• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Nóng" hỏi-đáp bầu cử Mỹ 2020: Hai ứng viên đều có những tuyên bố trái thực tế

Thế giới 16/10/2020 15:11

(Tổ Quốc) - Hai buổi hỏi đáp diễn ra cùng một lúc tại hai địa điểm cách nhau hàng nghìn km đã cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ trong một loạt vấn đề nóng.

Hôm thứ Năm (15/10), cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden đã được thay thế bằng hai buổi hỏi – đáp có ghi hình.

Khi được hỏi về việc liệu có xét nghiệm COVID-19 trước cuộc tranh luận đầu tiên với Biden hay không, Tổng thống Trump bày tỏ thái độ bảo vệ cho cách chính quyền đương nhiệm phản ứng trước đại dịch. Ông cũng thừa nhận mình đang nợ nần nhưng khẳng định mình không thiếu nợ Nga hay bất kỳ "người nào đang mắc tội". Ngoài ra ứng viên Đảng Cộng hòa còn khẳng định, khoản nợ 400 triệu USD chỉ là "một phần rất rất nhỏ" trong tổng số tài sản của ông.

"Nóng" hỏi-đáp bầu cử Mỹ 2020: Hai ứng viên đều có những tuyên bố trái thực tế - Ảnh 1.

Tổng thống Trump giao lưu với người ủng hộ trong buổi hỏi-đáp tại Miami (ảnh: AP)

Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống Joe Biden tiếp tục công kích những phản ứng của Nhà Trắng trong dịch bệnh. Ông tuyên bố, việc đóng cửa văn phòng phản ứng đại dịch từng được thiết lập dưới thời Obama là điều không đúng đắn. Có thời khắc, ứng viên Đảng Dân chủ thừa nhận sai lầm khi ủng hộ đạo luật tội phạm năm 1994, đồng thời cho hay sẽ làm rõ lập trường của mình về việc mở rộng Tòa án Tối cao nếu nhân vật ông Trump đề cử được thông qua trước ngày bầu cử.

Hai ứng viên trả lời các câu hỏi từ hai thành phố khác nhau và được ghi hình trên hai đài truyền hình khác nhau: Ông Trump trên kênh NBC từ Miami và ông Biden trên kênh ABC từ Philadelphia.

Các buổi hỏi-đáp là một thể thức cho phép ứng viên khẳng định bản thân mình rõ ràng hơn trước cử tri sau buổi tranh luận trực tiếp đầu tiên đầy tranh cãi vào tháng trước.

Tính cách của ông Trump vẫn được thể hiện như mọi khi. Ông to tiếng, cãi vã với người chủ trì Savannah Guthrie, phàn nàn về các câu hỏi. "Khi họ hỏi, 'ông có chấp nhận chuyển giao quyền lực hòa bình không', câu trả lời là 'có, tôi sẽ làm vậy'. Nhưng tôi muốn một cuộc bầu cử trung thực", ông Trump nhấn mạnh.

"Nóng" hỏi-đáp bầu cử Mỹ 2020: Hai ứng viên đều có những tuyên bố trái thực tế - Ảnh 2.

Ứng viên Biden cũng có buổi hỏi-đáp từ Philadelphia (ảnh: AP)

Còn ông Biden lựa chọn cách tiếp cận mềm mỏng hơn trước các câu hỏi. Ông tuyên bố, chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump đã khiến "nước Mỹ bị cô đơn". "Vị Tổng thống đương nhiệm đã thu nhận toàn bộ kẻ xấu trên thế giới", ông Biden chỉ trích.

Ứng viên 77 tuổi cho hay, ông dự định tham gia cuộc tranh luận vào tuần sau với ông Trump nhưng sẽ yêu cầu đối thủ phải xét nghiệm COVID-19 trước sự kiện.

Trong quá trình trả lời, hai ứng viên đã đưa ra nhiều thông tin và nhận định về nhiều vấn đề. Tuy nhiên, không phải tuyên bố nào cũng đúng với thực tế hoặc có thể dẫn tới hiểu lầm. Hãng tin AP đã chỉ ra một số trường hợp đáng chú ý.

Kinh tế

Ông Trump khẳng định: "Chúng ta đã có nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ".

Thực tế: Con số thống kê cho thấy đó không phải sự thật. Trước đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp 3,5% ở mức thấp nhất trong nửa thế kỷ trở lại đây và dân số có gia tăng. Tuy nhiên, phần trăm người làm việc hoặc tìm kiếm việc làm vẫn thấp hơn đỉnh điểm năm 2000.

Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Paul Romer từng xem xét con số tăng trưởng kinh tế của Mỹ dưới thời Trump. Trung bình tăng trưởng hàng năm trước đại dịch là 2,48% - chỉ cao hơn một chút so với tỷ lệ 2,41% trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama. Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế dưới thời Tổng thống Ronald Reagan thậm chí còn đạt mức trung bình 4,2%/năm.

Tội phạm

Ông Biden cho hay: "Bản thân dự thảo luật tội phạm không có các mức án bắt buộc ngoại trừ hai điều... và vì thế tôi đã bỏ phiếu chống lại nó".

Thực tế: Điều này gây hiểu lầm. Ứng viên Dân chủ biết rõ ảnh hưởng của đạo luật và những tác động nảy sinh từ việc từ dự thảo được thông qua trở thành luật. Ông tham gia soạn thảo và bỏ phiếu cho dự thảo luật năm 1994 trong đó bao gồm ngân sách xây thêm nhà tù, mở rộng áp dụng hình thức tử hình và kêu gọi bắt buộc áp dụng án chung thân cho người 3 lần bị kết án vì các hành vi bạo lực. Đạo luật được cho là đã trở thành một công cụ mang tính phân biệt chủng tộc cho hệ thống pháp lý trong kỷ nguyên Black Lives Matter (phong trào Cuộc sống Người da đen cũng đáng giá).

Quân đội

Từ Philadelphia, ông Biden nói về sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Afghanistan: "Hiện họ có nhiều người ở đấy hơn là thời điểm chúng tôi rời Afghanistan".

Thực tế: Không phải vậy

Mỹ đang có 5.000 binh lính tại Afghanistan. Khi Tổng thống Obama rời nhiệm sở, số binh lính Mỹ tại đó là 8.400 người và trong những tháng đầu tiên sau khi ông Trump nhậm chức, con số là 8.500 người. Trước khi ông Obama trở thành tổng thống, số lượng lính Mỹ tại Afghanistan là 100.000 người vào năm 2020. Mặc dù đã rút hàng nghìn quân về nước, nhưng ông Obama đã không thể thực hiện được lời hứa của mình là giảm số quân xuống còn 5.500 vào những năm cuối nhiệm kỳ.

COVID-19

Ông Trump tuyên bố: "Hôm trước có thông tin là 85% người đeo khẩu trang vẫn bị lây nhiễm… Đó là những gì tôi được nghe và được chứng kiến".

Thực tế: Tổng thống Mỹ đang "vặn vẹo" kết quả nghiên cứu. Nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật Mỹ chỉ ra, 85% trong một nhóm nhỏ những bệnh nhân COVID-19 (154 người) cho biết, họ thường xuyên đeo khẩu trang. Tuy nhiên, trong 160 người tham gia phỏng vấn và có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19, 88,7% nói, họ cũng luôn luôn hoặc thường xuyên đeo khẩu trang. Ngoài ra, những người bị nhiễm có thể lây virus trong nhiều hoàn cảnh như ăn uống tại một nhà hàng - thời điểm họ không còn đeo khẩu trang.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ