• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Nóng" chạy đua quân sự trong không gian, Liên hợp quốc hành động

Thế giới 04/01/2022 11:02

(Tổ Quốc) - Vào ngày 15/11/2021, Nga đã phá hủy một trong những vệ tinh cũ của mình bằng tên lửa phóng từ bề mặt Trái đất. Vụ nổ này tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ quỹ đạo và hàng trăm mảnh vụn đe dọa nhiều vệ tinh và hạ tầng kỹ thuật trên không gian, bao gồm cả Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Sự kiện này xảy ra chỉ hai tuần sau khi Ủy ban thứ nhất của Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức công nhận vai trò quan trọng của vũ trụ và tài sản không gian trong các nỗ lực quốc tế nhằm nâng cao hiểu biết của con người, cùng những rủi ro từ các hoạt động quân sự trong không gian đối với những mục tiêu đó.

Ủy ban thứ nhất của Liên hợp quốc phụ trách vấn đề giải trừ quân bị, các thách thức toàn cầu và các mối đe dọa đối với hòa bình ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế. Vào ngày 1/11/2021, họ đã thông qua một nghị quyết lập một nhóm làm việc mở để đánh giá các mối đe dọa hiện tại và tương lai đối với các hoạt động không gian, đưa ra khuyến nghị về các chuẩn mực, quy tắc và nguyên tắc hành động trên không gian và "góp phần đàm phán các công cụ ràng buộc pháp lý" - bao gồm một hiệp ước - để ngăn chặn "một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian."

Nghị quyết kịp thời này đã được thông qua khi các hoạt động trong không gian trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và - như thể hiện qua vụ thử của Nga - căng thẳng tiếp tục gia tăng.

Hiệp ước không gian bên ngoài năm 1967

Các hoạt động trong không gian từ trước đến nay được điều chỉnh theo Hiệp ước Ngoài không gian năm 1967, hiện được 111 quốc gia phê chuẩn. Hiệp ước này được đưa ra trong thời Chiến tranh Lạnh khi chỉ có hai quốc gia – Liên Xô và Mỹ - có khả năng du hành vũ trụ.

"Nóng" chạy đua quân sự trong không gian, LHQ hành động - Ảnh 1.

Năng lực vũ trụ của các quốc gia đã phát triển đáng kể từ thế kỷ 20 tới nay. Ảnh: CNN.

Trong khi Hiệp ước về không gian bên ngoài đưa ra các nguyên tắc hướng dẫn hoạt động của các quốc gia, văn bản này không đề cập nội dung chi tiết và tạo ra một số lỗ hổng.

Theo văn bản này, Mặt Trăng và các thiên thể khác phải được sử dụng riêng cho các mục đích hòa bình, tuy nhiên, phần còn lại của không gian chưa được đề cập.

Nội dung đáng chú ý thứ hai là các bên khi tiến hành các hoạt động trong không gian phải "quan tâm thích đáng đến lợi ích tương ứng của tất cả các quốc gia thành viên khác của Hiệp ước", tuy nhiên, không đưa ra các định nghĩa rõ ràng cho "mục đích hòa bình" hoặc "sự quan tâm thích đáng".

Mặc dù Hiệp ước này đặc biệt nghiêm cấm việc đưa vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt lên không gian, nhưng không cấm việc sử dụng vũ khí thông thường trong không gian hoặc sử dụng vũ khí từ mặt đất nhắm tới không gian. Và cũng không rõ liệu một số vũ khí - như tên lửa siêu thanh hạt nhân có thể bay tới không gian mới của Trung Quốc - có thuộc lệnh cấm của hiệp ước trên hay không.

Quân sự hóa không gian được và nguy cơ xung đột

Không gian đã được sử dụng cho mục đích quân sự kể từ vụ phóng tên lửa V2 đầu tiên của Đức vào năm 1942.

Nhiều vệ tinh đời đầu, như công nghệ GPS, Trạm vũ trụ Liên Xô và thậm chí cả tàu con thoi của NASA đều được phát triển với mục tiêu quân sự hoặc được sử dụng cho mục đích quân sự.

Và khi hoạt động thương mại hóa ngày càng tăng trên toàn cầu, ranh giới giữa việc sử dụng vũ trụ cho quân sự và dân sự ngày càng bị lu mờ. Hầu hết mọi người có thể xác định các lợi ích của vệ tinh như dự báo thời tiết, theo dõi khí hậu và kết nối internet nhưng không biết rằng chúng cũng đe dọa tới quyền riêng tư. Việc gấp rút phát triển một nền kinh tế không gian mới đang cho thấy sự phụ thuộc kinh tế của con người vào không gian sẽ ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, các vệ tinh mang đến lợi ích trên cũng có thể hoặc đã phục vụ các chức năng quân sự. Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại ngày càng phát triển cũng sẽ làm nảy sinh tranh chấp về các khu vực hoạt động trên không gian và theo đó có thể dấy lên các phản ứng quân sự từ các chính phủ.

Mặc dù chưa có bất kỳ cuộc xung đột quân sự trực tiếp nào trong không gian, nhưng các quốc gia đã leo thang nỗ lực để chứng minh sức mạnh quân sự của họ trên không gian. Thử nghiệm của Nga chỉ là ví dụ gần đây nhất. Năm 2007, Trung Quốc cũng thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh và tạo ra số lượng mảnh vụn khổng lồ vẫn đang trôi nổi trong không gian. Gần đây nhất vào ngày 10/11/2021, Trạm Vũ trụ Quốc tế đã phải tìm cách tránh một mảnh vụn từ vụ thử nghiệm của Trung Quốc.

Bối cảnh này cho thấy nghị quyết mới của Liên hợp quốc rất quan trọng vì nó thúc đẩy sự phát triển của các chuẩn mực, quy tắc và nguyên tắc mới về hành vi có trách nhiệm. Nếu được thực thi đúng cách, nghị quyết này có thể đi một chặng đường dài hướng tới việc xây dựng các hành lang cần thiết để ngăn chặn xung đột trong không gian.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ