị giữ tên "Bưu điện Hà Nội". Như tinh thần của công văn, quyết định đổi tên "Bưu điện Hà Nội" thành "VNPT Hà Nội" đã làm mất đi hình ảnh rất đỗi quen thuộc với người dân thủ đô và cả nước. Do vậy, mong muốn của người dân Thủ đô về việc giữ lại tên Bưu điện Hà Nội là hoàn toàn phù hợp.
Những nỗ lực của lãnh đạo và người dân thành phố Hà Nội đã bước đầu đưa tới một kết quả tích cực – khi qua báo giới, đại diện VNPT cho biết: cơ quan này đang xây dựng một đề án tổng thể để bảo vệ và tôn vinh các giá trị lịch sử của tòa nhà Bưu điện Hà Nội. Theo đó, ngoài việc sửa chữa, trùng tu tháp đồng hồ 4 mặt trên nóc tòa nhà, việc thay thế, trả lại tên "Bưu điện Hà Nội" cũng là một phần hạng mục chỉnh trang....
Chỉ là một cái tên, tại sao người dân thành phố lại quan tâm và... nặng lòng đến vậy?
Tòa nhà đầu tiên của Bưu điện xây lại năm 1892 do kiến trúc sư Charles Lichtenfelder thiết kế. Những năm 1897 - 1906 Kiến trúc sư Auguste Henri Vildieu được giao phụ trách bộ phận thiết kế hàng loạt công trình công cộng hành chính Đông Dương như: Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch), dinh Thống sứ (Bắc Bộ phủ, nay là trụ sở Bộ Lao động Thương binh và xã hội), Bưu điện, Tòa án… Kiến trúc Bưu điện thời kỳ này còn hiện diện chính là tòa nhà có mặt chính trong ra phố Lê Thạch, kiến trúc có sự kết hợp tinh tế giữa kiến trúc Pháp với các phương pháp thích ứng phù hợp với khí hậu trong vùng. Tư liệu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I cho biết: năm 1942, kiến trúc sư Henri Cerutti ký quyết định xây thêm tòa nhà mới nằm ở góc phố Đinh Lễ. Năm 1976, tòa nhà bưu điện mới được xây dựng, là tòa nhà chính của Bưu điện Hà Nội hiện tại. Công trình được xây dựng theo kiểu kiến trúc hiện đại, có 5 tầng, quy mô bề thế, mặt tiền chạy dọc theo bờ hồ Hoàn Kiếm. Kỷ niệm ngày Quốc khánh năm 1978 cũng là ngày chiếc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Hà Nội ngân lên tiếng chuông đầu tiên…
Dấu tích lịch sử được lưu giữ tại Bưu điện Hà Nội
Hơn 40 năm kể từ ngày mở rộng lần cuối, các công trình của Bưu điện Hà Nội được duy tu, bảo dưỡng khá tốt, hầu như giữ nguyên được phong cách kiến trúc thời kỳ xây dựng. Đi bộ trên tuyến phố Đinh Tiên Hoàng chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng các phong cách kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội qua hàng trăm năm lịch sử. Bất chấp sự phát triển của công nghệ, Bưu điện Hà Nội, Bưu điện trung tâm Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) và một số bưu điện trên thế giới như: Bưu điện trung tâm Manila (Philippines), Bưu điện lớn (Algeria), Bưu điện Kolkata (Ấn Độ)… vẫn trường tồn với thời gian như những dấu tích văn hóa - lịch sử không thể xóa nhòa.
Với những người cao tuổi, bốn từ "Bưu điện Hà Nội" gắn với câu chuyện huyền thoại vẫn được kể về chuỗi ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946. Ở thời điểm ấy, nhà Bưu điện chính là nơi diễn ra nhiều trận đánh quan trọng giữa bộ đội và tự vệ Hà Nội với lính Pháp. Chưa hết, chỉ ít năm sau, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nóc nhà Bưu điện Hà Nội cũng là một trong những điểm bố trí súng phòng không để bảo vệ bầu trời thành phố.
Với lớp độc giả độ tuổi trung niên, Bưu điện Hà Nội là nơi lưu dấu nhiều ký ức tuổi trẻ, là chuỗi năm tháng háo hức chờ nhận bưu phẩm, là những dòng thư tay viết vội và những cuộc điện tín đường xa. Và với những gương mặt ở độ tuổi ấy, trong ký ức, bốn chữ "Bưu điện Hà Nội" đã bao hàm đủ thông tin về địa điểm cho một cuộc hẹn hò.
Bưu điện Hà Nội đã trở thành "cột mốc số 0" trong lòng người dân Thủ đô.
Như thế, Bưu điện Hà Nội không đơn giản là một địa danh nữa, mà là kỷ niệm, là ký ức mà người dân muốn lưu giữ lại từ lịch sử của thành phố để trao truyền cho thế hệ mai sau của mình. Và dù có được trao giải Việc làm Vì tình yêu Hà Nội hay không thì nỗ lực tìm lại biểu tượng của Thủ đô "Bưu điện Hà Nội" cũng đã xứng đáng với tên của nó: đó thực sự là việc làm vì tình yêu Hà Nội./.