• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ kiến nghị phải "trả lại tên" cho Bưu điện Hà Nội

Văn hoá 03/11/2018 08:15

(Tổ Quốc) - Sở VHTT Hà Nội sẽ kiến nghị UBND TP Hà Nội xem xét theo chiều hướng đồng thuận với ý kiến nhân dân về việc nên thay tên hiện nay - VNPT Hà Nội bằng tên vốn có của công trình này là Bưu điện Hà Nội. Bởi đây là mong muốn, là nguyện vọng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhân dân đối với các di sản kiến trúc đô thị mang dấu ấn lịch sử của Thủ đô.

Những ngày qua, báo điện tử Tổ Quốc đã đăng tải loạt tin, bài, hình ảnh về việc Bưu điện Hà Nội- công trình không chỉ có ý nghĩa văn hóa mà còn chứa đựng giá trị lịch sử Hà Nội. Nhưng hiện nay, công trình này lại đổi tên thành VNPT Hà Nội. Sở VHTT Hà Nội đã trả lời Báo điện tử Tổ Quốc về vấn đề này.

Theo Sở VHTT Hà Nội, Bưu điện Hà Nội ở 75 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ở phía đông hồ Hoàn Kiếm nên nhân dân thường gọi là Bưu điện Bờ Hồ với điểm nhấn của công trình là tháp đồng hồ có 4 mặt giống nhau, mỗi mặt vuông cạnh rộng 4,5m2. Bưu điện Hà Nội được xây dựng từ thời Pháp thuộc trong những năm 1886-1888 trên đại lộ Francis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng) trên nền đất của chùa Báo Ân, thuộc thôn Cựu Lâu, dấu tích còn lại của chùa Báo Ân là tháp Hòa Phong còn hiện diện ở bờ đông hồ Hoàn Kiếm ngày nay.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ kiến nghị phải trả lại tên cho Bưu điện Hà Nội - Ảnh 1.

Bưu điện Hà Nội- một phần biểu tượng văn hóa Thủ đô

Theo tư liệu nghiên cứu về kiến trúc Thăng Long - Hà Nội, khu trung tâm hành chính chính trị của Thành phố Hà Nội thời Pháp thuộc được quy hoạch ở phần đất phía đông hồ Hoàn Kiếm, trong đó năm công trình kiến trúc kết hợp với vườn hoa tạo thành một tổng thể trung tâm trọn vẹn được thiết kế và xây dựng hoàn toàn theo phong cách quy hoạch và kiến trúc Pháp là: Tòa Đốc lý (nay là Trụ sở UBND Thành phố), Kho bạc (nay là Ngân hàng Công thương), Bưu điện, dinh thống sứ Bắc Kỳ và Ngân hàng Đông Dương.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác thông tin liên lạc, đây là trận địa quan trọng góp phần làm nên thắng lợi của các cuộc kháng chiến. Ngày 17/01/1946, Người đã đến thăm hỏi, động viên cán bộ nhân viên Bưu điện Hà Nội. Năm 1946, nơi đây là một trận địa chống Pháp quyết liệt của các chiến sĩ Thủ đô và công nhân Nhà Bưu điện. Đây là đầu mối thông tin liên lạc giữa Thủ đô với các địa phương trong cả nước, phục vụ Chính phủ và các cơ quan quân sự, an ninh trong cuộc kháng chiến, kiến quốc. Công trình đã được gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến với nội dung: "Ngày 20/12/1946 tại Bưu điện Hà Nội, các chiến sĩ Thủ đô và công nhân bưu điện đã chiến đấu anh dũng, đánh lui nhiều đợt tấn công của giặc Pháp". Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nóc của tòa bưu điện được chọn là một trong số những điểm bố trí hệ thống súng phòng không để bảo vệ bầu trời Thủ đô.

Bưu điện Hà Nội cùng với đồng hồ lớn đã trở thành hình ảnh quen thuộc, một trong những biểu tượng văn hóa của người Hà Nội. Đây không chỉ là một trung tâm bưu chính viễn thông lớn mà còn là một điểm tham quan thu hút nhiều du khách gần xa, cùng với các công trình kiến trúc lịch sử khác quanh Hồ Gươm tạo thành một chỉnh thể không gian văn hóa đi vào tiềm thức của người dân Thủ đô và du khách trong nước và quốc tế.

Trước câu hỏi của Báo điện tử Tổ Quốc, quan điểm của Sở VHTT Hà Nội về việc thay đổi tên Bưu điện Hà Nội - một hình ảnh đã trở thành biểu tượng văn hóa của Thủ đô, xét về yếu tố thẩm mỹ, một phần giá trị của Khu vực Bờ Hồ đã và đang bị phá vỡ. Còn xét về giá trị văn hóa, một phần biểu tượng của Hà Nội đã bị thay đổi.

Sở VHTT khẳng định, mặc dù Bưu điện Hà Nội được tu sửa và xây dựng mở rộng nhiều lần. Nhưng cái tên Bưu điện Hà Nội chưa từng thay đổi.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ kiến nghị phải trả lại tên cho Bưu điện Hà Nội - Ảnh 3.

Bưu điện Hà Nội đã bị đổi tên

Theo "Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long": Tòa nhà đầu tiên của Bưu điện xây lại năm 1892 do kiến trúc sư Charles Lichtenfelder thiết kế. Những năm 1897 - 1906 Kiến trúc sư Auguste Henri Vildieu được giao phụ trách bộ phận thiết kế hàng loạt công trình công cộng hành chính Đông Dương như: Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch), dinh Thống sứ (Bắc Bộ phủ, nay là trụ sở Bộ Lao động Thương binh và xã hội), Bưu điện, Tòa án… Kiến trúc Bưu điện thời kỳ này còn hiện diện chính là tòa nhà có mặt chính trong ra phố Lê Thạch, kiến trúc có sự kết hợp tinh tế giữa kiến trúc Pháp với các phương pháp thích ứng phù hợp với khí hậu trong vùng. Tư liệu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I cho biết: năm 1942, kiến trúc sư Henri Cerutti ký quyết định xây thêm tòa nhà mới nằm ở góc phố Đinh Lễ. Năm 1976, tòa nhà bưu điện mới được xây dựng, là tòa nhà chính của Bưu điện Hà Nội hiện tại. Công trình được xây dựng theo kiểu kiến trúc hiện đại, có 5 tầng, quy mô bề thế, mặt tiền chạy dọc theo bờ hồ Hoàn Kiếm. Kỷ niệm ngày Quốc khánh năm 1978 cũng là ngày chiếc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Hà Nội ngân lên tiếng chuông đầu tiên…

Hơn 40 năm kể từ ngày mở rộng lần cuối, các công trình của Bưu điện Hà Nội được duy tu, bảo dưỡng khá tốt, hầu như giữ nguyên được phong cách kiến trúc thời kỳ xây dựng. Đi bộ trên tuyến phố Đinh Tiên Hoàng chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng các phong cách kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội qua hàng trăm năm lịch sử. Bất chấp sự phát triển của công nghệ, Bưu điện Hà Nội, Bưu điện trung tâm Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) và một số bưu điện trên thế giới như: Bưu điện trung tâm Manila (Philippines), Bưu điện lớn (Algeria), Bưu điện Kolkata (Ấn Độ)… vẫn trường tồn với thời gian như những dấu tích văn hóa - lịch sử không thể xóa nhòa.

Sở VHTT Hà Nội cũng cho rằng, cần "trả lại tên" cho Bưu điện Hà Nội.

Công trình Bưu điện Hà Nội từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của Hà Nội. Các hạng mục kiến trúc Bưu điện Hà Nội vẫn hiện diện tại vị trí cũ. Vấn đề đặt ra là tên công trình có sự thay đổi so với trước do sự vận động, biến đổi của lịch sử phát triển ngành Bưu điện. Hiện nay, tòa nhà Bưu điện Hà Nội thuộc quản lý của Công ty Viễn thông Hà Nội, vì vậy doanh nghiệp kinh doanh có quyền lựa chọn tên công ty phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ qua việc xem xét kiến nghị của nhân dân về việc nên thay tên hiện nay - VNPT Hà Nội bằng tên vốn có của công trình này là Bưu điện Hà Nội bởi đây là mong muốn, là nguyện vọng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhân dân đối với các di sản kiến trúc đô thị mang dấu ấn lịch sử của Thủ đô.

Từ đầu năm 2018, sau khi chủ trì hội nghị liên ngành lấy ý kiến về việc sửa chữa, thay thế thiết bị đồng hồ Bưu điện Hà Nội, Sở VHTT đã tổng hợp báo cáo UBND Thành phố tại văn bản số 692/SVHTT-DSVH ngày 01/3/2018, trong đó khẳng định Bưu điện Hà Nội là nơi ghi dấu nhiều thăng trầm lịch sử của mảnh đất Hà thành và hình ảnh đồng hồ lớn gắn với tòa nhà Bưu điện Hà Nội ở bên Hồ Gươm từ lâu đã ở trong tâm thức của người dân Thủ đô và du khách.

Và như vậy, bảo tồn di sản của Thủ đô sẽ không chỉ là bảo tồn những những danh lam thắng cảnh, những công trình tôn giáo, tín ngưỡng và những di vật trong đó mà cần phải quan tâm đến cả các di sản tiêu biểu của kiến trúc đô thị và nông thôn cùng tất cả các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống gắn liền với nó, bởi đó là những minh chứng cho lịch sử văn hiến nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ