• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

NSND Lê Tiến Thọ lên tiếng về việc bị tố "đạo văn"

Văn hoá 30/05/2019 10:10

(Tổ Quốc) - NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam vừa bị tố "đạo văn" và vi phạm quy chế thi của Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019. Để rộng đường dư luận, NSND Lê Tiến Thọ đã chia sẻ về những vấn đề bị nêu và khẳng định, ông không có bất cứ tranh chấp, vi phạm nào về bản quyền.

NSND Lê Tiến Thọ đăng ký mình là tác giả kịch bản duy nhất của vở "Vụ án Lệ Chi viên" trong khi ông là người chuyển thế tuồng từ kịch bản kịch nói của tác giả Lưu Quang Hà.

NSND Lê Tiến Thọ lên tiếng về việc bị tố đạo văn - Ảnh 1.

NSND Lê Tiến Thọ khẳng định không có tranh chấp bản quyền với bất cứ tác giả nào

NSND Lê Tiến Thọ khẳng định: "Vụ án Lệ Chi viên" được tôi phóng tác từ kịch bản kịch nói Đêm Ức Trai của cố tác giả Lưu Quang Hà sang kịch bản Tuồng. Năm 2016, Nhà hát Ca Kịch Huế dàn dựng, tôi đã làm việc với đại diện gia đình cố tác giả Lưu Quang Hà là bà Lưu Lan Hương. Hai bên đã thống nhất về chế độ và bản quyền tác phẩm, chúng tôi đã thỏa thuận trên cơ sở nguyên tắc không có khiếu kiện về tác quyền. Đến năm 2017, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM dựng "Vụ án Lệ Chi viên" tôi lại làm việc với bà Lưu Lan Hương đại diện gia đình của cố tác giả Lưu Quang Hà để trả tác quyền, hai bên đã thống nhất bằng văn bản không có tranh chấp về quyền tác giả. Năm nay, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM đưa vở "Vụ án Lệ Chi viên" dự Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch có mời tôi vào xem vở.

"Khi tôi xem tờ Program (chương trình) in trên quạt của Nhà hát để đăng ký tham gia liên hoan có thiếu dòng chữ "Phóng tác từ Đêm Ức Trai của Lưu Quang Hà", tôi đã đề nghị Ban giám đốc in thêm dòng chữ nêu trên để không vi phạm bản quyền tác giả. Việc đăng ký tham gia liên hoan với Cục Nghệ thuật biểu diễn là do Nhà hát, còn tôi đã trao đổi với Ban giám đốc nhà hát đề nghị thực hiện quyền tác giả một cách nghiêm túc. Trong đợt liên hoan này tôi có nhắn tin mời bà Lưu Lan Hương vào xem, nhưng bà Lưu Lan Hương không đi được vì mẹ đang ốm nặng.

NSND Lê Tiến Thọ nói thêm: "Theo Luật sở hữu trí tuệ, phóng tác thì không bắt buộc phải trả nhuận bút, nhưng chúng tôi vẫn trả tiền mỗi lần vở ấy được dàn dựng, biểu diễn. Trong kịch bản tôi luôn luôn có ghi là phóng tác từ "Đêm Ức Trai của Lưu Quang Hà", không bao giờ xóa từ đó đi, nhưng các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật họ làm thế nào thì mình không kiểm soát được. Kịch bản của Nhà hát nghệ thuật hát Bội TP. HCM còn giữ, bìa màu vàng vẫn ghi là Phóng tác, chứ không bao giờ tôi xóa dòng chữ đó".

NSND Lê Tiến Thọ cũng chia sẻ: "Vừa rồi, Nhà hát nghệ thuật hát Bội TP Hồ Chí Minh đã cải chính, Nhà hát Dân ca Huế cũng đã phải xin lỗi 1 lần về việc quên đề phần "phóng tác từ Đêm Ức trai" của Lưu Quang Hà. Điều này là do các nhà hát chứ tôi không đi theo mà kiểm soát được. Còn nếu muốn chiếm đoạt thì tôi đâu cần phải ký với bà Lưu Lan Hương việc xin được phóng tác"!

Với vở diễn "Hoàng thúc Lý Long Tường", theo NSND Lê Tiến Thọ khẳng định, kịch bản vở diễn hoàn toàn là của cá nhân ông.

NSND Lê Tiến Thọ lên tiếng về việc bị tố đạo văn - Ảnh 2.

Một vở diễn do NSND Lê Tiến Thọ dàn dựng

"Vở Hoàng thúc Lý Long Tường là vở diễn đã qua nhiều giai đoạn, hơn 20 năm rồi. Khoảng những năm 1993-1994, khi ông Lý Xương Căn, hậu duệ Nhà Lý từ Hàn Quốc sang Việt Nam, giới thiệu thụ hằng môn của tiền nhân ở Đại học Tổng hợp thì tôi có được ông Nguyễn Lộc nói nên đi nghe. Thấy thầy Lộc nói thế, tôi đi nghe Lý Xương Căn giới thiệu. Sau đó, tôi về có bắt tay viết 1 vở tuồng ngắn Lý Long Tường vào năm 1994. Vở diễn sau đó được Nhà hát Tuồng Việt Nam dàn dựng, diễn ở Đền Đô, Bắc Ninh. 

Theo ông Lê Tiến Thọ, sở dĩ có "tin đồn" nghi ngờ vở diễn có sự dây dưa bản quyền với các ông Lê Sơn, Đoàn Thanh Tâm, Ngọc Chi…là vì năm 2009, Nhà hát Tuồng Đào Tấn có tìm vở diễn để dàn dựng tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Cùng năm đó, Nhà hát này có nhận được kịch bản "Lý Long Tường" do NSND Lê Tiến Thọ và Lê Sơn là tác giả, ông Lưu Ngọc Nam mang vào giới thiệu. Sau đó, Nhà hát Tuồng Đào Tấn có nghiên cứu kịch bản và thấy chưa đạt nên có thông báo cho ông Lưu Ngọc Nam về trao đổi lại với tác giả Lê Tiến Thọ và Lê Sơn biết là cần sửa lại kịch bản theo yêu cầu.

Sau khi bàn bạc và thống nhất, Nhà hát Tuồng Đào Tấn mời NSND Lê Tiến Thọ phối hợp với tác giả Đoàn Thanh Tâm (người của Nhà hát Tuồng Đào Tấn) đê sáng tác kịch bản mới theo phương thức đặt hàng. Một thời gian sau, NSND Lê Tiến Thọ và tác giả Đoàn Thanh Tâm gửi đến Nhà hát kịch bản mới với tiêu đề "Hoàng thúc Lý Long Tường", tác giả: NSND Lê Tiến Thọ, tác giả chuyển thể: Đoàn Thanh Tâm.

Vở diễn sau đó được Nhà hát Tuồng Đào Tấn dàn dựng và năm 2010 khi đưa vở diễn đi tham gia Hội diễn tại Đà Nẵng, Nhà hát Tuồng Đào Tấn đã xin phép đổi tên thành "Hồn Việt".

Những văn bản pháp lý chứng minh điều này hiện vẫn được lưu giữ tại Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Bên cạnh đó, NSND Lê Tiến Thọ cũng cung cấp những tài liệu, giấy viết tay xác nhận giữa các tác giả làm việc chung như Đoàn Thanh Tâm, Lưu Ngọc Nam… chứng minh tác phẩm "Hoàng thúc Lý Long Tường" là của tác giả Lê Tiến Thọ./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ