• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nước cờ năng lượng mới nhất của Nga tại Balkan

Thế giới 27/12/2019 13:30

(Tổ Quốc) - Sự tiếp xúc gần đây của hoạt động tình báo Nga ở Serbia nêu bật chiến lược kép mà Nga theo đuổi đối với các nước láng giềng, theo trang Oil Price.

Những động thái đó cũng nhấn mạnh đến vị trí địa chính trị mà Serbia đang có – điều khiến cả Nga và phương Tây ganh đua ảnh hưởng ở đất nước này. Sự chia rẽ trong Serbia, lịch sử xung đột và các xu hướng kinh tế, chính trị và kinh tế khác nhau có thể góp phần định hướng con đường mà Serbia đi.

Quan hệ Nga - Serbia

Vào tháng 11, Tổng thống Serbia Alexandar Vucic tiết lộ rằng các lực lượng an ninh của Serbia đã phát hiện ra Nga từng cố xâm nhập vào quân đội Serbia. Hoạt động này của Nga cho thấy Moscow sẵn sàng triển khai mạnh mẽ lực lượng tình báo của mình như thế nào để theo đuổi các mục tiêu chính sách đối ngoại.

Nước cờ năng lượng mới nhất của Nga tại Balkan - Ảnh 1.

Ông Vulvic và 1 số lãnh đạo NATO. Ảnh: AP.

Phản ứng của Serbia cũng làm rõ 1 số điều. Ông Vucic tuyên bố sau sự cố đó rằng chúng tôi sẽ không thay đổi chính sách của mình đối với Nga – nơi chúng tôi coi là một quốc gia anh em và thân thiện. Câu nói này cho thấy ông Vucic rất muốn giữ quan hệ Nga - Serbia gần gũi trong bối cảnh quan hệ sâu sắc giữa Moscow và Belgrade vẫn đang được thúc đẩy.

Kể từ năm 2014, khi Đảng Tiến bộ của ông Vucic lên nắm quyền tại Serbia, Nga đã đưa ra nhiều ưu đãi kinh tế và quân sự để tăng cường quan hệ với Serbia. Ông Vucic gần đây cũng đã ký một hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU), khối thương mại nhằm củng cố sức ảnh hưởng của Nga ở Đông Âu và Trung Á và cũng là để tránh khỏi sự ảnh hưởng của EU.

Ngoài ra, nhánh thứ hai trong dự án đường ống dẫn khí TurkStream của Gazprom sẽ bắt đầu xây dựng đi qua Serbia vào cuối năm 2019. Chính sách năng lượng là công cụ chính nhằm gia tăng ảnh hưởng của Nga ở châu Âu và đường ống Turkstream sẽ củng cố thêm vị thế năng lượng hàng đầu của Nga ở Đông Âu và Balkan. Serbia đã phụ thuộc vào Moscow về khí đốt tự nhiên và công ty dầu mỏ lớn nhất của họ, Naftna Industrija Srbije cũng có đa số cổ phần dưới tên Gazprom.

Serbia và Nga, cả hai nước Slavic và theo Chính thống giáo, cũng đã tăng cường hợp tác quân sự. Một cuộc tập trận quân sự gần đây, Slavic Shield 2019, đã chứng kiến lần đầu tiên triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga trong hoạt động huấn luyện bên ngoài nước Nga. Serbia cũng đã mua máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và xe tăng MiG-29 của Nga trong vài năm qua.

Sự cố do thám vừa qua cũng diễn ra vào thời điểm đang có sự hợp tác giữa các cơ quan tình báo Serbia và Nga. Có lẽ mối liên kết mạnh mẽ nhất giữa hai quốc gia là lập trường đối với vấn đề Kosovo độc lập. Serbia từ chối công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập và Nga có thể sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để ngăn chặn nỗ lực của Kosovo muốn đạt được sự công nhận của Liên Hợp Quốc.

Con đường phía tây Serbia

Bất chấp những nỗ lực của Nga để gia tăng ảnh hưởng, Serbia đang trên con đường gắn kết hơn với các thể chế phương Tây. Mặc dù Serbia không muốn tham gia NATO, nhưng nước này lại tham gia tập trận và hợp tác quốc phòng với liên minh này.

Bất kỳ nỗ lực nào của Serbia để gia nhập NATO đều sẽ bị Nga phản đối. Moscow lâu nay luôn bác bỏ mọi nỗ lực của NATO về việc mở rộng liên minh. Hơn nữa, vụ đánh bom Serbia năm 1999 của lực lượng NATO cũng khiến nhiều người dân nước này không hoàn toàn dành thiện cảm cho NATO.

Tuy nhiên, Serbia đang là một ứng cử viên cho việc có được tư cách thành viên EU và dự báo quá trình này sẽ hoàn thành vào năm 2025. EU vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Serbia. Theo khảo sát của Cơ quan nghiên cứu xã hội tại Belgrade, 45,5% người Serbia ủng hộ tư cách thành viên EU so với 17,6% ưa thích thành viên của EEU.

Nhưng sự chia rẽ trong EU có thể làm trật bánh con đường Serbia hội nhập về chính trị và kinh với khối này. Vào tháng 10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đi ngược lại cam kết của EU về việc cho phép các quốc gia Balkan Albania và Bắc Macedonia bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập. Ông Macron muốn làm chậm lại quá trình EU mở rộng và điều này có thể sẽ tạo ra mối lo ngại đáng kể ở Belgrade rằng tương lai của họ ở EU là không rõ ràng.

Viễn cảnh nào cho mối quan hệ rắc rối?

Sự không chắc chắn này sẽ khuyến khích Nga tiếp tục tìm cách gia tăng ảnh hưởng đến chính trị Serbia. Sự cạnh tranh giữa phương Tây và Nga về thể hiện ảnh hưởng đối với nhà nước Balkan này thể hiện ở sự chia rẽ trong giới tinh hoa quân sự và chính trị Serbia. Một số người muốn duy trì một quỹ đạo thân phương Tây và những người khác ủng hộ mối quan hệ mạnh mẽ hơn với anh em họ Slavic của họ.

Tuy nhiên, trong khi vị thế của Serbia giữa phương Tây và Nga có vẻ khó xử, thì đó có thể là một kết quả tốt. Điều này cho phép Belgrade tận dụng sự cạnh tranh từ hai bên và có thể lấy được những nhượng bộ từ cả hai. Serbia có thể tiếp tục nhận được những cử chỉ hữu nghị từ Nga, trong khi sẽ có đòn bẩy chính trị lớn hơn và đàm phán từ vị trí có sức mạnh với các cường quốc phương Tây.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ