• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nóng bỏng Eo Hormuz, nguy cơ cao cho năng lượng toàn cầu

Thế giới 20/05/2019 12:31

(Tổ Quốc) - Loạt sự kiện gần đây liên quan tới các tàu chở dầu đi qua Eo biển Hormuz, đã đặt khu vực này trở lại "điểm sôi".

Eo biển Hormuz lại một lần nữa trở thành tâm điểm. Là một trong những tuyến đường vận chuyển dầu mỏ quan trọng nhất thế giới, vùng biển này nằm giữa Iran và Oman, kết nối Vịnh Ba tư với Vịnh Oman và Biển Arab. Tuyến đường cho phép các nhà sản xuất dầu mỏ tại Trung Đông vận chuyển sản phẩm tới các khách hàng ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Trong nhiều thập kỷ qua, Eo biển Hormuz vẫn là "trái tim" của các căng thẳng khu vực. Iran từng nhiều lần đe dọa sẽ đóng cửa lối vào, nhằm trả đũa những áp lực từ quốc tế.

Nóng bỏng Eo Hormuz, nguy cơ cao cho năng lượng toàn cầu - Ảnh 1.

Iran từng nhiều lần đe dọa sẽ đóng cửa lối vào Eo Hormuz, nhằm trả đũa những áp lực từ quốc tế (ảnh: getty)

Tuần trước, theo Arab Saudi, hai tàu chở dầu nước này và một số tàu khác là mục tiêu của vụ tấn công phá hoại bên ngoài bờ biển UAE. Sau đó, hai trạm bơm dầu của Saudi cùng một đường ống chủ lực, vẫn được sử dụng để vận chuyển dầu mỏ ra nước ngoài mà không cần phải thông qua Eo Hormuz – đã bị tấn công bởi các máy bay không người lái.

Hiện chưa rõ bên nào đứng sau vụ phá hoại tàu chở dầu, nhưng lực lượng đối lập Houthi tại Yemen đã đứng ra chịu trách nhiệm về hành động tấn công đường ống dầu. Tuy nhiên, theo Financial Times, các sự kiện này đã tái chính trị hóa Eo biển Hormuz, đồng thời làm dấy lên những câu hỏi về an ninh cho các tàu chở dầu, cũng như tuyến đường mà các tàu này di chuyển.

Dữ liệu từ công ty List Intelligen của Lloyd chỉ ra, trung bình mỗi ngày có 16,8 triệu thùng dầu đi qua khu vực biển Hormuz vào năm ngoái. Con số này xấp xỉ 1/3 tổng số lượng dầu thô được vận chuyển trên toàn thế giới bằng đường thủy.

Thởi điểm diễn ra các vụ tấn công vô tình hay cố ý trùng hợp với những leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Iran. Washington mới đây đã công bố triển khai quân đội tại Trung Đông; trong khi Tehran thông báo, họ dừng tuân thủ một số điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân 2015.

Việc các tàu chở dầu phải đối mặt với nguy hiểm khi đi qua tuyến đường giao thông huyết mạch, cho dù chỉ là trong thời gian tạm thời, có thể dẫn tới những trì hoãn và gia tăng chi phí vận chuyển. Điều này rất có thể sẽ đẩy giá dầu thế giới lên đột biến. Giá dầu thô Brent mới đây đã ở mức 73 USD/thùng, tăng hơn 3% so với tuần trước.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ