(Tổ Quốc) - Cải lương tuồng cổ độc đáo ở chỗ mang tính ước lệ cao. Các động tác như chèo thuyền, phi ngựa… nghệ sĩ đều phải tưởng tượng, dùng ngôn ngữ ước lệ, tả ý và trình thức để thể hiện, giúp khán giả hiểu được mới thành công.
- 24.05.2024 NSND Ngọc Giàu nói vẫn ca hay, xuất sắc ở tuổi 79
- 10.05.2024 TikToker/nhà sáng tạo nội dung số đào tạo nghệ sĩ cải lương ra sao?
- 02.05.2024 NSND Vương Hà từ Hà Nội tới truyền dạy kinh nghiệm cho thí sinh Học viện Cải lương
- 27.04.2024 NSND Trọng Phúc và bước ngoặc trở thành kép chính của sân khấu cải lương
- 20.04.2024 Ba quán quân các cuộc thi lớn tranh cơ hội mới tại Học viện Cải lương
Trong tập 9 của Học viện Cải lương, các thí sinh được đào tạo vũ đạo, thường sử dụng trong cải lương tuồng cổ. Đây là một trong những nét độc đáo của cải lương, gắn liền với tên tuổi của nhiều nghệ sĩ và một số gia tộc cải lương.
NSƯT Bạch Long: "Tôi không muốn xảy ra chuyện tam sao thất bản"
NSƯT Bạch Long và NSƯT Tú Sương trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm cho các học viên. Hai nghệ sĩ đều là hậu duệ của gia tộc Bầu Thắng - Minh Tơ rất nổi tiếng với cải lương tuồng cổ. NSƯT Bạch Long cho biết ông nhận lời ngay vì mong truyền đạt những kiến thức, kỹ năng chính xác cho hậu bối.
"Tôi không muốn xảy ra chuyện tam sao thất bản. Có nhiều thông tin tôi nghe được rất vô lý, không có cơ sở. Tôi cần phân tích rõ, chuẩn xác cho các bạn trẻ, kể cả khán giả trẻ. Đừng học nửa nạc nửa mỡ sẽ làm thất truyền cải lương tuồng cổ vốn là một nét đẹp trong nghệ thuật cải lương. Tôi còn sống nhưng không nói thì không có trách nhiệm với gia tộc", ông nói.
Nghệ sĩ chỉ ra một số ví dụ thực tế cho thấy vũ đạo trong cải lương tuồng cổ đang bị hiểu sai. Ở đó, có người cho rằng tuồng cổ Việt Nam thì người đóng vai tướng sẽ chỉ 1 ngón tay, còn tuồng Trung Quốc chỉ bằng 2 ngón tay. Đây là kiến thức sai. Một số học trò của ông khi đi biểu diễn cũng gặp tình huống tương tự.
Làm giám khảo một cuộc thi, ông cũng bất ngờ khi thí sinh biểu diễn tứ mã phanh thây nhưng lại sử dụng dây thật, và không có con ngựa. Theo ông, việc này không đúng, bởi ước lệ thì phải hoàn toàn. "Có lần tôi đi quay phim, đạo diễn sử dụng dây thật, tôi lại đề nghị ngay phải mang con ngựa thật về, không thể làm nửa nạc nửa mỡ như thế. Thế là đạo diễn phải đem ngựa về", ông kể.
Hoặc cũng có quan niệm chỉ những vị quan, tướng xưa của Trung Quốc mới dùng đao, còn quan, tướng Việt Nam thì không. Vì thế, có vở diễn, quan, tướng Việt chỉ dùng kiếm, nhưng kiếm lại xuất xứ Trung Quốc, do người phụ trách đạo cụ mua về. Nghệ sĩ Bạch Long cho rằng muốn thực hiện một vở diễn chỉn chu phải cẩn trọng từ những điều nhỏ nhất, tìm hiểu chi tiết, cụ thể.
Theo ông, kép văn sẽ tương đối thoải mái hơn trên sân khấu. Còn kép võ có nhiều thử thách, khó khăn hơn."Các động tác trên sân khấu đều xuất phát từ võ thuật có thật, nhưng biến tấu, cách điệu lại cho phù hợp với không gian biểu diễn. Chúng được gọi là vũ đạo. Vũ đạo cải lương tuồng cổ và hát bội giống nhau. Trong quá trình tập, nghệ sĩ cũng thường gặp tai nạn, đặc biệt với những động tác khó. Trong một vở diễn, tôi đóng vai Phạm Cư Trích, còn một nghệ sĩ khác đóng vai tướng Tàu. Quá trình biểu diễn vũ đạo, vũ khí trúng vào mắt tôi, để lại vết sẹo cho đến giờ" - ông kể.
Hiện tại, NSƯT Bạch Long vẫn giữ niềm đam mê với sân khấu, thường xuyên đào tạo, hướng dẫn học trò, khôi phục thương hiệu Đồng Ấu Bạch Long.
"Khán giả của NSND Thành Tôn, NSND Thanh Tòng… đều lớn tuổi, thậm chí không còn. Vì thế, tôi luôn muốn truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, để khán giả trẻ sau này có cơ hội biết, thưởng thức cải lương tuồng cổ", NSƯT Bạch Long nói.
Theo ông, việc sử dụng tính ước lệ vào các vở, tuồng xã hội vẫn được nhưng phải làm cho hay, hợp lý. Điều này NSƯT Thành Lộc từng làm trong một số tác phẩm, điển hình như Tiên Nga, rất thành công. Tuy nhiên, ông cũng không thích việc những người trẻ "múa" vô tội vạ trong các vở diễn. "Vũ đạo phải có ý nghĩa, thể hiện một thông điệp nào đó cụ thể", ông nhấn mạnh.
NSƯT Bạch Long và NSƯT Tú Sương
NSƯT Tú Sương kể kỷ niệm khó quên với NSND Thanh Tòng
NSƯT Tú Sương được học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nghệ sĩ tài năng tiền bối như: NSND Thanh Tòng, nghệ sĩ Xuân Yến, nghệ sĩ Thanh Sơn… Chị cho biết phải học lóm, đi từng bước nhỏ mới có được hôm nay. Chị nói việc nhận vai phù hợp rất quan trọng.
"Tôi đóng vai tì nữ khi còn rất nhỏ, sau đó đúng tuổi mới được học vũ đạo. Đến khi sắc vóc chuẩn thì được đóng vai lớn hơn. Gia tộc tôi luôn chú trọng sự phù hợp khi ra sân khấu. Tôi nhớ có lần đã hóa trang xong, cậu năm (NSND Thanh Tòng) không cho tôi ra diễn, vì tôi quá non, chưa đủ chiều cao, lọt thỏm giữa các chị. Tôi vẫn nhớ như in cậu nói rằng việc đó là khi dễ nghệ thuật, xem thường khán giả", chị kể.
Chị cho rằng việc học phải luôn tiếp diễn, mong các bạn trẻ luôn ý thức điều này. "Nếu tự đắc sẽ giết chính mình trong con đường này", chị nói. Theo chị để đạt được thành công, nghệ sĩ không nên câu nệ vai diễn. Khi ngồi xem, người trẻ có thể quan sát tiền bối có thêm kinh nghiệm, lại không tốn tiền đi học.
Việc xây dựng cá tính, màu sắc cá nhân cũng hết sức quan trọng trong từng vai diễn. Tú Sương lấy vai Chúc Anh Đài trong vở Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài làm ví dụ. Vở này từng được cố NSƯT Vũ Linh và nghệ sĩ Tài Linh thể hiện rất thành công.
Tú Sương cho biết rất thần tượng nghệ sĩ Tài Linh về cách làm nghề, lối sống hòa nhã, vui vẻ. Chị được xem nghệ sĩ Tài Linh diễn vai Chúc Anh Đài rất nhiều. "Tôi bị "nhiễm" nhiều nét diễn của cô từ đài từ, ánh mắt. Nhưng đến khi anh Vũ Luân về, dựng vở, có nhiều bạn trẻ tham gia, tôi chợt nhận ra mình cần khác đi. Ngay cả với khán giả, nếu tôi có diễn giống thần tượng mình đến như thế nào thì họ cũng không dễ đón nhận, thậm chí luôn bị so sánh. Tôi bắt đầu đưa ra những ý tưởng mới, lại được anh Vũ Luân hiểu ý nên có nhiều điều thú vị. Nhưng sự sáng tạo này không làm sai lệch tâm lý, hình tượng nhân vật", Tú Sương chia sẻ.
Bên cạnh chuyên môn, theo chị nghệ sĩ cần phải giữ đạo đức tốt, trọng nghề, trọng khán giả…"Tôi thật sự mong các bạn trẻ lớn nhanh về tiềm lực bên trong lẫn ý thức. Thế hệ chúng tôi hiện cũng bắt đầu già đi, nên mong có thế hệ nối tiếp, kế thừa. Chúng tôi sẵn sàng lùi về sau làm dàn bao, quân sĩ, tì nữ để các bạn tỏa sáng. Tôi cũng mong khán giả thương cải lương, nghệ sĩ, đặc biệt các bạn trẻ để hun đúc thêm tinh thần, mang những gì tốt nhất phục vụ khán giả", NSƯT Tú Sương bộc bạch./.