(Tổ Quốc) - Đăng Dương hát nhạc thính phòng, nhạc đỏ, ngoài ra anh chưa từng hát dòng nhạc nào khác. Anh là một trong số ít ca sĩ trung thành tuyệt đối với dòng nhạc mình chọn và sẵn sàng "tất tay" để có được những đêm nhạc riêng được đầu tư công phu, ghi dấu ấn sâu đậm.
20h ngày 26/8, liveshow "Tổ Quốc gọi tên mình" của Đăng Dương diễn ra tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô, Hà Nội là một minh chứng như thế. Liveshow giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp của Đăng Dương, không chỉ kỷ niệm 30 năm ca hát mà còn khẳng định một hướng đi mà Đăng Dương đang theo đuổi: lan tỏa tình yêu nhạc đỏ đến những thế hệ kế cận và làm tươi mới, tạo nên sức sống mới cho dòng nhạc mà anh yêu, đam mê và đắm đuối trong suốt sự nghiệp của mình.
Liveshow có sự góp mặt của các nghệ sĩ trẻ như ca sĩ Đào Tố Loan, Võ Hạ Trâm, Nhóm nhạc Oplus, Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, Giám đốc âm nhạc Dương Cầm, Chỉ đạo sản xuất Đoàn Thúy Phương.
+ Trong khi nhiều đồng nghiệp chiều thị hiếu khán giả bằng những dự án kết hợp với những ca sĩ dòng nhạc đương đại, vì sao anh vẫn tiếp tục trung thành với nhạc cổ điển và cách mạng suốt chặng đường sự nghiệp 30 năm?
- Tôi tự nhận mình là một trong những ca sĩ ít ỏi trung thành với dòng nhạc của mình, ngoài nhạc đỏ và thính phòng chưa bao giờ hát dòng nhạc khác. Tôi có chí hướng, lý tưởng với dòng nhạc này, đã yêu rồi thì yêu mãi, ăn vào máu, vào tim. Mỗi lần đi hát các chương trình, sự kiện, được đứng trên sân khấu hát nhạc đỏ, dù là những bài đã hát rất nhiều lần nhưng khi cất lên trái tim vẫn căng tràn mãnh liệt tình yêu với quê hương đất nước.
Dòng nhạc đỏ không như những dòng nhạc khác, chịu nhiều thiệt thòi. Chúng tôi luôn muốn dòng nhạc này được quan tâm nhiều vì nó gắn với một phần lịch sử hào hùng của dân tộc, minh chứng cho những năm tháng đau thương mất mát và tinh thần yêu nước của người Việt Nam. Chính vì thế, tôi quyết tâm tổ chức liveshow "Tổ Quốc gọi tên mình" dù gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế chung của xã hội đang phải gồng mình sau dịch.
+ Chỉ còn vài ngày nữa nữa là diễn ra liveshow, anh đã chuẩn bị thế nào cho đêm nhạc đánh dấu 30 năm ca hát của mình?
- Liveshow "Tổ Quốc gọi tên mình" tập hợp gần 30 ca khúc đi cùng năm tháng, là những ca khúc mà tôi rất yêu thích. Vì vậy, suốt từ khi chính thức quyết định làm liveshow, tôi lúc nào cũng muốn được sớm sớm lên sân khấu để hát cùng khán giả. 3 tuần nay, tôi và các nghệ sĩ cùng dàn nhạc đã liên tục tập luyện, giờ này là đã hừng hực khí thế muốn lên sân khấu rồi (cười).
Cho đến giờ tôi cảm thấy mình thực sự may mắn. May mắn được theo đuổi dòng nhạc mình yêu thích. May mắn có sự hậu thuẫn tốt nhất từ "hậu phương". Nhờ đó mà tôi chỉ việc hát và tập trung hoàn toàn cho nghệ thuật. Mỗi một liveshow phải có một người điều phối công việc. Điều đó rất quan trọng. Vợ tôi - Kim Xuyến – đã toàn tâm toàn ý đứng sau, lo cho tôi từ những điều nhỏ nhất. Mỗi lần trước khi ra sân khấu, vợ đều nhắc nhở tôi ôn kỹ lại lời. Những ngày tập luyện, cô ấy đều sát cánh bên cạnh dù bận trăm công ngàn việc cho liveshow.
+ Cô ấy kỹ tính như vậy có bao giờ giữa hai người nảy sinh bất đồng?
- Thời gian đầu chúng tôi hay bất đồng lắm. Tôi dù sao cũng là nghệ sĩ, có cái tôi cao, cô ấy cũng là người học thanh nhạc ra, nghe nhạc và đi xem show nhiều. Cô ấy góp ý tôi phải hát mềm mại trong khi tôi học opera cổ điển, cách hát mang tính trường lớp và hơi cứng. Cô ấy bảo: "Anh hát những ca khúc nước ngoài thì không nói nhưng những bài hát Việt Nam ngoài chính ca, những ca khúc nào có màu sắc trữ tình thì phải tiết chế, bỏ nhỏ, xử lý mềm lại. Bây giờ thời đại mới phải hát với tâm thế mới".
Lúc đầu tôi cũng tranh cãi với cô ấy, sau đó tôi ngẫm lại thấy cô ấy nói đúng, hát mềm lại một chút khiến người nghe cảm giác gần gũi hơn, chạm đến tim mọi người hơn, không nhất thiết phải tống hết kỹ thuật ra. Đồng nghiệp cũng nhận ra sự thay đổi trong cách hát và khen tôi. Tôi gọi đùa vợ là cô giáo thanh nhạc của mình.
+ Vợ làm trợ lý thường theo anh đi diễn xa, vậy chuyện chăm sóc con cái anh chị sắp xếp thế nào?
- Đó cũng là một trăn trở của chúng tôi. Hồi các con nhỏ chúng tôi hay gửi con cho ông bà, giờ các cháu cũng lớn rồi, chúng tôi hướng tới kỹ năng sống độc lập cho con. Các con cũng rất hiểu đặc thù công việc của bố. Khi bố mẹ đi diễn, hai đứa tự ở nhà chăm lo cho nhau.
Chỉ có vợ tôi hơi vất vả, như con thoi để chăm sóc chồng con.
+ Hai bố mẹ đều là ca sĩ, anh chị có định hướng các con theo nghệ thuật?
- Con nghệ sĩ thường theo nghề bố mẹ nhưng nhà tôi thì không. Hai bạn sinh ra trong gia đình nghệ thuật, nghe nhạc từ lúc nằm trong bụng mẹ đến tận bây giờ nên cũng lĩnh hội được ít nhiều, hát cũng hay, cảm thụ nhạc tốt, chơi piano nhưng chỉ để cuộc sống thêm màu sắc.
Con trai lớn của chúng tôi học thiết kế, chuyên vẽ nhân vật trong phim. Con trai nhỏ sáng tác được những đoạn nhạc nhỏ nhưng lại thiên hướng về lập trình, mới lớp 7 đã tự thiết kế game, lập trình cho các sự kiện trường và mong muốn theo công nghệ thông tin. Bố mẹ không giỏi tiếng Anh nhưng hai con thì nói tiếng Anh như người bản xứ và luôn đứng top đầu lớp. Quan điểm của vợ chồng tôi là mỗi đứa trẻ cần được phát huy theo năng khiếu của mình.
+ Xin cảm ơn anh!
NSND Thanh Tâm – cô giáo đàn bầu của Đăng Dương trong hơn 10 năm: Đăng Dương là một nghệ sĩ chân chính
"Đăng Dương luôn là một người hết mình trong nghệ thuật, khi học đàn bầu đã thế, khi Dương tìm được con đường đi phù hợp lại càng dốc tâm dốc sức vào đó. Đối với tôi, Dương là một nghệ sĩ chân chính. Tôi rất trân quý Đăng Dương, tôi nhìn thấy ở Dương sự yêu nghề hiếm có. Ngay khi Dương học đàn bầu, tôi đã nhìn thấy năng khiếu ca hát của Dương và động viên Dương đi theo thanh nhạc dù Dương học đàn bầu ở khả năng có thể là solist chứ không phải chơi. Nhưng cái nghiệp của Dương là ca hát. Nếu nói tôi không tiếc cho quá trình 10 năm học đàn bầu của Dương là không đúng, nhưng tôi nghĩ Dương đã chọn đúng đường của mình.
NSND Quang Thọ: Đăng Dương rất đáng khích lệ, động viên khi làm liveshow nhạc đỏ
Ngoài công việc biểu diễn thu thanh, Đăng Dương cũng làm công tác giảng dạy và là một người thầy tâm huyết với thế hệ ca sĩ trẻ. Rất nhiều ca sĩ rời khỏi Nhạc viện với hành trang là kỹ thuật ca hát mà Đăng Dương truyền thụ.
Những ca sĩ dòng nhạc truyền thống chưa hẳn là khó khăn trong đời sống nhưng để bỏ ra số tiền lớn tổ chức một liveshow không dễ dàng như một số ca sĩ theo dòng nhạc phù hợp thị hiếu khán giả trẻ. Vì thế những người làm liveshow kỷ niệm sự nghiệp ca hát và lan tỏa nhạc đỏ như Đăng Dương rất đáng khích lệ, động viên".