(Tổ Quốc) - Một số chính trị gia châu Âu cao cấp ngày 27/11 đã đề cập đến khả năng có những lệnh trừng phạt mới chống Nga về vụ việc bắt giữ ba tàu Ukraine tại biển Đen.
Một bộ trưởng Nga cho biết, việc gia tăng các biện pháp trừng phạt sẽ không giải quyết được gì và vụ việc này không nên được coi là lí do để hủy bỏ hiệp định Minsk – đang được coi là nền tảng để chấm dứt xung đột ở miền đông Ukraine giữa Kiev và lực lượng ly khai thân Nga.
Các tài sản của Nga đang chịu sức ép trên thị trường tài chính trong bối cảnh lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt mới có thể làm tổn hại nền kinh tế.
Nga đã sử dụng vũ khí đối với các thuyền hải quân Ukraine và sau đó bắt giữ các con tàu và đội ngũ thủy thủ vào ngày chủ nhật tại vùng biển gần Crimea - mà Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.
Vụ va chạm ở khu vực cầu Crimea đang gia tăng căng thẳng giữa Nga và Ukraine cùng các nước phương Tây. (Nguồn: Reuters)
Tổng thống Vladimir Putin nói với Thủ tướng Đức Angela Merkel qua điện thoại hôm thứ Hai rằng Moscow sẵn sàng cung cấp thêm chi tiết về vụ việc. Nga cũng nói rằng Kiev đã cố ý khiêu khích để kích hoạt một cuộc khủng hoảng.
Bà Merkel, người cũng đã đối thoại hôm thứ hai với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, kêu gọi giảm leo thang căng thẳng và hướng tới đối thoại.
Ukraine đã ban bố tình trạng chiến tranh trong 30 ngày ở một số khu vực của đất nước mà họ cho là dễ bị Nga tấn công nhất. Kiev cũng cho biết các tàu của họ không làm gì sai và kêu gọi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow.
Norbert Roettgen- một chính trị gia cấp cao trong đảng bảo thủ Đức, cũng là một đồng minh thân cận của bà Merkel, cho biết Liên minh châu Âu có thể cần phải tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Karin Kneissl, Bộ trưởng Ngoại giao Áo- nước đang nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, cho biết EU sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt phụ thuộc vào các diễn biến thực tế và hành động tiếp theo của cả hai bên.
Ba Lan và Estonia – hai quốc gia có lập trường cứng rắn với Nga, đều bày tỏ sự ủng hộ cho việc tăng cường lệnh trừng phạt.
Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Bartosz Cichocki nói với Reuters rằng sự cố tại eo biển Kerch đã chứng minh cho lời kêu gọi của Warsaw về việc đoàn kết hơn nữa để đưa ra một lập trường thống nhất của phương Tây đối với Nga.
Còn Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko, phát biểu trong chuyến thăm Berlin, cho biết thêm nhiều biện pháp trừng phạt chống lại quốc gia của ông sẽ "không giúp giải quyết bất kỳ vấn đề gì cả".
Các nhà ngoại giao EU cho biết các nhà lãnh đạo khối này dự kiến sẽ vào họp tháng sau về việc sẽ nhất trí gia hạn lệnh trừng phạt hiện có đối với Nga.